Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn
Ngày 16/4/2025, nhiều cơ quan báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin hệ thống điện Tây Ban Nha đã vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời, điện gió và thủy điện. Đây được xem là bước tiến nổi bật trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, thể hiện cam kết mạnh mẽ của quốc gia này đối với mục tiêu giảm phát thải và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy hai tuần sau, vào ngày 28/4, một sự cố nghiêm trọng đã bất ngờ xảy ra: toàn bộ bán đảo Iberia - bao gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - rơi vào tình trạng mất điện trên diện rộng. Hệ quả là hệ thống tàu điện ngầm, tàu hỏa, mạng di động, Internet, máy ATM đồng loạt tê liệt; đèn tín hiệu giao thông ngừng hoạt động gây ùn tắc nghiêm trọng; hàng loạt người dân mắc kẹt trong thang máy và các trung tâm đô thị rơi vào cảnh hỗn loạn chưa từng có. Sự cố còn lan sang một số khu vực của Pháp, khiến khoảng 60 triệu người dân khu vực rơi vào đêm tối kéo dài từ 6 đến 8 giờ đồng hồ.
Ủy ban châu Âu đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Bà Teresa Ribera, Phó Chủ tịch EC phụ trách năng lượng sạch, thẳng thắn gọi đây là "một trong những sự cố điện nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong thời gian gần đây".
Cảnh báo cho nhiều quốc gia
Trao đổi về sự cố này, chuyên gia Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, cho rằng đây là bài học mang tính cảnh báo đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh dư luận trong nước thường xuyên đặt câu hỏi vì sao chúng ta không sớm tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện thì sự cố tại Tây Ban Nha – một quốc gia có nền tảng hạ tầng điện hiện đại, kết nối sâu trong lưới điện châu Âu, thậm chí có công suất dự phòng cao gấp 3 lần nhu cầu – lại càng cho thấy rằng, việc phát triển năng lượng tái tạo nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, cân đối và có phương án điều tiết hợp lý thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hệ thống.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đánh giá lại toàn diện các yếu tố kỹ thuật trong tích hợp nguồn tái tạo vào hệ thống điện quốc gia. Các nguồn điện gió, mặt trời phụ thuộc lớn vào yếu tố thời tiết, trong khi việc vận hành hệ thống điện lại đòi hỏi tính ổn định cao và khả năng dự báo chính xác phụ tải. Nếu nguồn cung thay đổi đột ngột do thời tiết, mà các nguồn điện dự phòng không thể huy động kịp thời thì sự sụp đổ toàn hệ thống là hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo ông Hà Đăng Sơn, bài học từ châu Âu cho thấy, ngay cả trong điều kiện hạ tầng điện hiện đại, nền kinh tế phát triển và kết nối khu vực chặt chẽ như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thì sự cố vẫn có thể xảy ra. Điều này càng đáng lưu tâm khi nhìn về Việt Nam, nơi hạ tầng truyền tải còn nhiều hạn chế, năng lực vận hành hệ thống điện quốc gia vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Việc đặt cược hoàn toàn vào các nguồn điện "xanh", nếu thiếu đồng bộ về chính sách, công nghệ và phương án điều độ, sẽ gây rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Ông Hà Đăng Sơn cho rằng, trong lĩnh vực năng lượng, việc đảm bảo cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người tiêu dùng là một bài toán khó. Giá điện phải đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư vào các dự án điện mới, đặc biệt là trong điều kiện nguồn lực nhà nước có hạn, trong khi vẫn phải đảm bảo không gây áp lực lớn tới chi phí sản xuất, đời sống người dân.
Ông Hà Đăng Sơn nhấn mạnh, để hệ thống điện được ổn định và bền vững, giá bán điện phải bảo đảm hiệu quả đầu tư, hợp lý. Trên thực tế, giá bán lẻ điện tại Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức thấp so với chi phí thực. Theo phân tích của UNDP từ năm 2017, hệ thống giá điện của Việt Nam chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố đầu vào như chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì, chi phí biến động nguyên liệu, nhân công... Nói cách khác, người dân đang được trợ giá để dùng điện.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhu cầu đầu tư hạ tầng điện lớn, cùng với yêu cầu về hiện đại hóa hệ thống, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết. Điều này cũng đã được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị định 72/2025, trong đó quy định rõ cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo nguyên tắc thị trường có kiểm soát. Giá điện sẽ được điều chỉnh từng bước, không gây "sốc", trong ngưỡng chấp nhận được của nền kinh tế và xã hội.
"Việc điều chỉnh giá điện theo hướng tiệm cận với chi phí thực, có lộ trình, chính là một bước đi tất yếu để ngành điện có đủ nguồn lực vận hành ổn định, đầu tư phát triển hạ tầng và giữ vững vai trò là nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", ông Sơn nhấn mạnh.
Anh Thơ