Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kênh Chợ Gạo là một trong những nút thắt quan trọng của hệ thống giao thông thủy khu vực ĐBSCL. Ảnh minh hoạ. |
Nhiều hạn chế
Trước khi thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, Bộ GTVT đã chủ trì thực hiện đánh giá môi trường chiến lược cho tất cả các quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch của ngành GTVT.
Tuy nhiên, hầu hết các đánh giá môi trường chiến lược hoặc đánh giá tác động môi trường đã thực hiện chủ yếu tập trung vào các nội dung phân tích, đánh giá ảnh hưởng tới môi trường của công trình giao thông khi triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch, chưa có những giải pháp cụ thể liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo quy hoạch cũ (trước khi có NQ120), mạng lưới đường thuỷ nội địa sẽ hình thành các tuyến sông chính kết nối TPHCM (Đông Nam Bộ) với vùng ĐBSCL, bao gồm các tuyến chính: Cửa Tiểu- Campuchia (cấp I); cửa Định An qua Tây Châu (cấp I); Sài Gòn-Cà Mau qua kênh Xà No (cấp III); Sài Gòn-Kiên Lương qua kênh Lấp Vò (cấp III).
Ngoài ra còn các tuyến Sài Gòn-Cà Mau (tuyến ven biển); Sài Gòn-Kiên Lương (qua đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên); Sài Gòn-Bến Súc; Sài Gòn-Bến Kéo; Sài Gòn-Mộc Hoá; Mộc Hoá-Hà Tiên; Sài Gòn-Hiếu Liêm; Kênh Phước Xuyên- kênh 28; Rạch Giá-Cà Mau và tuyến Vũng Tàu- Thị Vải-ĐBSCL.
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, thời gian vừa qua, các dự án gồm: Dự án nâng cấp hai tuyến đường thủy phía nam và cảng Cần Thơ (652 km), Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (dự án World Bank 5) dài 401 km, Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo hoàn thành giai đoạn 1 đã hình thành 1.053 km tuyến đường thuỷ nội địa Trung ương.
Các tuyến đường thủy kết nối giữa TPHCM với các tỉnh ĐBSCL hầu hết đã được đầu tư, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III (riêng 28,5 km kênh Chợ Gạo hiện mới được nâng cấp giai đoạn 1 nên chỉ đạt cấp II hạn chế) cho tàu trọng tải 600 tấn hành thủy.
“Các dự án đã mang lại một dáng vẻ mới cho hệ thống giao thông thuỷ nội địa khu vực này, nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ của vùng, phát huy lợi thế sông nước”, Bộ GTVT cho hay.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, khả năng kết nối giữa đường thuỷ nội địa với đường bộ, đường biển còn có những nút thắt cần được tháo gỡ.
Ví dụ như khoang thông thuyền một số cầu chưa đảm bảo theo cấp quy hoạch (cầu Măng Thít, cầu Chợ Lách 1, cầu Chợ Lách 2, cầu Nàng Hai) đã làm hạn chế cỡ tàu thông qua, đặc biệt chỉ cho thông qua tàu chở container đến 2 lớp. Sự hạn chế này làm tăng chi phí vận tải, giảm tính cạnh tranh.
Đặc biệt, một trong những “nút thắt” của khu vực ĐBSCL là tuyến kênh Chợ Gạo. Do nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn chế nên mới chỉ đầu tư giai đoạn 1, các đoạn bờ kênh chưa được kè bảo vệ xuất hiện tình trạng sạt lở, gây bồi lắng luồng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật còn cho biết, hiện nay phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông nhiều đã gây ra sạt lở 9,4 km đoạn bờ Nam kênh Chợ Gạo thuộc xã Bình Phục Nhất, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo, trong đó có đoạn sạt lở nghiêm trọng hơn 6 km (sạt lở sâu vào bờ từ 5-20 m) làm mất hơn 2/3 mặt đường. Thời gian qua đã có 3 vụ tai nạn chết người do người dân đi lại rơi xuống kênh, nhiều vụ học sinh đi học rơi xuống kênh bị thương.
“Nếu không khắc phục kịp thời sẽ tiếp tục sạt lở nghiêm trọng, không còn đường giao thông để đi lại cũng như khó khăn cho cuộc sống của người dân”, Thứ trưởng nói.
Tập trung nguồn lực nâng cấp các tuyến huyết mạch
Về giải pháp cho hệ thống giao thông thuỷ nội địa khu vực này, Bộ GTVT cho biết, để phát huy tối đa lợi thế giao thông đường thủy nội địa của khu vực, Bộ GTVT sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến huyết mạch.
Trong đó, ưu tiên việc kiến nghị Chính phủ, Quốc hội chấp thuận bố trí 1.337 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để triển khai dự án nâng cấp, mở rộng tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2.
Đây cũng là tuyến kênh thuỷ nội địa mà Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chuyến khảo sát hồi tháng 3/2019 và nhìn nhận là một trong những “nút thắt” giao thông thủy lớn mà nếu không được giải quyết sẽ giảm năng lực vận tải của cả khu vực ĐBSCL.
Bên cạnh đó, để đồng bộ mạng lưới giao thông thuỷ nội địa, Bộ GTVT cho biết, sẽ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía nam bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (World Bank), dự kiến sẽ khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2025.
Đồng thời, nghiên cứu triển khai dự án nạo vét, cải tạo Kênh Mương Khai Đốc phủ Hiền kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu nhằm rút ngắn cự li vận tải giữa cảng Cần Thơ về cảng biển khu vực Đông Nam Bộ để giảm chi phí vận tải và logistics.
Tập trung nguồn lực cải tạo khoang thông thuyền các cầu Nàng Hai (tỉnh Đồng Tháp), cầu Chợ Lách 2 (tỉnh Bến Tre)… trên các tuyến đường thủy nội địa quan trọng, tháo gỡ các nút thắt về vận tải đường thuỷ nội địa trong vùng.
Về lâu dài, ngay từ năm 2018, thực hiện NQ120, Bộ GTVT đã bố trí kinh phí triển khai dự án “Rà soát, cập nhật yếu tố biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án với kết quả rà soát, đánh giá tổng thể các quy hoạch cấp vùng, quốc gia liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quy hoạch của 4 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau). Năm 2019, Bộ GTVT đang triển khai giai đoạn 2 với việc rà soát quy hoạch của các tỉnh còn lại trong vùng nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực và tiết kiệm chi phí cho khu vực này.