Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhiều sản phẩm gỗ của Việt Nam có giá trị cao vượt bậc khi được tinh chế xuất khẩu - Ảnh; VGP/Đỗ Hương |
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách để thu hút sự phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó có doanh nghiệp và hợp tác xã lâm nghiệp.
Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp đã quy định đầy đủ quyền, nghĩa vụ của chủ rừng trong đó có quyền và nghĩa vụ của chủ rừng là các tổ chức kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời quy định rõ các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng gắn với chế biến, thương mại lâm sản, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị.
Các chính sách được thực thi đến nay đã mang lại những kết quả thiết thực, thể hiện ở các chỉ số như tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,84% năm 2015 lên 41,89 % năm 2019 và năm 2020 ước đạt 42% (đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng).
Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã giảm rõ rệt. Trồng rừng hằng năm đạt khoảng 230.000 ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng từ 12,8 triệu m3 năm 2015 lên 20,5 triệu m3 năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 2,0 triệu m3.
Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ, từ năm 2016 thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc. Giá trị xuất khẩu lâm sản tăng từ 7,1 tỷ USD năm 2015 lên 13,28 tỷ USD năm 2020. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản.
Tuy nhiên đứng trước sự chuyển biến sôi động của thị trường, các chính sách về lâm nghiệp vẫn còn đang nằm rải rác tại nhiều văn bản khác nhau, trong khi đó Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã có những quy định mới về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Nhìn thấy bất cập này, trong kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT xây dựng và trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về một số cơ chế, chính sách lâm nghiệp nhằm từng bước hoàn thiện chính sách thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, tạo đòn bẩy cho phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ về việc kết nối các thành phần kinh tế lâm nghiệp. Ảnh VGP/Đỗ Hương |
Hướng tới việc gắn kết chuỗi giá trị
Xã hội ngày càng phát triển thì người tiêu dùng càng quan tâm tới vấn đề môi trường, trong đó có việc sử dụng gỗ hợp pháp. Theo ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO), việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng sẽ khiến người sản xuất khó khăn hơn, tuy nhiên ông Hà khẳng định: “Chúng tôi cũng muốn thay đổi thói quen này". Ông Võ Quang Hà cho rằng, các làng nghề phải là hạt nhân đầu tiên tuân thủ các hiệp định thương mại, các cam kết mà Việt Nam đã kí về đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp. Muốn vậy, cần thay đổi mạnh mẽ thói quen từ làng nghề và xây dựng một môi trường và thị trường nội địa với những sản phẩm gỗ hợp pháp từ nguồn cung trở đi.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn tới thị trường nội địa. Theo đánh giá của nhiều thương nhân ngành gỗ, năm 2020, các gian hàng tại chợ gỗ ở nhiều nước phương tây không tấp nập bằng năm trước, các hoạt động mua – bán ảm đạm, thậm chí bị đình trệ.
Tuy nhiên, ngay đầu năm 2021, đã có nhiều tín hiệu khả quan. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 2/2021 ước đạt 1,1 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2021 đạt 2,44 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2021 - chiếm 85,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Ông Võ Quảng Hà nhận định: “Chúng ta cùng nhìn thấy sự thay đổi ở thị trường để đón nhận những cơ hội mới. Các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ, bao gồm doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp trong nước, cần đánh giá và xem xét lại cách thức sử dụng gỗ theo một cách mới nhằm thúc đẩy thị trường xuất khẩu và phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa”.
Người tiêu dùng thay đổi nhận thức, người sản xuất sẵn sàng thay đổi thói quen, hướng tới việc gắn kết chuỗi giá trị nhiều hơn. Đó là cơ hội để thẩm thấu các chính sách thúc đẩy liên kết trong ngành lâm nghiệp một cách hiệu quả.
TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng để thực sự kết nối các thành phần kinh tế lâm nghiệp, ngoài việc triển khai các cơ chế, chính sách về liên kết, các văn bản thi hành Luật Lâm nghiệp; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp..., cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, liên doanh liên kết với người dân trồng rừng, phát triển sản xuất lâm nghiệp.
Cùng với đó cần đẩy mạnh phát triển thị trường, thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối các kênh tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng KHCN, đưa các giống lâm nghiệp chất lượng cao vào sản xuất; phát triển công nghệ chế biến gỗ và lâm sản, sản phẩm phụ trợ. Đồng thời có cơ chế gắn kết các tổ chức nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và người dân trồng rừng; tiếp tục triển khai quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn; nâng cao giá trị sản phẩm cho người dân trồng rừng.