Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
PGS. TS Đào Duy Quát. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
PGS. TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng đã có những trao đổi xung quanh sự ra đời và ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay.
PGS.TS Đào Duy Quát nhắc lại dấu mốc, sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: “Mục đích của thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”.
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945), ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa như lời hiệu triệu cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.
Đúng như Bác đã viết trong phần cuối của Lời kêu gọi “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.
Hỡi toàn thể đồng bào! Hỡi toàn thể chiến sĩ! Tiến lên!”
Lời kêu gọi thi đua ái quốc cùng nhiều bài nói, bài viết của Người tại các Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, các hội nghị thi đua của các ngành, các giới, các đoàn thể, địa phương, các lực lượng là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua, giành được những thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại và giành những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Theo PGS.TS Đào Duy Quát, những quan điểm tư tưởng chỉ đạo, những định hướng này vẫn giữ giá trị lý luận và thực tiễn, giúp cho Đảng, Nhà nước ta bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách, chủ trương thi đua yêu nước và công tác thi đua-khen thưởng trong công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề
PGS. TS Đào Duy Quát nhấn mạnh bản chất của thi đua yêu nước bắt nguồn từ sự ra đời của chế độ mới, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ nhân dân lao động làm chủ nước nhà thì mới có phong trào thi đua”, “Mỗi người lao động, dù là lao động trí óc, lao động sản xuất hay lao động quản lý, có lòng yêu nước, yêu chế độ đều nhận thức được “Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình và lợi ích cho làng, cho nước”.
Bản chất của chế độ XHCN là giải phóng giai cấp, xóa bóc lột, giải phóng xã hội, xóa bất công, giải phóng con người, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi con người. Chính vì thế mà thi đua yêu nước trong chủ nghĩa xã hội luôn mang lại bản chất nhân văn cao cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm”, “Lao động sáng tạo ra xã hội, thi đua thì cải tạo con người”.
Bản chất của thi đua ái quốc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa vận mệnh quốc gia, dân tộc và thi đua khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”.
Như vậy, bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân và hành động yêu nước, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, yêu công việc cách mạng, thực hiện tốt công việc hằng ngày.
Ý nghĩa của thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: Thi đua là yêu nước, thi đua là đoàn kết, Thi đua là cải tạo bản thân; là hoàn thành nhiệm vụ; tổ chức đoàn kết, vững mạnh; con người tiến bộ: khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, cải tạo bản thân con người.
Mục đích của thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh là thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của tư tưởng thời cách mạng tiến tới mục đích cuối cùng là làm cho nước nhà nhanh được độc lập, tự do, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, đời sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc, kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.
Nội dung của thi đua yêu nước phải toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước: Kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội… phải bám sát mục đích, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực.
Động lực thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, là “lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình và lợi ích cho làng cho nước”.
Lãnh đạo thi đua là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Thi đua yêu nước là một phong trào cách mạng rộng lớn diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến tất cả các thành phần, tầng lớp, xã hội. Do đó Đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức một cách chặt chẽ, thông suốt, liên tục và bền bỉ.
Phương châm thi đua yêu nước theo Hồ Chủ tịch: “Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề” mà là “Người trước hiểu biết dẫn dắt người đi sau”, “Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ”.
Thi đua phải gắn liền với khen thưởng, khen thưởng phải đúng người, đúng việc và kịp thời.
Không có biện pháp nào tốt hơn là công khai, minh bạch
Theo PGS. TS Đào Duy Quát, tình hình hiện nay diễn biến rất nhanh, phức tạp, thời cơ và thách thức đan xen. Có nhiều vấn đề mới phát sinh như thi đua trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì vậy, cần nghiêm túc tổng kết thực tiễn trên 30 năm phong trào thi đua yêu nước trong sự nghiệp đổi mới để rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng giúp chúng ta đổi mới mạnh mẽ, bài bản nội dung, phương thức công tác tuyên truyền trong phong trào thi đua yêu nước.
“Giáo dục, giác ngộ cho quần chúng nhận thức được là thi đua mang lại lợi ích cho từng người, từng gia đình, từng làng, cho cả nước và thi đua như thế nào để thấy được người thi đua là người yêu nước nhất. Qua thực tiễn, tất cả các phong trào thi đua đều cho thấy số lượng quần chúng tham gia tự giác có trách nhiệm bao nhiêu thì vai trò giáo dục, giác ngộ tuyên truyền tốt bấy nhiêu”, ông Đào Duy Quát nói.
“Tôi nghĩ rằng, Đảng ta hiện nay thực sự coi trọng công tác giáo dục tuyên truyền. Xác định rõ yêu cầu của công tác thi đua và giáo dục tốt nhất là làm gương, nêu gương. Hiện Đảng, Nhà nước đã phát động phong trào nêu gương từ các đồng chí lãnh đạo cấp cao từ Ủy viên Bộ Chính trị cho đến các đồng chí cán bộ các cơ quan, địa phương, ban, ngành… Đây là một sự đổi mới thực sự. Nếu từ các đồng chí lãnh đạo cấp cao cho đến các đồng chí ở cơ sở thực hiện tốt thì công tác thi đua sẽ đạt hiệu quả như mong muốn”.
“Bên cạnh đó, tôi cho rằng, đội ngũ báo cáo viên và sự chỉ đạo của Hội đồng Thi đua là quan trọng, phải đồng bộ. Theo tôi, cần làm tốt công tác tuyên truyền chỉ thị của Ban Thi đua và Hội đồng thi đua; tập trung chỉ đạo làm tốt từng phong trào. Hội đồng thi đua của các ngành, các lực lượng, các địa phương cũng như vậy. Phải phát động từ khâu giáo dục, tuyên truyền khắc phục và đặc biệt là lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu phải thực sự là tấm gương”.
PGS. TS Đào Duy Quát cho rằng để làm tốt công tác tuyên truyền, đội ngũ những người làm công tác này phải bám sát thực tiễn của tất cả các phong trào ở cơ sở để nhận diện và tuyên dương kịp thời những tấm gương điển hình. Đặc biệt, phải khen thưởng đột xuất, kịp thời thì mới có sự động viên lan tỏa trong người lao động.
Để khắc phục những tồn tại trong công tác thi đua, khen thưởng, theo ông Đào Duy Quát không có biện pháp nào tốt hơn là việc công khai, minh bạch. Việc công khai danh sách người được tuyên dương trước khi tổ chức khen thưởng cũng là một biện pháp. Bởi khi công khai sẽ được sự giám sát của nhân dân, dư luận, sẽ hạn chế được những sai sót và hội đồng sẽ có điều kiện tốt hơn trong quá trình xét duyệt. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cấp nhận xét, đánh giá, đề nghị khen thưởng cũng cần rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn.
Những người phát hiện được các điển hình, nhân tố tốt cần được các cơ quan, lãnh đạo các cấp khen thưởng hay phát hiện được những tiêu cực trong quá trình khen thưởng cũng cần được khen thưởng với hình thức phù hợp.
Nhật Nam