• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thiếu trang thiết bị y tế: Nỗi lo ‘vướng bẫy’ pháp lý?

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, khi tình trạng thiếu thuốc tại nhiều cơ sở y tế đang từng bước được khắc phục, thì việc thiếu trang thiết bị y tế vẫn gặp không ít khó khăn. PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, cũng giống như nhiều BV khác, Bạch Mai đang gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị y tế.

17/08/2022 15:12
Thiếu trang thiết bị y tế: Nỗi lo ‘vướng bẫy’ pháp lý? - Ảnh 1.

Cũng giống như nhiều BV khác, Bạch Mai đang gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị y tế - Ảnh: VGP

 Nỗi lo không chỉ của riêng một BV tuyến cuối

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS. Đào Xuân Cơ dẫn chứng, tại Điều 44, 45 Nghị định 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định các trang thiết bị y tế phải được kê khai giá trước khi lưu hành và mua bán. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ quan, đơn vị chức năng thẩm tra lại giá kê khai thiết bị y tế thời điểm công bố có chính xác không, cũng chưa có bên nào chịu trách nhiệm kiểm soát kê khai giá. Bộ Y tế chỉ hậu kiểm, tức là chủ sở hữu và nhà phân phối thiết bị y tế được toàn quyền kê khai giá.

Lỗ hổng này rất dễ rơi vào ‘bẫy’ pháp lý. Nếu mua thấp hơn giá được công khai trên Cổng Thông tin của Bộ Y tế, sau đó cơ quan chức năng thẩm tra phát hiện giá này không chính xác, cao hơn so với giá cho phép, thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Và khi đó, BV có thể bị phạt vì mua sắm sai giá, thậm chí còn liên quan đến hình sự, ông Đào Xuân Cơ chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về giá thiết bị y tế thì giá muốn mua của thiết bị không được cao hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại. Nếu giá cao hơn thì phải giải trình nguyên nhân. Tuy nhiên, trong thực tế, cùng một loại thiết bị có rất nhiều mặt hàng, nhiều nhà phân phối với giá khác nhau. BV không biết lấy giá nào cho phù hợp, nếu lấy giá thấp thì không bên nào tham gia đấu thầu.

Quy định này cũng dẫn đến nhiều bất cập. Nếu cứ lấy bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại thì đương nhiên giá năm sau phải thấp hơn giá năm trước. Đến một thời điểm nào đó, giá của hàng hóa sẽ về số 0, ngược với quy luật thị trường là giá năm sau thường sẽ cao hơn năm trước và doanh nghiệp kinh doanh phải có lợi nhuận. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp không muốn tham gia thầu, lãnh đạo BV Bạch Mai phân tích.

Một vướng mắc nữa tại Quyết định 5086/QĐ-BYT năm 2021 của Bộ Y tế có quy định vật tư y tế đấu thầu phải được cấp mã, nhưng hiện nay mới có khoảng 180.000 vật tư được cấp mã trong khoảng 2 triệu vật tư khác cũng cần cấp mã. Các vật tư này nếu không có mã thì không được phê duyệt, từ đó không thanh toán được bảo hiểm y tế.

Liên quan đến phân nhóm thiết bị y tế, Giám đốc BV Bạch Mai cũng băn khoăn, Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế được xây dựng dựa trên Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng nghị định này hiện đã hết hiệu lực. Vậy Thông tư 14 phải thực hiện thế nào, trong khi các BV vẫn đang tuân thủ theo thông tư này?

Chưa có hướng dẫn thực hiện liên doanh liên kết

Lãnh đạo BV Bạch Mai nhấn mạnh, xã hội hóa y tế là một chủ trương hoàn toàn đúng. Nhờ có xã hội hóa y tế mà trong 15 năm qua, các kĩ thuật cao đã được đưa vào nghiên cứu và sử dụng ở Việt Nam. Người bệnh là đối tượng được hưởng lợi, nhất là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, thay vì phải ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí cao, có thể lên tới hàng tỷ đồng, thì nay có thể điều trị trong nước với chi phí thấp hơn nhiều. 

Việc đưa các kĩ thuật cao  vào nghiên cứu và sử dụng cũng nâng cao được uy tín, thương hiệu của ngành y trong khu vực và trên thế giới. 

