• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thêm nhiều quyền lợi cho người tham gia BHYT

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) dự kiến sẽ có thêm nhiều điểm mới, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người tham gia.

26/03/2014 13:33
Bà Tống Thị Song Hương. Ảnh: VGP/Đình Nam
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về những điểm mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

Thưa bà, dự thảo Luật BHYT lần này có những điểm mới gì và người tham gia được hưởng quyền lợi như thế nào từ những quy định mới này?

Bà Tống Thị Song Hương: Thời điểm năm 2006, khi xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) lần đầu tiên với đặc thù nước ta có quá nhiều người thuộc các đối tượng chính sách xã hội (trẻ em, người tàn tật, người có công…), vì vậy, các quy định trong Luật đáp ứng yêu cầu thời điểm đó, nhưng đến bây giờ cần thay đổi theo thực tiễn.

Thứ nhất, dự thảo dự kiến sẽ quy định bắt buộc người dân tham gia BHYT để xác định trách nhiệm của họ. Nếu không quy định bắt buộc, thì người đáng lẽ bắt buộc phải tham gia BHYT (như người lao động, cán bộ, công chức, công an)... sẽ không tham gia. Trong khi đó bản chất của BHYT là sự chia sẻ, nếu không có số đông chia sẻ với số ít thì chắc chắn Quỹ BHYT sẽ bị vỡ. 

Bên cạnh đó, nước ta mới có 20 năm thực hiện BHYT, trong khi các nước khác đã thực hiện được hàng trăm năm. Theo kinh nghiệm của một số nước thực hiện thành công BHYT toàn dân như Nhật Bản... thì không có nước nào thực hiện được nếu không thực hiện bắt buộc và không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ hai, cũng xuất phát từ kinh nghiệm của các nước đã thực hiện BHYT toàn dân thành công thì BHYT thực hiện theo hình thức hộ gia đình. Hiện tại, nước ta đang làm theo hình thức BHYT cá nhân. Tính ưu việt khi thực hiện theo hình thức BHYT gia đình là tránh được tình trạng trùng lặp thẻ BHYT so với hình thức tham gia theo cá nhân. Đồng thời, hình thức này cũng thể hiện sự chia sẻ giữa các cá nhân trong chính gia đình và tránh được tình trạng lựa chọn ngược (chỉ những người bị ốm mới tham gia BHYT).

Thứ ba là dự thảo Luật đưa thêm khái niệm "Gói dịch vụ y tế cơ bản" được BHYT chi trả. Gói này bao gồm dịch chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, dự phòng. Điểm mấu chốt của gói này là đáp ứng khả năng chi trả phù hợp của quỹ BHYT, nghĩa là quỹ có bao nhiêu thì người dân được hưởng bấy nhiêu. Gói này sẽ xác định minh bạch và rõ ràng hơn những gì khi người tham gia BHYT được hưởng và có cơ sở để tính toán không dẫn tới tình trạng bội chi.

Dự thảo Luật quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình đồng thời với cơ chế giảm trừ mức đóng cho các thành viên trong hộ: Người thứ nhất đóng bằng mức quy định, người thứ 2, 3, 4, 5 đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ 6 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Rất nhiều người quan tâm đến việc mở rộng quyền lợi cho người có thẻ BHYT được nêu trong dự thảo, cụ thể là như thế nào, thưa bà?

Bà Tống Thị Song Hương: Quyền lợi của người tham gia BHYT sẽ được nâng lên. Cụ thể, sẽ nâng mức hưởng của đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số từ 95% lên 100%; nâng mức hưởng của người cận nghèo từ 80% lên 95%; của thân nhân người có công từ 80 lên 95%, một nhóm người (như bố mẹ, vợ, chồng, con liệt sỹ) sẽ được nâng lên 100%...

Đặc biệt, dự thảo Luật có thêm quy định trường hợp người bệnh có tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ bản và có thời gian tham gia BHYT trên 5 năm liên tiếp thì quỹ BHYT sẽ chi trả 100%. Quy định này tạo điều kiện tốt đối với những trường hợp điều trị bệnh mãn tính với chi phí lớn.

Hiện nay, quy định trong trường hợp vượt tuyến trái tuyến, Quỹ BHYT chi trả từ 30%-50%-70% tùy theo hạng bệnh viện nhưng theo dự thảo Luật sửa đổi lần quy định, đối với bệnh nhân nội trú giữ nguyên mức hiện nay, còn bệnh nhân ngoại trú sẽ giảm mức chi trả của Quỹ BHYT xuống còn 20% đối với bệnh viện tuyến Trung ương, người bệnh phải chi trả 80%.

Dự thảo Luật lần này dự kiến giao Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất giá dịch vụ hạng bệnh viện trên toàn quốc, nhằm tránh tình trạng cùng 1 ca mổ ruột thừa mà 2 bệnh viện tỉnh khác nhau lại có giá khác nhau. Việc thống nhất giá này nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh như nhau, đồng thời cũng là yếu tố để các cơ sở y tế cùng hạng phải phấn đấu để hấp dẫn người bệnh đến chữa trị ở cơ sở mình.

Tuy nhiên, khi thực hiện điều này, chúng ta sẽ vấp phải những khó khăn như điều kiện vật chất giữa các BV không tương đồng và phát triển không đồng đều nhau, nhưng chúng ta cần tính tới mục đích đầu tiên là cứu chữa người bệnh.

Thưa bà, liên quan đến số kết dư của Quỹ BHYT trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng, trong khi 90% Quỹ BHYT phải chi cho việc khám chữa bệnh BHYT thì số kết dư của Qũy BHYT trong một vài năm nay lại ở mức khá cao. Vậy điều này có đồng nghĩa với việc người dân chưa mặn mà với việc khám chữa bệnh bằng BHYT hay Quỹ chưa hoàn thành nhiệm vụ chi trả khám chữa bệnh cho người dân?

Bà Tống Thị Song Hương: Hiện nay, theo quy định, Quỹ BHYT được chi cho những nhiệm vụ sau: Khám chữa bệnh (90%), quản lý, phát triển mạng lưới BHYT, mở rộng đối tượng tham gia BHYT (tối đa 5%), lập quỹ dự phòng quốc gia ( tối thiểu 5%).

Mấy năm nay, Quỹ BHYT có kết dư là do số người tham gia BHYT tăng lên; nâng mức đóng BHYT từ 3% (khi mới có luật) lên 4,5%; khi làm Luật (năm 2006), tiền lương cơ bản chỉ là 540.000 đồng, còn hiện nay là 1,150 triệu đồng; Quỹ BHYT đã được quản lý chặt hơn. Tuy nhiên, hiện do giá dịch vụ y tế hiện đang thấp (mới tính 3/7 cấu thành) còn nếu tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế thì sẽ không còn kết dư nhiều hiện nay.

Bên cạnh đó, có một thực tế hiện nay là càng những địa phương nghèo, số kết dư càng nhiều do người dân không có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế vì đi lại khó khăn, một số cơ sở y tế tuyến dưới không có đủ trang thiết bị, nâng lực còn hạn chế, các dịch vụ kỹ thuật cao chưa được cập nhật.

Chính vì vậy, dự thảo Luật cũng đang xem xét việc nên phân bổ kết dư cho địa phương như thế nào để họ đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, tuyên truyền và vận động người dân tham gia BHYT.

Trân trọng cảm ơn bà.

Đình Nam - Thúy Hà