* Chủ trương thí điểm được các cấp ủy tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc
Việc thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ các cấp trực tiếp bầu Bí thư cấp ủy là vấn đề mới chưa được quy định trong Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng. Vì vậy, sau khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các cấp ủy Đảng đã coi trọng việc nghiên cứu, quán triệt chủ trương mới của Trung ương, tạo sự thống nhất nhận thức trong các cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã chọn và chỉ đạo 1.405 đảng bộ cơ sở ( 6,8%) đại diện cho các loại hình cơ sở và 237 đảng bộ cấp cấp trên trực tiếp cơ sở (18%) đại diện cho các loại hình đảng bộ để thực hiện thí điểm theo đúng chỉ đạo của Trung ương (Bộ Chính trị chỉ đạo thí điểm từ 5-7% đảng bộ cơ sở và từ 15-20% đảng bộ cấp trên cơ sở); thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ công tác để hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ các đơn vị thực hiện thí điểm trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội; chỉ đạo Đại hội trước ở một số điểm để rút kinh nghiệm. Nhiều đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương đã trực tiếp dự, chỉ đạo và chủ trì việc tổ chức rút kinh nghiệm ở các cấp trước khi triển khai ra diện rộng.
Đối với cấp tỉnh, Bộ Chính trị đã chọn và chỉ đạo thực hiện thí điểm ở 10 Đảng bộ tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền trong cả nước là: Lai Châu, Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Tĩnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum, Ninh Thuận, Bến Tre và Sóc Trăng. Trong thời gian các đảng bộ tiến hành đại hội thí điểm, nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng đã trực tiếp dự và chỉ đạo Đại hội các đảng bộ thực hiện thí điểm ở các cấp.
* Đại hội ở các đảng bộ thực hiện thí điểm cơ bản đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra
Do tiến hành đại hội trước và thực hiện thí điểm chủ trương mới nên công tác chuẩn bị văn kiện, nhân sự và việc tổ chức Đại hội ở các đảng bộ thực hiện thí điểm được các cấp ủy chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình, bảo đảm các nguyên tắc, thủ tục quy định và đạt kết quả tốt. Các báo cáo của cấp ủy trình Đại hội (báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành, báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện của Trung ương và dự thảo Nghị quyết Đại hội) nhìn chung được chuẩn bị kỹ và cơ bản đúng yêu cầu, nội dung hướng dẫn của Trung ương. Các bài tham luận tại Đại hội đều được phân công chuẩn bị trước theo từng chuyên đề, từng lĩnh vực công tác và nhìn chung thể hiện tinh thần xây dựng, ý thức trách nhiệm và không khí dân chủ, đoàn kết. Nhiều bài tham luận được chuẩn bị công phu, nội dung phong phú, sâu sắc và có chất lượng. Qua quá trình bầu cử cấp ủy, Ban thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư tại Đại hội đảng bộ cơ sở và bầu bí thư cấp ủy tại Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh được tiến hành nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, đúng nguyên tắc, thủ tục quy định và tạo được sự thống nhất cao. Các đồng chí được cấp ủy giới thiệu bầu vào Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư đều nằm trong quy hoạch và hầu hết đạt trên 90% số phiếu bầu.
* Dân chủ trong Đảng được mở rộng, ý thức trách nhiệm của cấp ủy và đảng viên được đề cao, nhất là trong công tác nhân sự
Thực hiện đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư và Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu Bí thư đã góp phần mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên, tăng cường đoàn kết và đề cao ý thức trách nhiệm của đảng viên trong đảng bộ. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với Quy chế dân chủ ở cơ sở và nguyện vọng của đa số cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Qua thực hiện thí điểm ở các cấp cho thấy: khi thực hiện bầu cử trực tiếp tại đại hội đã đề cao hơn trách nhiệm của cấp ủy trong công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của đảng bộ. Thực tế cho thấy, nếu cấp ủy chuẩn bị nhân sự không kỹ, thiếu dân chủ, khách quan hoặc có biểu hiện hữu khuynh, nể nang, né tránh thì sẽ không được đại hội chấp nhận. Những đồng chí được đại hội tín nhiệm bầu vào các chức danh chủ chốt sẽ thấy trách nhiệm cao hơn và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có thể sẽ mạnh mẽ, quyết liệt hơn vì đó là nhiệm vụ được Đảng bộ giao cho. Mặt khác khi thực hiện đại hội trực tiếp bầu cử các chức danh chủ chốt thì nói chung các đồng chí này thường không đạt được tỷ lệ tuyệt đối như khi ban chấp hành bầu. Từ đó, các đồng chí đó sẽ nhận thấy mình còn có những hạn chế, thiếu sót cần phải tích cực phấn đấu để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được đảng bộ giao phó.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và kết quả đạt được, việc thực hiện thí điểm chủ trương trên cũng bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu sau:
Một là, thực tế ở những đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm vừa qua cho thấy: tuy nội dung đã được chuẩn bị kỹ và việc bầu cử được tiến hành thuận lợi, cơ bản như dự kiến, nhưng do đại hội phải bầu cử 6 lần (bầu cấp ủy, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, đại biểu chính thức, đại biểu dự khuyết), chưa kể những nơi bầu thiếu số lượng phải bầu lần thứ hai nên đại hội mất rất nhiều thời gian cho việc bầu cử và kiểm phiếu, nhất là những đại hội có đông đảng viên, thời gian dành cho thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào các báo cáo còn ít. Vì vậy, đại hội đảng bộ ở các cấp (cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh) chỉ nên trực tiếp bầu cấp ủy và Bí thư cấp ủy, còn việc bầu Ban Thường vụ và Phó Bí thư nên để cấp ủy bầu. Thực hiện như vậy vừa phát huy dân chủ trực tiếp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, vừa giảm được một số lần bầu cử tại đại hội. Mặt khác, nhiệm vụ của Phó Bí thư, các ủy viên Ban Thường vụ là do cấp ủy cùng cấp quy định và cần được phân công hợp lý, phù hợp với năng lực, sở trường của từng đồng chí.
Hai là, ở những đại hội đảng bộ thực hiện thí điểm đã tăng thêm một lần bầu cử tại đại hội và có thêm một số nội dung trong quy trình công tác nhân sự. Tuy nhiên, các đại hội đều không sử dụng hết thời gian tiến hành đại hội theo quy định trong Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, cần nghiên cứu có thể giảm bớt một số bước trong quy trình công tác nhân sự bí thư cấp ủy ở đại hội như việc họp tổ để thảo luận và ứng cử, đề cử nhân sự bí thư mà có thể ứng cử, đề cử tại đại hội khi kết quả bầu cử cấp ủy và kết quả giới thiệu tín nhiệm chức danh bí thư của đại biểu đại hội thể hiện sự nhất trí cao của đại biểu đại hội và của Ban chấp hành mới. Đồng thời các đảng bộ thực hiện thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy cũng không cần phải tăng thêm thời gian đại hội.
Ba là, khi thực hiện chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy, nói chung ở các đại hội đều tiến hành bầu tròn một người theo nhân sự chuẩn bị của cấp ủy đương nhiệm. Như vậy, nhiều ý kiến cho rằng tuy là bầu cử nhưng do bầu tròn một người nên thực chất chỉ là việc bầu cử tín nhiệm, đảng viên không có nhiều phương án cân nhắc, lựa chọn. Vì vậy, để thực sự mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng, tập hợp được trí tuệ của cán bộ, đảng viên, cần nghiên cứu để có hình thức tranh cử lành mạnh hoặc quy định bầu cử phải có số dư.
Nguyễn Đức Hà