• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thay nếp nghĩ, đổi cuộc đời

(Chinhphu.vn) – Với chủ trương đưa cán bộ huyện, xã về từng thôn, bản làm “chuyên gia không lương” giúp dân thay đổi cách thức sản xuất, canh tác ruộng nước, san sẻ đất đai… chưa đầy 5 năm, Bản Mù, Pá Hu, Tà Si Láng… đã thật sự chuyển mình.

31/07/2013 10:32

Về lý thuyết, ai cũng hiểu để giúp dân đuổi được con "ma đói" ra khỏi các bản, nói một cách hình tượng thì thay vì cho đồng bào con cá, Nhà nước cần hỗ trợ đồng bào “cái cần câu”, đồng thời kiên trì hướng dẫn đồng bào “cách câu, thời điểm câu" phù hợp.

Thực chất việc này chính là phải thay đổi được nếp nghĩ, thói quen của dân bản, cần vận động làm sao để đồng bào thực sự muốn làm, tự giác làm. Nếu đồng bào không ưng cái bụng, thì cái đầu sẽ không chịu nghĩ; cái chân sẽ không chịu đi rẫy, đi nương; cái tay sẽ không chịu cày, chịu cuốc… Chính sách xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước sẽ chỉ như áng mây lơ lửng nơi đầu núi mà không thể biến thành hạt thóc trong bồ, bắp ngô trên gác bếp.

Cánh đồng bản Mù Cao, xã Bản Mù, vào mùa gặt. Ảnh: VGP/Đức Mạnh

Với nhận thức ấy, Huyện ủy Trạm Tấu chủ trương thành lập tại mỗi xã 1 Tổ công tác phụ trách cơ sở, đứng đầu là 1 huyện ủy viên hoặc thường vụ huyện ủy. Tương tự, tại mỗi thôn bản lập 1 tổ công tác (gồm 1 lãnh đạo ngành cấp huyện làm tổ trưởng, 1 lãnh đạo xã và trưởng thôn làm tổ viên).

Trong 1 tháng, mỗi cán bộ huyện phải dành tối thiểu 1 tuần "cắm bản", ba cùng với đồng bào. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ cắm bản cuối năm được xã cùng tổ công tác tại xã đánh giá, xác nhận làm căn cứ để huyện xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Chủ trương "cắm bản" này đã giúp triển khai đội ngũ "cán bộ tăng cường" phủ kín toàn bộ 69 thôn, bản tại 11 xã trong huyện để giúp dân xóa đói.

Cán bộ khuyến nông Nguyễn Văn Tuân, người có thâm niên gần 10 năm cắm bản, dẫn phóng viên chúng tôi đi thăm lúa. Trong ánh nắng vàng như rót mật, cánh đồng Mù Cao hiền hòa với những thửa ruộng bậc thang xếp chồng như lát bánh tét, phủ kín một màu xanh của lúa đương làm đòng xen kẽ với những thửa ruộng óng ả màu vàng của lúa chín sớm. Anh Tuân cho biết, tập quán người Mông không trồng lúa Xuân, chỉ trồng vụ Hè Thu để tránh mùa rét đậm khắc nghiệt của vùng cao, hoặc trồng ngô, lúa nương năng suất thấp. Mặt khác thói quen đốt nương làm rẫy, du canh của đồng bào làm ruộng đất trước đây bị hoang hóa rất nhiều.

Để giúp dân xóa đói, nhiệm vụ đầu tiên của cán bộ cắm bản là vận động đồng bào chuyển đổi từ trồng giống lúa, ngô truyền thống cho năng suất thấp, sang trồng lúa lai, ngô lai có năng suất cao; từ mỗi năm 1 vụ lên 2 vụ; kết hợp cải tạo đất hoang, mở rộng diện tích canh tác…

Cái khó là thời điểm xuống giống vụ Đông Xuân đúng vào mùa rét. Bên cạnh đó, đồng bào Mông có tập quán ăn tết cổ truyền sớm hơn Tết Nguyên đán một tháng; thời gian ăn tết, chơi tết kéo dài khoảng 15 ngày, đúng vào giai đoạn xuống giống vụ Xuân nên ảnh hưởng lớn đến thời vụ trồng trọt. Mặt khác, đồng bào có tâm lý, cái gì chưa  nhìn tận mắt, chưa sờ tận tay, thì cái bụng không ưng, cái tay không làm. Do đó, nếu chỉ nói suông rằng bà con nên chuyển sang trồng vụ mới, giống mới… thì chắc chắn sẽ không hiệu quả, bà con sẽ không làm theo.

