Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tăng cường điều phối hoạt động của Vùng
Tham luận trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và xúc tiến đầu tư Vùng Đông Nam Bộ, sáng 26/11, bà Carolyn Turk cho biết, khu vực Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Tuy nhiên, đang có nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của khu vực này đang có xu hướng ngày càng suy yếu. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam đang bị tụt hậu dần so với vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và miền Trung.
"Tôi tin rằng đây là thách thức về điều phối trong khu vực và Việt Nam cần tăng cường điều phối hoạt động của vùng này", bà Carolyn Turk khuyến nghị.
Ngoài ra, theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Hội đồng Vùng chưa hoạt động hiệu quả trong điều phối và chỉ đạo thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng hay các vấn đề liên quan đến sử dụng đất; chưa có quy hoạch tổng thể vùng thích hợp nên thiếu ưu tiên trọng điểm ở cấp độ vùng để tập trung thực thi. Trong đó, nổi bật lên là tính không nhất quán giữa một bên là các quy định chính sách, việc thiết lập các cơ chế và đầu tư ở cấp Vùng và một bên là khung pháp lý hiện hành về lập kế hoạch hay thực thi đầu tư công.
Trong ngắn hạn và trung hạn, Chính phủ cần xem xét phiên bản sửa đổi mô hình của hội đồng vùng theo mô hình của Đồng bằng Sông Cửu Long được thực thi theo Quyết định 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này trao quyền cho hội đồng vùng trách nhiệm tư vấn, đề xuất với Chính phủ các vấn đề liên quan đến quy hoạch vùng, đầu tư và huy động nguồn lực.
Về dài hạn, Chính phủ cần có thêm các cơ chế hợp tác vùng có vai trò thực tiễn hơn và có chức năng rộng hơn, không phải chỉ một vấn đề điều phối, lập kế hoạch mà còn thực thi các dự án, hoạt động.
"Chúng ta cũng cần có tầm nhìn xây dựng các kế hoạch ưu tiên trong trung hạn, các ưu tiên về dự án đã được xác định trong quy hoạch chung. Ngoài ra, cần xem xét các lựa chọn về đầu tư vùng và cơ chế tài chính dựa trên khuôn khổ pháp lý và ưu tiên chính sách của Chính phủ", theo bà Turk.
Cụ thể hoá định hướng về một trung tâm KHCN và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước
Cũng tại Hội nghị, ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam thể hiện sự cam kết đồng hành và ủng hộ của Tập đoàn với định hướng phát triển khu vực Đông Nam Bộ trở thành trung tâm khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) hàng đầu, mang lại cuộc sống bền vững và chất lượng cao cho người dân.
Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam tin tưởng phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định và vô cùng quan trọng đối với khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh và đạt được tăng trưởng bền vững.
"Chúng tôi chứng kiến và đánh giá cao những nỗ lực to lớn của Chính phủ trong việc tinh giản và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình hội tụ quy định của Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thúc đẩy số hóa và tự động hóa", ông Dominik chia sẻ.
Tuy nhiên, theo đại diện Bosch, vẫn còn tồn đọng một số mối quan ngại của các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến tính nhất quán và ổn định của môi trường pháp lý và các quy định pháp luật, đặc biệt là liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế."Tháo gỡ rào cản về điều kiện là điều cấp thiết giúp chúng tôi tiếp tục thực hiện các cam kết và đầu tư trong tương lai tại Việt Nam, và hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 24 NQ/TW", Tổng Giám đốc Bosch nhấn mạnh./.
Ngọc Thơ