Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Trung Quốc, thông tin cập nhật về trận động đất mạnh 6,8 độ Richter tại huyên Lôi Định, tỉnh Tứ Xuyên của Tân Hoa Xã cho biết số người thiệt mạng do động đất đã là 65 trường hợp; 12 người còn mất tích. Số người bị thương là 170.
Trung Quốc đã huy động nhiều lực lượng đến Tứ Xuyên tham gia cứu hộ, cứu nạn. Nhà nước đã chi 7 triệu USD để khắc phục hậu quả động đất.
Còn tại Pakistan, hiện có tới 30% diện tích Pakistan đang chìm dưới biển nước khi nước này đối mặt với trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử mà nguyên nhân là do mưa lớn.
Các đợt mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng kéo dài từ giữa tháng 6 đã khiến hơn 1.300 người dân Pakistan thiệt mạng, hơn 1.200 người bị thương. Thiệt hại do mưa lũ ước tỉnh hơn 10 tỷ USD.
Quỹ Nhi đồng LHQ cảnh báo hiện khoảng 3 triệu trẻ em tại Pakistan đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp do nguy cơ gia tăng các bệnh lây truyền qua đường nước, đuối nước và suy dinh dưỡng.
Tương tự tại Sri Lanka, mưa lũ đã khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Cơ quan khí tượng nước này ngày 5/9 đã phát cảnh báo đỏ với một số tỉnh về mưa lớn có thể lên đến 150 mm. Vì vậy, người dân sống tại các khu vực trũng cần sơ tán.
Còn tại Hàn Quốc, sáng 6/9, siêu bão Hinnamnor đã đổ bộ vào đảo Geoje, Nam Gyeongsang. Đây là cơn bão thứ 11 đổ bộ vào nước này kể từ đầu năm đến nay. Bão Hinnamnor có sức gió tối đa vùng tâm bão lên tới 49m/s, cấp siêu bão (tương đương cấp 14-15).
Do ảnh hưởng của bão, Hàn Quốc đã có mưa lớn tích lũy từ 100-300 mm bắt đầu từ ngày 5/9 trên cả nước.
Chính phủ Hàn Quốc ngày 5/9 đã họp để triển khai các biện pháp đối phó với siêu bão nhằm đảm bảo an toàn và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.
Trong khi đó, trái ngược với hình thái mưa bão, nhiều nước lại đang chịu cảnh nắng nóng cùng với cháy rừng.
Ngày 6/9, cơ quan khí tượng Hungaria cho biết mùa hè năm nay là mùa hè nóng nhất ở nước này kể từ năm 1901.
Hungaria trải qua 5 đợt nắng nóng kể từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8 năm nay nhiều khu vực có nhiệt độ hầu như liên tục ở ngưỡng gần 40 độ C.
Cùng với thời tiết nắng nóng, Hungaria cũng bị hạn hán do lượng mưa trung bình trên cả nước trong 8 tháng qua chỉ đạt 263,6 mm. Nắng nóng, hạn hán đã làm giảm đáng kể năng suất cây trồng của nước này.
Còn tại Kazakhstan, một đám cháy bùng phát từ đêm 3/9 đã thiêu đốt 428 km2 rừng ở tỉnh Kostanay, miền Bắc nước này, khiến hàng trăm người dân phải sơ tán.
Trong khi đó ở miền Bắc nước Đức, vào đêm 4/9, tại khu vực núi Brocken, cháy rừng bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra diện tích ước tính từ 60 - 130 ha chỉ trong vài giờ.
Giới chức địa phương xác nhận hiện đám cháy vẫn chưa được kiểm soát và có thể phải mất vài ngày mới dập tắt được những khu vực cháy lớn.
Hiện nhiều máy bay của Italy, Áo và Thụy Sĩ cùng với lực lượng sở tại gồm 300 lính cứu hỏa và 5 trực thăng đang nỗ lực khống chế vụ cháy này.
Còn tại Mỹ, ngày 4/9, nhiệt độ tại thung lũng trung tâm của bang California được dự báo có thể lên tới 42,7 độ C và còn tăng thêm trong vài ngày tới. Đây cũng là hậu quả sau hơn 20 hạn hán và nhiệt độ tăng cao tại Califonia.
Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ đã kêu gọi người dân ở trong nhà để tránh mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng. Chính quyền bang California đã kêu gọi người dân hạn chế sử dụng điện khi nhu cầu sử dụng tăng vọt.
Những trận cháy rừng đang hoành hành ở California có thể làm tê liệt các đường dây và máy phát điện, gây áp lực lớn lên hệ thống lưới điện.
Tổng hợp (Tân Hoa Xã/KBS/TTXVN)