Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 16/1, Bộ NN&PTNT tổ chức tọa đàm "Nghiên cứu khoa học: Đổi mới tư duy, sáng tạo để bứt phá" nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đầu tư, thúc đẩy khoa học công nghệ.
Tại tọa đàm, GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đề xuất xem xét trao nhiều quyền hơn để các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính có thể chủ động trong triển khai các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.
"Bên cạnh ứng dụng các công nghệ cao trong nông nghiệp, các cơ quan, tổ chức cần mở rộng hợp tác công - tư, tạo ra sự liên kết mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.
Thời gian tới, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sẽ tập trung phát triển công nghệ gen để tạo ra giống cây rừng mới năng suất cao, chống chịu tốt các điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhân giống cây rừng và đầu tư máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen quý", GS.TS Hải thông tin.
Hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 57, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam xác định 4 nội dung trọng tâm cần thực hiện. Cụ thể, tiếp tục rà soát và tổ chức lại bộ máy theo tinh thần của Nghị định 19; tăng cường giải pháp khai thác nguồn lực đầu tư; thay đổi năng lực quản trị trong các đơn vị và tập trung quản trị các sản phẩm khoa học và công nghệ để đảm bảo chất lượng và khả năng ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu trong thực tiễn.
"Để thực hiện những nội dung trên, các cơ quan, tổ chức cần bố trí công việc hợp lý, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ phát huy tối đa năng lực của mình. Nếu công việc chưa được thực hiện tốt, cần phải xem xét lại và có sự điều chỉnh hợp lý. Chỉ những cá nhân làm việc không hiệu quả mới cần phải rời đi, như vậy mới đảm bảo một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả", GS.TS Sơn nói.
Hiện nay, tỉ lệ chế biến nông sản ở Việt Nam còn thấp, chỉ khoảng 12%, trong khi thiệt hại sau thu hoạch lại rất cao, đặc biệt trong ngành trồng rau quả và thủy sản (từ 20-30%). Để giải quyết vấn đề này, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đề xuất nâng cao trình độ nhân lực thông qua công tác đào tạo sau đại học gắn liền với nghiên cứu cơ bản.
Lấy ví dụ về ngành thủy sản PGS.TS Tuấn nói :"Mặc dù công nghệ bảo quản thủy sản đã đạt được một số thành công, nhưng áp dụng trên quy mô lớn vẫn còn hạn chế. Vì vậy, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời phát triển các nhà sơ chế phục vụ nguyên liệu chế biến và xuất khẩu. Trong lĩnh vực chế biến, không chỉ chú trọng vào chế biến chính phẩm mà ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phế phẩm thành chính phẩm".
Theo ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT, KHCN đã được áp dụng mạnh mẽ trong ngành thủy sản, tạo ra nhiều con giống mới chất lượng cao như giống tôm sú, tôm chân trắng và cá biển.
Hiện nay, ngành thủy sản còn thiếu nguồn lực tham gia nghiên cứu khoa học trình độ cao, chưa được đào tạo bài bản, vì vậy, các viện, trường cần xem xét, cử nhân lực đi đào tạo nâng cao trình độ. Thời gian tới, các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu KHCN cần thay đổi tư duy, sẵn sàng mở lòng để liên kết, hợp tác cùng phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng nhóm nghiên cứu sâu, phát triển thương hiệu cho nhóm nghiên cứu nói riêng và Viện nói chung.
Chia sẻ tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: "Một công nghệ dù phức tạp đến đâu cũng chỉ có giá trị khi nó được ứng dụng vào thực tế, khi nó giúp người dân trồng được cây, nuôi được con và nâng cao đời sống của họ".
Do đó, cần cách tiếp cận mới hơn, mở hơn về nguồn lực tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
"Chúng ta có thể nghĩ đến mạng lưới kết nối cộng tác viên là các giảng viên, sinh viên các trường đại học khắp cả nước, các cán bộ, công chức ngành nông nghiệp, du học sinh đang học tập tại nước ngoài", Bộ trưởng gợi mở.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng thúc giục đội ngũ nhà khoa học nông nghiệp cần tích cực "ra ruộng, về làng" hơn nữa, về với bà con nông dân để cùng lan tỏa giá trị sâu rộng của khoa học – công nghệ khắp làng quê, nông thôn.
Khi đó, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu được đào tạo, trui rèn bài bản có thể giúp những "nhà khoa học chân đất" chuẩn hóa, hiệu chỉnh, hoàn thiện từng lời giải cho thực tiễn canh tác, sản xuất, thương mại trong nông nghiệp.
Đỗ Hương