Vì vậy thực hiện chủ trương của huyện, từ năm 2005, cán bộ tăng cường cùng với toàn thể cán bộ xã, thôn từ bí thư, chủ tịch, trưởng thôn, giáo viên, công an… chung sức bắt tay làm mẫu tại mỗi thôn bản một thửa lúa xuân, ngô lai; liên tục trong 3-4 năm trời cho đồng bào được nhìn tận mắt hiệu quả để bắt chước làm theo.

Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Trạm Tấu Đỗ Chí Công và Trưởng thôn Cang Dông (xã Pá Hu) Lò Văn Ngô. ẢNh: VGP/Đức Mạnh

Do địa hình vùng cao bị chia cắt mạnh, phần lớn ruộng, nương nằm trên các sườn đồi, nên mảnh ruộng nào đủ nước, đón được nhiều ánh mặt trời, trồng lúa, trồng ngô sẽ thuận lợi hơn. Còn mảnh ruộng nào thiếu nắng, tuy cây trồng vẫn xanh tốt, trổ bắp kết hạt, nhưng cái hạt rất to mà lại “chẳng biết chín”. Mặt khác, thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây ngô, cây lúa. Vì vậy, từng thửa ruộng mẫu đều được cán bộ theo dõi, chăm sóc cẩn thận như ruộng nhà mình bởi nếu chỉ thất bại 1 lần là đồng bào sẽ không tin, không nghe cán bộ nữa.

Trời không phụ lòng người, vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, những cánh đồng mẫu liên tục được mùa. Tận mắt thấy hiệu quả thiết thực, từ 2009, bà con bắt đầu nghe theo cán bộ, chuyển hướng mùa vụ, cây trồng. Để giúp dân canh tác hiệu quả, cán bộ kiên trì "cầm tay chỉ việc" cho đồng bào ngay tại ruộng, nương; hướng dẫn tỉ mỉ từ cách làm đất, ủ giống, gieo mạ, khi nào làm cỏ, phun thuốc, bón phân, thu hoạch… Mưa dầm thấm lâu, nhận thức của người dân cũng dần thay đổi. Trên cơ sở đó, cán bộ ba cùng tiếp tục vận động đồng bào khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, tính toán thời điểm gieo trồng, số giờ nắng trên từng mảnh ruộng, vuông đất để xuống giống đúng thời điểm.

Cầm lái chiếc “Wave chiến” chạy số 1 vượt lên con dốc dựng đứng đầy đá hộc vào bản Cang Dông, xã Pá Hu, Phó Văn phòng UBND huyện Trạm Tấu Đỗ Chí Công (cán bộ tăng cường cho bản Cang Dông) vừa tự tin điều khiển xe, vừa kể chuyện cho con đường bớt dài. Nếu như trước đây phải hướng dẫn bà con từng ly từng tí, nay đa số các hộ đã tiếp cận được kỹ thuật mới, chủ động hơn trong làm ăn. Nhiều kỹ thuật quan trọng trong chăm sóc lúa, ngô, bà con chỉ cần nghe trưởng thôn, trưởng bản yêu cầu là có thể chủ động thực hiện.

Cấy lúa vụ Hè Thu trên ruộng bậc thang ở Cang Dông (xã Pá Hu)

Tuy nhiên, những giai đoạn cao điểm như: xuống giống; phòng dịch; thu hoạch; phòng chống rét… thì cán bộ vẫn phải bám dân, bám bản. Cứ xử lý xong công việc ở huyện là lao xuống bản. Nơi gần thì chả nói làm gì, nhưng những bản xa đường xá gập ghềnh, trời nắng đi lại còn khó khăn chưa nói đến trời mưa. Bản xa nhất ở xã Tà Si Láng cách trung tâm huyện tới 70km (trong đó có khoảng 30 km đường đất) cũng không cản được bước chân của những “chuyên gia không lương” về với đồng bào.

