• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thợ lò cần gì?

(Chinhphu.vn) - Phải khẳng định nghề mỏ là nặng nhọc, thậm chí nguy hiểm với người theo nghề; công nhân mỏ cũng được hưởng nhiều chế độ ưu đãi nhưng vẫn không muốn gắn bó hẳn là có nguyên nhân nào nữa...

08/11/2014 07:21
Thợ lò Công ty Than Thống Nhất. Ảnh: VGP/Yến Linh

Với mong muốn "trăm nghe không bằng một thấy", chúng tôi đã đề nghị với lãnh đạo Công ty Than Nam Mẫu được tham quan thực tế hiện trường lao động, để hiểu rõ điều kiện làm việc của anh em thợ lò.

Sau khi “tốt nghiệp” khóa học cấp tốc về an toàn, chúng tôi được hướng dẫn từng bước một trong việc chuẩn bị tư trang, từ việc đi lót chân, xỏ ủng, đội mũ hay lắp và bật tắt đèn chiếu sáng cho đúng cách, đến cách đeo và sử dụng bình tự cứu nếu xảy ra sự cố.

Tiếp đó, Trưởng phòng An toàn Nguyễn Văn Năng đưa chúng tôi xuống lò chợ thuộc Phân xưởng khai thác 5. Trước cửa hầm lò 200-I, khi cánh cửa sắt mở ra, chúng tôi gặp một luồng gió mạnh hút vào bên trong. Thì ra đây là hệ thống quạt khổng lồ với công suất rất lớn cấp gió "tươi" cho công nhân làm việc dưới độ sâu hàng trăm mét.

Bám sau anh Năng, chúng tôi gặp anh Trịnh Thành Hưng, một thợ lò có thâm niên gần 23 năm gắn bó với hòn than. Anh cho biết anh em thợ lò luôn tâm niệm làm gì cũng phải đặt an toàn trên hết, bởi chỉ lơ là, mất cảnh giác một phút thôi, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Anh cũng tâm sự mong muốn lớn nhất của người thợ lò là môi trường làm việc tốt hơn, ổn định nơi ăn, chốn ở. Vài năm trở lại đây, ngành Than đã tập trung đầu tư lớn về công nghệ khai thác, cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ, sự cố trong hầm lò. Thợ lò cũng được quan tâm cải thiện về tiền lương, sinh hoạt, lao động đỡ vất vả, cực nhọc hơn so với trước đây rất nhiều. Tuy nhiên, anh em mong muốn lãnh đạo mỏ cùng chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo việc làm cho vợ con, giúp ổn định cuộc sống gia đình. Có như vậy, công nhân mỏ, nhất là lao động trẻ, mới yên tâm gắn bó lâu dài với nghề.

Hiện nay, lương thợ lò so với mặt bằng chung cũng khá cao (9-15 triệu đồng/tháng), song đây là nghề đặc thù, anh em hầu hết ở tỉnh xa, nếu không được quan tâm hỗ trợ về cuộc sống gia đình, họ cũng vẫn khó khăn và không ít người có xu hướng làm vài năm lấy lưng vốn rồi bỏ ra ngoài làm việc khác.

Giải thích về nguyên nhân thợ lò bỏ việc, Trưởng Ban Lao động tiền lương TKV Trần Văn Cừ cho biết: Theo kết quả điều tra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thợ lò bỏ việc, không gắn bó với nghề. Nguyên nhân thấy rõ nhất thuộc về tính chất nghề nghiệp, đó là do điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Mặc dù các đơn vị hầm lò đã tìm nhiều giải pháp để hạn chế sự nặng nhọc, độc hại của công việc trong hầm lò (như áp dụng công nghệ chống lò bằng dàn chống thay cho chống gỗ, băng tải hóa, máy khoan hiện đại..., đầu tư phương tiện hỗ trợ đi lại trong lò như xe song loan, monorail, tời hỗ trợ... để người thợ giảm bớt hao phí sức lực do phải đi bộ đường dốc trong lò), song mới chỉ khắc phục được phần nào.

Bên cạnh đó, các mỏ lại thường ở những vùng sâu, xa khu dân cư nên việc đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc cũng mất nhiều thời gian. Có những đơn vị nếu tính cả thời gian làm việc và đi về mất từ 10-12 giờ/ca, khiến thợ lò không còn thời gian dành cho gia đình và những hoạt động xã hội khác. Thợ lò trẻ không sợ vất vả, hiểm nguy, chỉ sợ đời sống văn hóa, tinh thần nghèo nàn. Sau những giờ làm việc âm thầm sâu dưới lòng đất, trở về nhà, họ cần được hòa nhập, tham gia các hoạt động cộng đồng...

Học sinh Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm chơi thể thao sau giờ học. Ảnh: VGP/Yến Linh

Một số đơn vị tuy có tổ chức các phong trào văn hóa, thể thao, song vẫn theo kiểu hình thức, "làm cho có", không phù hợp. Nhiều lao động trẻ từ môi trường đào tạo được điều động về các khai trường heo hút, không bạn bè, người thân, dễ nảy sinh tâm lý buồn chán, sa đà vào tệ nạn cờ bạc, rượu chè, ảnh hưởng công việc. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng mức thu nhập của thợ lò còn thấp. Mặc dù tiền lương thợ lò đã được TKV quan tâm điều chỉnh tăng qua từng năm, nhưng so với kỳ vọng của người lao động thì vẫn chưa đủ để bảo đảm cuộc sống cả gia đình.

Đặc biệt, để thợ lò yên tâm gắn bó với nghề thì điều quan trọng nhất là họ phải "an cư" rồi mới "lạc nghiệp". Theo số liệu thống kê về hiện trạng và nhu cầu nhà ở cho người lao động trong TKV thì có tới gần 90% người lao động phải tự lo chỗ ở, trong đó tại nhiều đơn vị thành viên còn khoảng trên 30% lao động phải đi thuê nhà của dân địa phương. Song hiện nay việc đầu tư các khu nhà ở gia đình cho công nhân mỏ vẫn chưa được triển khai do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, dẫn đến thợ lò muốn gắn bó với mỏ cũng khó bởi không có chỗ ở cho gia đình.

(Kỳ 3: Bài toán nhân lực ngành Than rất cần lời giải)

Yến Linh