Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ban Chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nghe báo cáo tình hình thực hiện chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội - Ảnh: Chinhphu.vn |
Cùng dự buổi làm việc còn có Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Hữu Phú, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, cùng nhiều đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của Trung ương và TP Hà Nội.
Theo báo cáo của BCĐ, cho đến thời điểm này hầu hết các công trình đã bám sát yêu cầu tiến độ và chất lượng đã đề ra, trong đó có nhóm các công trình kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay đã có 26 công trình kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội trên phạm vi cả nước đã được gắn biển bao gồm: 10 công trình của Hà Nội, 8 công trình của các bộ, ngành Trung ương và 8 công trình của các tỉnh, thành phố.
Nhiều công trình chào mừng kỷ niệm sự kiện trọng đại này tại các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành đưa vào sử dụng để chào mừng Đại lễ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Đối với nhóm các công trình văn hóa phi vật thể, tổ chức các hoạt động theo mốc thời gian đếm ngược, hoạt động phối hợp với các tổ chức quốc tế được thực hiện khẩn trương và đạt chất lượng.
Tại cuộc họp BCĐ, kịch bản Lễ mít tinh diễu binh, diễu hành chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào sáng 10/10 và Đêm hội văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào đêm 10/10/2010 đã được báo cáo chi tiết và lấy ý kiến góp ý của các thành viên BCĐ.
Kịch bản Đêm hội văn hóa – nghệ thuật cho thấy quy mô hoành tráng của Chương trình với ý tưởng chính là tôn vinh rõ nét các giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là những phần thể hiện những giá trị tiêu biểu của Hà Nội ngàn năm lịch sử được tái hiện sinh động, gần gũi.
Cho ý kiến về hai kịch bản nói trên, yêu cầu quan trọng mà hầu hết các thành viên BCĐ đặt ra là phải thể hiện rõ nét sắc thái ngàn năm trong các hoạt động. Một số ý kiến khác của BCĐ đề nghị, chi tiết liên quan đến các nhân vật được tôn vinh, hình tượng hóa trên sân khấu cần được cân nhắc trên cơ sở khoa học, tính toán rõ hiệu ứng xã hội, cũng như giá trị đối với lịch sử ngàn năm của Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đều đặt ra yêu cầu khi thực hiện các chương trình là phải ngắn gọn, súc tích, thể hiện rõ nét giá trị tiêu biểu “Thăng Long là nơi địa linh nhân kiệt, văn hiến, con người nhân nghĩa, anh hùng”.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng – Trưởng BCĐ Quốc gia 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nêu rõ, yêu cầu quan trọng trong nội dung các chương trình được tổ chức từ ngày 1 - 10/10/2010 phải thể hiện được hào khí Thăng Long tỏa sáng. Đặc biệt cần tính toán chi tiết, khoa học thể hiện tính hợp lý trong cả không gian và thời gian khi tổ chức các chương trình.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị, đối với các hoạt động có nội dung mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng như Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành và Đêm hội văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tất cả các lực lượng phải được phối hợp chặt chẽ, phân công cụ thể.
Để tạo không khí phấn khởi trong nhân dân vào dịp Đại lễ này, Phó Thủ tướng yêu cầu, TP.Hà Nội cần xây dựng các chương trình hoạt động sôi nổi đưa đến tận cơ sở, nhất là ở tất cả các quận, huyện, phường để tạo không khí hân hoan trong dịp kỷ niệm trọng đại này.
Tất cả các công việc khác liên quan đến lễ tân, hậu cần, an ninh, Phó Thủ tướng lưu ý, các đơn vị Trung ương và Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo chất lượng cao nhất và để Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội được tổ chức thành công.
Kiều Liên