Thông thường đi từ huyện xuống bản là phải phối hợp với cán bộ xã, thôn tập hợp họp dân. Do đồng bào ở phân tán, ban ngày đi nương, nên họp được dân để triển khai công việc thường bắt đầu vào 8-9h tối, họp xong là tới nửa đêm. Rất nhiều hôm, cán bộ tăng cường phải ngủ lại tại nhà trưởng thôn, sáng dậy sớm cùng đồng bào lên nương theo dõi từng mảnh nương, thửa ruộng như người trong một nhà. Nhờ đó, sản lượng ngô, lúa tăng theo từng năm, đồng bào phấn khởi, liên tục mở rộng diện tích gieo trồng, đua nhau cải tạo, khai khẩn đất hoang.

Bí thư xã Bản Mù Giàng A Phông cho biết: Sau chưa đầy 5 năm, bản làng như được “lột xác”. Nếu như năm 2004 cả xã lúc đó chỉ có 7 ha lúa xuân, thì nay đã có 166,07 ha lúa nước (tăng 23,7 lần), hơn 190 ha ngô xuân. Ước vụ Xuân năm nay Bản Mù thu được khoảng 737,35 tấn lúa, 446,5 tấn ngô. Dân bản không còn lo đói.

Nếu như chỉ 5 năm trước đây, cái đói, cái nghèo như bệnh mãn tính quái ác còn lan tràn khắp các xã, thì nay niềm vui no ấm của Bản Mù có thể thấy rõ ở từng mái nhà trong mỗi thôn bản của xã cũng như trên toàn huyện.

Tẽ ngô ngay trên đường vào Pá Hu. Ảnh: VGP/Đức Mạnh

Góp thêm câu chuyện làm ăn, Giàng A Lồng (Chủ tịch xã Pá Hu) cho biết: Trước đây cả bản Cang Dông chỉ có 2 hộ làm vụ Xuân, nhưng giờ không chỉ 57 hộ dân trong bản, mà nếp nghĩ, cách làm của đồng bào người Mông, người Thái cả xã, cả huyện đã thay đổi hẳn, đồng bào biết canh tác theo lối mới, diện tích trồng sắn, lúa nương năng suất thấp đã thay bằng cây lúa lai, ngô lai, 1 năm ăn chắc 2 vụ.

Không dừng lại ở đó, để giúp các hộ gia đình nghèo có đất trồng trọt, bên cạnh việc vận động nhân dân khai khẩn đất hoang, từ năm 2009, Trạm Tấu thực hiện thí điểm vận động hộ có nhiều đất san sẻ, chia đất cho hộ nghèo, sau đó rút kinh nghiệm mở rộng ra toàn huyện.

Giàng A Lồng hóm hỉnh: “Mặc dù những hộ cho đất được hỗ trợ 1.500 đồng/m2, giá chỉ bằng chén rượu, nhưng nghe cán bộ vận động có lý có tình, đồng bào vẫn vui vẻ hưởng ứng”.

Nhờ đó, đến cuối năm 2012, Trạm Tấu đã hoàn thành điều chỉnh, sắp xếp lại đất sản xuất với 279 hộ cho đất, 338 hộ nhận đất, diện tích 155,76 ha. Đến nay, cơ bản các hộ nông dân trong huyện đều có đất sản xuất.

Một góc bản người Thái ở xã Hát Lìu. Ảnh: VGP/Đức Mạnh

Dân no cái bụng, nhiều nhà có của ăn của để, mua xe máy, sắm tivi để tiếp nhận thêm những thông tin về các chủ trương, chính sách của Nhà nước, kinh nghiệm làm ăn của đồng bào cả nước, lại được cán bộ tuyên truyền nhận thức của người dân ngày càng tiến bộ. Năm 2012 là năm đầu tiên đồng bào Mông ở Trạm Tấu vui chung một tết với cả nước mà không ảnh hưởng tới lao động, sản xuất. Con em của đồng bào đang bận công tác, học tập ở xa cũng được về đoàn tụ vui tết cùng gia đình. Nhờ đó, chỉ tính riêng vụ xuân năm nay, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đã đạt 11.155 tấn.

Nhìn lại cả quá trình, trong giai đoạn 2005-2008, lương thực bình quân đầu người trong huyện chỉ đạt là 358,43 kg/người/năm, mỗi năm Trung ương phải cấp vài trăm tấn gạo cứu đói. Bây giờ sản lượng lương thực toàn huyện đã đạt 18.000 tấn/năm, trung bình gần 700 kg/người.

Bài toán xóa đói cho dân đau đáu bao năm đã được tháo gỡ, các cán bộ của Trạm Tấu lại trăn trở tìm lời giải cho bài toán "thoát nghèo".

Trần Mạnh