Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lực mua chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index tăng thêm 0,41% lên 2.131 điểm. Đáng chú ý, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá hai mặt hàng cà phê quay đầu đi lên sau phiên điều chỉnh trước. Đi ngược chiều với xu hướng khởi sắc của toàn thị trường, nhóm kim loại (ngoại trừ quặng sắt), tất cả mặt hàng đồng loạt giảm giá.
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, giá hai mặt hàng cà phê tăng lần lượt 2,3% với Arabica và 1,1% với Robusta. Rủi ro nguồn cung bị thu hẹp kết hợp với tỷ giá USD/BRL suy yếu là yếu tố quan trọng duy trì hỗ trợ đối với giá hai mặt hàng này.
Mới đây, ngân hàng Citi hạ dự báo mức thặng dư cà phê toàn cầu 2-3 triệu bao trong vụ 2024-2025 do sản lượng mới thu hoạch tại Brazil không đạt kỳ vọng. Trong khi đó, thị trường dự đoán khô hạn kéo dài tại vùng Đông Nam, khu vực sản xuất cà phê lớn nhất nước này sẽ làm giảm sản lượng vụ 2025-2026.
Tại Việt Nam, nguồn cung cạn kiệt ở tháng cuối niên vụ đang kéo theo tình trạng xuất khẩu ảm đạm.
Ngoài ra, sản lượng giảm cũng đang gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu cà phê Honduras, quốc gia sản xuất Arabica hàng đầu thế giới. Trong tháng 8, nước này chỉ xuất khẩu 280.000 bao cà phê, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 37,5% so với mức trung bình ba năm. Tính chung cả niên vụ 2023-2024, lượng xuất khẩu cà phê ở mức thấp lịch sử.
Thêm vào đó, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, mặc dù chỉ số Dollar Index phục hồi sau ba phiên giảm liên tiếp nhưng đồng Real của Brazil mạnh hơn đã kéo tỷ giá USD/BRL giảm 0,5%. Qua đó đã hạn chế tâm lý bán hàng của nông dân Brazil.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng 18/9, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đang hướng tới mốc 124.000 đồng/kg, hiện dao động trong khoảng 123.300 - 123.800 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với hôm qua.
Diễn biến đáng chú ý khác trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp là giá đường 11 tăng vọt hơn 4%, lên mức cao nhất trong hơn hai tháng. Cháy rừng ở một số vùng của Brazil đã thiêu rụi khoảng 30.000 ha diện tích trồng mía của Tereos, tương đương 10% diện tích của công ty này tại Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Tập đoàn công nghiệp mía đường UNICA ước tính ít nhất 230.000 ha mía đã bị ảnh hưởng do các vụ cháy vào tháng 8 tại bang Sao Paulo.
Theo MXV, đóng cửa phiên giao dịch 17/9, ngoại trừ quặng sắt, tất cả các mặt hàng kim loại đồng loạt giảm giá do thị trường đang thận trọng trước kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đối với kim loại quý, giá bạc quay đầu giảm nhẹ 0,5% xuống 30,97 USD/ounce, kết thúc chuỗi tăng ba phiên liên tiếp. Giá bạch kim cũng tiếp đà giảm với mức giảm 0,55% xuống 982,8 USD/ounce.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, sau khi trải qua phiên giao dịch giằng co, giá đồng COMEX gần khi đi ngang khi chỉ giảm nhẹ 0,01% xuống 9.420 USD/tấn.
Một mặt, đồng USD mạnh lên kết hợp với sự thận trọng của giới đầu tư trước thềm Fed công bố quyết định lãi suất đã gây áp lực lên giá đồng ngày hôm qua. Mặt khác, kỳ vọng Trung Quốc tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, cùng với triển vọng tiêu thụ lạc quan hơn trong mùa tiêu thụ cao điểm là động lực chính hỗ trợ cho giá đồng trong phiên.