Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Từ năm 2002 đến nay, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thị xã đã liên kết với Viện Đại học Mở Hà Nội mở 1 lớp cử nhân luật cho 125 học viên (đã tốt nghiệp); mở 1 lớp cử nhân kế toán- tài chính với 245 học viên theo hình thức đào tạo từ xa; liên kết với Trường Cao đẳng Kinh tế-Kế hoạch Đà Nẵng, Trường Đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi) đào tạo trung cấp kế toán, ngoại ngữ (Anh văn), Tin học trình độ A, B cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn thị xã và các vùng lân cận. Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với Trung tâm Đào tạo Lái xe tỉnh mở các lớp đào tạo lái xe mô tô, ô tô… Nhìn chung, hoạt động của Trung tâm có hướng phát triển đa ngành, đa nghề đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho địa phương.
Công tác phát triển các trung tâm học tập cộng đồng được cấp ủy, chính quyền thị xã quan tâm đúng mức. Đến năm 2010, tất cả 11/11 xã, phường của thị xã đã có trung tâm học tập cộng đồng. Thủ tục, hồ sơ thành lập, nguyên tắc hoạt động đều được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả như: Phường Tây Sơn, xã Tú An, xã Song An… Các trung tâm này đã tiến hành mở các lớp chuyên đề về pháp luật, chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất với mỗi lớp từ 30 đến 50 học viên.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, phát triển hội viên và mạng lưới khuyến học từ thị xã đến cơ sở được đảm bảo. Hội Khuyến học thị xã đã tiến hành đại hội và bầu Ban Chấp hành Hội gồm 35 thành viên, Chủ tịch Hội Khuyến học do Phó Chủ tịch UBND thị xã kiêm nhiệm. Hoạt động của Hội ngày càng có chất lượng và hiệu quả. Năm 2007 đã xây dựng được 11 hội khuyến học, 41 ban khuyến học và 183 chi hội cơ sở với 4.127 hội viên. Đến năm 2010 có 14 hội khuyến học, 37 ban khuyến học và 255 chi hội cơ sở với 10.264 hội viên chiếm gần 15% dân số toàn thị xã, gấp 2,5 lần so với năm 2007. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều có tổ chức Hội Khuyến học. Công tác phát triển hội viên được chú trọng, hàng năm số hội viên tăng lên đáng kể. Đặc biệt, tổ chức Hội Khuyến học đã đến với 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số, phật tử, đại diện của ban đại diện Giáo hội Phật giáo thị xã là thành viên của Ban Chấp hành Hội Khuyến học thị xã.
Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, thôn làng, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp phát triển và ngày càng thâm nhập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Năm 2010, có 3.346 hộ đăng ký và được công nhận 2.813 gia đình hiếu học. Trong những năm qua đã có trên 100 gia đình hiếu học xuất sắc được các cấp hội khen thưởng, trong đó có 1 gia đình hiếu học tiêu biểu được đi dự Hội nghị liên hoan gia đình hiếu học toàn quốc do Trung ương tổ chức năm 2008. Nhờ những việc làm tích cực và thiết thực của Hội mà đã có nhiều gia đình tiêu biểu vượt qua khó khăn lo cho con em mình ăn học.
Việc xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài được quan tâm, đến năm 2010 đã huy động được trên 225.810.000 đồng. Việc quản lý thu chi khen thưởng và cấp học bổng hàng năm đảm bảo đúng đối tượng và đúng quy định. Năm học 2007-2008 cấp hơn 188 suất học bổng và khen thưởng, năm học 2009-2010 cấp trên 150 suất khen thưởng, cấp học bổng 40 suất, mỗi suất 1 chiếc xe đạp trị giá 600.000 đồng. Công ty Mobifone tặng 5 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng, các đối tượng chính sách, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ học bổng và nhiều suất quà có giá trị.
Có thể nói, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở thị xã An Khê những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đó là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cho những người tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài.
Nguyễn Đông