Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong một diễn biến mới nhất, phát biểu trên truyền truyền hình chiều 16/7, quyền Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng quân đội Umit Dundar, tuyên bố chính phủ đã đập tan vụ đảo chính.
Sẵn sàng bảo hộ công dân Việt Nam Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh yêu cầu Cơ quan đại diện Việt Nam phải sẵn sàng các biện pháp ứng phó để bảo hộ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết. |
Theo hãng tin Pháp AFP, Tướng Dundar nói: "Âm mưu đảo chính đã thất bại", đồng thời cho biết thêm trong số 90 người thiệt mạng trong sự kiện này có 41 cảnh sát và 47 dân thường.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc đảo chính khác và kêu gọi người dân tiếp tục ở lại trên đường phố.
Ông nói: "Một âm mưu đảo chính khác có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, chúng ta nên tiếp tục ở lại đường phố."
Cũng theo thông tin mới nhất của hãng tin Pháp AFP, số người thiệt mạng trong vụ đảo chính từ đêm 15/7 kéo dài sang ngày 16/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên con số 161 người và đây chưa phải là con số cuối cùng do còn có 1.440 người bị thương.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết chính phủ đã bắt giữ 2.839 binh sỹ tình nghi liên quan tới vụ đảo chính.
Ông tuyên bố chính quyền đã hoàn toàn kiểm soát tình hình và vụ đảo chính là một "vết đen" đối với nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bắt giữ 1563 sĩ quan quân đội
Trước đó, đầu giờ chiều 16/7, TTXVN dẫn nguồn từ Hãng thông tấn quốc gia Anadolu cho biết, số người thiệt mạng trong vụ đảo chính này hiện đã lên tới 90 người và có khoảng 1.154 người bị thương.
Trong khi đó, lực lượng an ninh đã bắt giữ tổng cộng 1.563 sĩ quan quân đội trên cả nước và đã có khoảng 200 binh sĩ tham gia đảo chính ra đầu hàng quân chính phủ.
Trước đó, các lực lượng đặc nhiệm đã giải cứu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Hulusi Akar trong một chiến dịch tiến hành tại căn cứ không quân Akinci, phía tây bắc Ankara và đưa đến nơi an toàn. Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, ông Akar đã bị bắt làm con tin trong cuộc đảo chính. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập phiên họp bất thường sau cuộc đảo chính được cho là do những người ủng hộ giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang sống ở Mỹ Fethullah Gulen thực hiện.
Để trấn an người dân, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có bài phát biểu thứ hai tại sân bay Ataturk trong ngày, tuyên bố Chính phủ đang nắm quyền kiểm soát.
Trong bài phát biểu thứ hai tại sân bay Ataturk ngày 16/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố chính phủ và Tổng thống đang nắm quyền kiểm soát.
Ông Erdogan khẳng định quân đội không thể và không có khả năng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, trong bài phát biểu đầu tiên, ông Erdogan đã kêu gọi đập tan cuộc đảo chính do một nhóm các binh lính và sĩ quan của quân đội nước này thực hiện đồng thời "làm sạch" bộ máy quân đội.
Tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ đã ổn định hơn. Ở trung tâm Istanbul chỉ còn lác đác các vụ nổ súng nhỏ lẻ, không vụ nổ lớn nào được ghi nhận thêm cũng như không còn tình trạng các máy bay chiến đấu quần thảo trên bầu trời. Tại thủ đô Ankara, mọi thứ dần trở lại bình thường.
Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong âm mưu đảo chính, sở chỉ huy cơ quan này đã bị một số trực thăng quân sự do lực lượng đảo chính kiểm soát tấn công và chịu nhiều loạt đạn.
Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã ở một nơi an toàn, thường xuyên liên lạc với Tổng thống và Thủ tướng để đưa ra các kế hoạch hành động. Hiện cơ quan này đang phối hợp với các lực lượng an ninh trong các chiến dịch tại Istanbul và Ankara để đập tan nhóm đảo chính.
Theo một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hầu hết các vụ tấn công nhằm vào trụ sở Quốc hội và Phủ Tổng thống đều đã tạm ngừng. Lực lượng ủng hộ chính phủ đã kiểm soát hầu hết các sở chỉ huy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên một vài nhóm binh sĩ đảo chính vẫn đang kháng cự.