Không những thế, việc này cũng tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước, vì nếu mua các thiết bị y tế hiện đại này, ngân sách Nhà nước sẽ phải đầu tư nguồn kinh phí rất lớn.

Tuy nhiên, theo phân tích của Giám đốc BV Bạch Mai, nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở lĩnh vực này lại chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, khiến các cơ sở y tế thực hiện chưa đúng hoặc khó thực hiện, thậm chí, rất dễ vướng vào sai phạm vì có rất nhiều "lỗ hổng" có thể dẫn tới tình huống vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, thời gian vừa qua rất nhiều BV công lập không thực hiện hợp tác liên doanh liên kết, mặc dù họ nhìn thấy rõ hiệu quả khi thực hiện.

Theo ông Đào Xuân Cơ, trong 15 năm qua, BV Bạch Mai - một trong những BV tuyến cuối lớn nhất cả nước, thực hiện nhiều hợp đồng liên doanh liên kết trong lĩnh vực trang thiết bị y tế và đã phát huy được tối đa hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, sau đợt kiểm tra, thanh tra vừa qua đã có tới 11/27 đề án được Thanh tra Chính phủ gửi sang cơ quan điều tra, trong đó có robot Rosta đã là một vụ án. Còn 16/27 đề án khác đều vướng các thủ tục pháp lý, nên không thể hoạt động tiếp được.

Hiện nay, mặc dù các cơ quan tư pháp đang phối hợp tích cực để tháo gỡ vướng mắc, để các thiết bị y tế thuộc các đề án trên được tiếp tục hoạt động, tiếp tục phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân, nhưng nếu các máy được hoạt động trở lại thời điểm này thì tiếp tục phát sinh trường hợp rất nhiều hợp đồng đã hết hạn, phải ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện nên gây vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ chia sẻ thêm, hiện nay, việc đặt một thiết bị liên doanh, liên kết giữa công ty và BV hoàn toàn là thương thảo, đàm phán giữa hai bên, rất khó để xác định được phần chênh lệch của hai bên, vì chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc phân chia tỉ lệ lợi nhuận. Chính điều này dẫn tới rất nhiều lỗ hổng, thậm chí đôi khi còn bị ép vào tính chủ quan. Việc tính công lao động thì rất dễ, nhưng tính giá trị của cơ sở vật chất, đặc biệt là thương hiệu BV trên cơ sở nào, lượng bệnh nhân trung bình trên 1 thiết bị y tế ở mỗi bệnh viện cũng khác nhau, chưa có thông tư hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu đối với lĩnh vực đấu thầu để lựa chọn đơn vị liên doanh liên kết...

Thời gian gần đây, Bộ Y tế đã chủ trì rất nhiều cuộc họp về dự thảo nghị định hướng dẫn vay vốn, liên doanh liên kết, thuê thiết bị y tế, trong đó có nhiều BV tham dự, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.

Lãnh đạo BV Bạch Mai đề xuất, cần phải có một cơ quan thẩm định nội dung này, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật phải chặt chẽ để giúp các cơ sở y tế yên tâm thực hiện các đề án liên doanh liên kết. Điều này cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan liên ngành và Chính phủ.

Để khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong vấn đề mua sắm thuốc cũng như vật tư y tế, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, về mặt thể chế, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đối và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế ở các mức độ khác nhau. Đồng thời rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà vướng mắc, ảnh hưởng đến quá  trình đấu thầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt, cụ thể đối với các cơ quan chức năng, trong đó nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá một cách khoa học, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời cả về trước mắt và lâu dài. 

Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để quyết liệt khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, vì sự phát triển ổn định, bền vững của ngành y tế. 

Tại lễ trao Quyết định của Bộ Chính trị chỉ định giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với đồng chí Đào Hồng Lan, ngày 15/7, Thủ tướng đã nhắc nhở và giao nhiều nhiệm vụ với người đứng đầu ngành y tế, trong đó có việc tháo gỡ những vướng mắc trong mua sắm để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh. 

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trước mắt, Bộ sẽ triển khai rà soát các văn bản chỉ đạo và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tìm điểm khúc mắc nằm ở đâu để cùng tháo gỡ. Những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Dự kiến, trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có buổi làm việc với Bộ Y tế.

Hiền Minh