Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhiều khả năng mức tăng 75 điểm cơ bản lần thứ 4 liên tiếp sẽ được thực hiện, tuy nhiên, mức điều chỉnh này cũng sẽ không nằm ngoài dự đoán của thị trường. Thay vào đó, giá các nguyên liệu có thể sẽ phản ứng mạnh hơn với kỳ vọng về các động thái tiếp theo của Fed trong giai đoạn sau đó.
Các dữ liệu kinh tế gần đây tại Mỹ, đặc biệt là sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất đang làm dấy lên lo ngại về mức tăng trưởng tiêu cực trong quý cuối năm. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang hy vọng Fed sẽ giảm tốc tiến trình thắt chặt tiền tệ nhằm tránh gây ra rủi ro suy thoái. Kỳ vọng này có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế như dầu thô hay các kim loại cơ bản.
Lo ngại nguồn cung thắt chặt trở lại thúc đẩy giá dầu phục hồi
Giá dầu tăng mạnh trong tuần vừa rồi, khi lo ngại về nguồn cung thiếu hụt tăng dần lên do lệnh cấm vận dầu từ Nga đang đến gần trong khi nhu cầu được cải thiện. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 trên sở NYMEX tăng 3,35% lên 87,9 USD/thùng trong khi giá dầu Brent kỳ hạn tháng 1 trên sở ICE tăng 2,66% lên 93,77 USD/thùng.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III đạt 2,6%, cao hơn so với kỳ vọng 2,4% của thị trường, cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế này, bất chấp những khó khăn như lạm phát tăng cao và sản xuất giảm tốc. Điều này đã giúp cho dòng tiền quay trở lại thị trường rủi ro, thể hiện qua Dollar Index giảm tuần thứ 2 liên tiếp. Dollar Mỹ giảm khiến cho chi phí nắm giữ dầu của những người sử dụng tiền tệ khác rẻ hơn, hỗ trợ sức mua trên thị trường dầu thô.
Trong khi đó, nhóm các nước G7 được cho là sẽ tăng trần giá áp dụng đối với dầu thô từ Nga nhằm bảo đảm các công ty Nga tiếp tục xuất khẩu. Mặc dù chưa có thông báo chính thức, tuy nhiên giới phân tích kỳ vọng mức giá mới sẽ cao hơn so với con số 40-60 USD/thùng dự định trước kia.
Tuy nhiên, có khả năng Nga sẽ ngừng hợp tác với quốc gia nào áp dụng trần giá, dù điều này sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Theo kế hoạch về ngân sách cho năm 2023 của nước này, khối lượng dầu xuất khẩu chịu thuế đã điều chỉnh giảm từ 10,15 triệu thùng/ngày xuống 8,2 triệu thùng/ngày, tương đương mức giảm gần 2 triệu thùng/ngày. Mặc dù Nga đang tích cực chào bán các sản phẩm sang thị trường châu Á, tuy nhiên cũng khó để đảm bảo rằng các quốc gia này có thể hấp thụ hoàn toàn lượng dầu từ Nga. Đặc biệt các quốc gia tiêu thụ dầu lớn như Ấn Độ và Trung Quốc thường đã ký sẵn các hợp đồng nhập khẩu dầu dài hạn với các quốc gia Trung Đông.
Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)