Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
70 năm trước, vào ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc và từ năm 2008 ngày 11/6 là ngày truyền thống thi đua yêu nước.
Phát biểu ôn lại truyền thống, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc trước quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích của thi đua ái quốc là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”; cách làm là dựa vào “lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”.
Tại Sài Gòn – Gia Định, các phong trào yêu nước mãi là trang sử vàng, là sức mạnh to lớn, cùng với cả dân tộc làm nên những chiến thắng lịch sử vẻ vang, giành trọn vẹn độc lập và thống nhất Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, TPHCM đã dấy lên các phong trào thi đua tiêu biểu như: Xóa đói giảm nghèo; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; lao động giỏi, lao động sáng tạo; xây dựng nông thôn mới; Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc… Nhiều phong trào thi đua của thành phố là hình mẫu để nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước.
Từ thực tiễn cho thấy, thi đua yêu nước theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là động lực để khơi dậy và phát huy các sáng kiến, sức sáng tạo vô tận của con người, biến những điều tưởng như con người không thể làm được thành những điều có thể trong thực tế, tạo ra sức mạnh tập hợp, đoàn kết quần chúng nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ý nghĩa quan trọng nhất về mặt thực tiễn của thi đua yêu nước ở chỗ: Sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước không phải chỉ là khẩu hiệu kêu gọi mà chính là việc nêu gương, tôn vinh những con người, những tập thể tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc. Qua đó, thúc giục thế hệ người Việt Nam hôm nay luôn sống, lao động và học tập có ích cho đất nước; đốt cháy sáng lên ngọn lửa nhiệt tình yêu nước, tinh thần sẵn sàng cống hiến, thậm chí sẵn sàng xả thân vì cuộc sống bình yên và tươi đẹp của nhân dân.
Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức phát huy vai trò trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện phong trào thi đua yêu nước.
Nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua phải đổi mới, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị, để làm đòn bẩy, tạo động lực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ. Phong trào phải có chủ đề, nội dung tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu và nhiều đối tượng có thể tham gia.
Đồng thời, tiếp tục phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Cùng với đó, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo khen thưởng phải đúng quy định, chính xác, kịp thời; chú trọng đến giải quyết dứt điểm khen thưởng kháng chiến, tăng cường khen thưởng đột xuất và phát hiện nhân tố mới, nhất là những người lao động trực tiếp, doanh nhân, công nhân, nông dân.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ năm 2017 cho 12 tập thể tiêu biểu.
Đồng thời, 143 tập thể và 135 cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua của TPHCM giai đoạn 2015 – 2018 đã được TPHCM vinh danh tuyên dương vì có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua./.