Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Kết quả điều tra xã hội học ở một số tỉnh, thành cho thấy đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường - Ảnh minh họa |
Việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân thông qua hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp. Hoạt động tiếp công dân và cung cấp thông tin của UBND huyện, quận, phường được tăng cường và có hiệu quả.
Báo cáo của các địa phương và kiểm tra thực tế của Ban chỉ đạo Trung ương và các ý kiến đóng góp cho thấy, thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu, điều kiện của Đề án. Tạo được một bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tổ chức chính quyền địa phương hợp lý, phân biệt sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và nông thôn, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành của UBND, đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu...
Qua thí điểm., các tỉnh, thành phố thí điểm đề xuất sớm mở rộng việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong phạm vi cả nước. Kết quả điều tra xã hội học ở một số tỉnh, thành cho thấy đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ thí điểm không tổ chức HĐND.
Điều tra tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, 70,37% ý kiến đồng ý không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; 6,2% ý kiến đề nghị nên tiếp tục tổ chức HĐND; 1% ý kiến đề xuất nên tổ chức HĐND trong một thời gian. Điều tra kết quả thí điểm tại Nam Định cho thấy, 51,6% ý kiến đánh giá tốt hơn, 37,9% đánh giá vẫn giữ nguyên như cũ và chỉ có 1,9% ý kiến đánh giá kém hơn.
Tại Hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) trong nhiệm kỳ 2004 – 2011 ngày 11/9/2010, phát biểu về việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, mô hình này cần được mở rộng.
Qua hơn một năm tổ chức thí điểm, Thành phố nhận thấy những mặt được là tinh gọn bộ máy, giảm được kinh phí, khắc phục được sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của quận, huyện, phường.
Bên cạnh đó, cũng không thấy “khoảng trống” về giám sát khi có sự tham gia chủ động của HĐND thành phố, các ban ngành, đoàn thể. Ngay như Hội Phụ nữ quận 4 đã trực tiếp giám sát về Bảo hiểm Xã hội trong quận. Nhiều quận, huyện tổ chức tiếp dân thường xuyên trong tháng như huyện Hóc Môn.
Việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết của Quốc hội được thực hiện từ ngày 25/4/2009 tại 10 tỉnh, thành: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Kiên Giang, Đà Nẵng, Phú Yên và Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Đây cũng là biện pháp thiết thực làm gọn nhẹ bộ máy, giảm các tầng nấc trung gian, tiết kiệm thời gian, kinh phí của Nhà nước, bảo đảm phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng bộ máy chính quyền thực sự sát dân, gần dân hơn.
TP Đà Nẵng đề nghị, tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị TW 5, đặc biệt là tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, trong đó Trưởng ban, Phó ban của HĐND phải hoạt động chuyên trách và phải có quy định thống nhất trong cả nước.
Đối với thành phố Đà Nẵng chỉ còn có 11 xã nông thôn thuộc huyện Hòa Vang, chiếm không đến 20% số xã, phường của thành phố còn tổ chức HĐND, tuy nhiên nhiều xã hiện nay mang tính chất đô thị rõ rệt. Vì vậy, Đà Nẵng đề nghị Trung ương cho phép Đà Nẵng có cơ chế riêng là không tổ chức HĐND ở 11 xã còn lại của huyện Hòa Vang.
Đây cũng là một nội dung của Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị mà thành phố Đà Nẵng đang xây dựng và nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, kể cả 11 xã của huyện Hòa Vang đang còn tổ chức HĐND cấp xã.
Lê Sơn