Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Đại hội. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Ngày 17/7 tại Hà Nội, ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng hàng trăm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của toàn ngành tới dự.
Tại Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao các phong trào thi đua đã góp phần tích cực để ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao là tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống luật pháp trong lĩnh vực kinh tế.
Ngành Kế hoạch, Đầu tư đã đề xuất cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; huy động và phân bổ các nguồn vốn đầu tư; quản lý các nguồn vốn ODA, viện trợ phi chính phủ nước ngoài, các hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, phát triển các loại hình khu kinh tế...
Bên cạnh đó, ngành Thống kê, cùng với nhiệm vụ thường xuyên, đã hoàn thành tốt nhiều cuộc Tổng điều tra lớn về nông nghiệp, nông thôn, về các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp, về dân số và nhà ở...
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho các Cục, Vụ chuyên môn của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Nêu một số vấn đề để ngành trao đổi, tham mưu cho Đảng, Nhà nước những giải pháp hiệu quả, Chủ tịch nước đề nghị ngành cần phân tích sâu nguyên nhân các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất; tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn mức tăng trưởng các năm trước đây; những vấn đề liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách Nhà nước; chỉ số ICOR ở Việt Nam còn cao hơn so với các nước trong khu vực…
Từ đó, Chủ tịch nước đề nghị trong những năm tới, phong trào thi đua của ngành Kế hoạch và Đầu tư phải hướng mạnh vào thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, trong đó cần hết sức chú ý tới việc khắc phục những hạn chế của phong trào thi đua, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh việc tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Riêng ngành Thống kê phải phản ánh khách quan, trung thực tình hình kinh tế, xã hội đất nước, tránh tạo ra những nghi ngờ về các số liệu công bố và phải phù hợp với thông lệ quốc tế để phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Đề xuất được nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH
Tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định nghiêm túc tiếp thu những yêu cầu của Chủ tịch nước để tham mưu tốt hơn cho Đảng, Nhà nước về những quyết sách phát triển kinh tế, xã hội.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước, gắn với đổi mới công tác thi đua khen thưởng đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, thiết thực, tạo động lực thúc đẩy toàn ngành phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm và các chỉ tiêu công tác của ngành.
Nổi bật là ngành đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2011- 2020; Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và hiện đang xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trình Đại hội Đảng và Quốc hội thông qua, đồng thời tham gia xây dựng các Văn kiện Đại hội Đảng...
Trong bối cảnh khó khăn chung, đặc biệt là sau tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới tới kinh tế trong nước, ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê đã đề xuất nhiều giải pháp, chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế…
Nhờ đó, lạm phát được đẩy lùi, từ trên 18% của năm 2011 xuống còn 1,84% của năm ngoái; từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế qua các năm, nếu như năm 2012 chỉ tăng trưởng 5,25% thì năm 2014 đã đạt được 5,98% và 6 tháng đầu năm nay là 6,28%.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng các đại biểu tại Đại hội thi đua yêu nước của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Ngành đã góp phần quan trọng đổi mới công tác quản lý đầu tư công, thể hiện rõ nét trong việc tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg và sau này là Luật Đầu tư công, góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán kéo dài nhiều năm qua, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Bộ cũng đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ thu hút được khá lớn nguồn lực này (vốn FDI đăng ký đạt 98 tỷ USD, thực hiện đạt gần 60 tỷ USD; ODA đã ký khoảng 30 tỷ USD, giải ngân khoảng 23 tỷ USD) để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Ngành cũng có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ về đổi mới thể chế kinh tế, đến tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng bằng nhiều dự án luật, đề án. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, tiếp tục đổi mới nền kinh tế và hội nhập quốc tế.
Thành Chung