Vị quan chức này cũng cho biết phe đảo chính vẫn đang kiểm soát một số trực thăng quân sự nhưng không có chiến đấu cơ nào. Số trực thăng này sẽ bị vô hiệu hóa trong thời gian ngắn.
Hàng triệu người xuống đường phản đối đảo chính
Trong một diễn biến liên quan, ngày 16/7, Tổng thống Recep Tayip Erdogan cho biết hàng triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ xuống các tuyến đường ở Ankara và Istanbul, hai thành phố lớn bị lực lượng đảo chính tấn công, để tiến hành các cuộc biểu tình phản đối đảo chính và thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống cũng như chính phủ.
Trong khi đó, các hãng hàng không quốc tế đã đồng loạt chuyển hướng các chuyến bay dự định tới Thổ Nhĩ Kỳ và hoãn lịch cất cánh của hàng loạt chuyến bay từ sân bay Ataturk ngay sau khi cuộc đảo chính do một nhóm binh sĩ thuộc quân đội nước này thực hiện tối 15/7 theo giờ địa phương.
Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu Eurocontrol cho biết tất cả các chuyến bay tới sân bay Ataturk đều đã được lệnh chuyển hướng tới các sân bay ở Sofia, Bulgaria, Frankfurt và Mỹ.
Ảnh BBC |
Các nước tăng cường biện pháp an ninh
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngay sau khi nổ ra vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp và ra lệnh kiểm soát nghiêm ngặt khu vực biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo điện tử Farsnews của Iran đưa tin các máy bay chiến đấu thuộc Không lực Iran đã bắt đầu tuần tra vùng trời Tây Bắc gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran cũng đã dừng tất cả các chuyến bay tới quốc gia láng giềng này.
Một quan chức an ninh hàng đầu của Iran nhấn mạnh: "Chúng tôi lo ngại tình trạng bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể đe dọa an ninh đối với người dân Iran. Chúng tôi hiện giám sát chặt chẽ và thực thi các biện pháp cần thiết để bảo vệ khu vực biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ". Trong khi đó, trên trang cá nhân Twitter, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng chung lo ngại, Bộ Ngoại giao Kuwait đã yêu cầu tất cả công dân nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ không nên ra ngoài do lo ngại vấn đề an ninh sau vụ đảo chính quân sự tại đây. Thông báo của Bộ Ngoại giao Kuwait đề nghị công dân nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ cần liên hệ với Đại sứ quán tại thủ đô Ankara và Tổng lãnh sự tại thành phố Istanbul, đồng thời khuyến cáo người dân không nên tới Thổ Nhĩ Kỳ thời điểm nay vì lý do an toàn.
Trước tình hình bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao Australia đã liên hệ Đại sứ quán của nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ để nắm bắt tình hình hiện nay. Bộ Ngoại giao Australia khuyến cáo công dân nước này đang lưu trú Thổ Nhĩ Kỳ đề cao cảnh giác, theo dõi sát sao thông tin trên các phương tiện truyền thông, làm theo hướng dẫn của giới chức địa phương và giữ liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân. Cùng chung lo lắng, Anh đã khuyến cáo công dân nước này tránh tụ tập khu vực công cộng.
Trong khi đó, lãnh đạo Đức và Hy Lạp tiếp tục bày tỏ ủng hộ Chính phủ Tổng thống Tayip Erdogan. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi cần phải tôn trọng "trật tự dân chủ" tại Thổ Nhĩ Kỳ. Còn tại Hy Lạp, quốc gia láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Alexis Tsipras cũng bày tỏ ủng hộ đối với chính phủ do dân bầu chọn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tin của đài truyền hình quốc gia Hy Lạp ERT, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Trật tự Công cộng và quân đội nước này đã nhóm họp khẩn cấp bàn thảo về tình hình Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Trước tình trạng bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/7, Thủ tướng Nhật Bản Shindo Abe đã bày tỏ hi vọng hòa bình và trật tự sẽ sớm được thiết lập lại tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng kêu gọi tôn trọng chính phủ dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố kêu gọi chính phủ của Tổng thống Tayip Erdogan sớm khôi phục trật tự và bình ổn đất nước./.