• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2012

(Chinhphu.vn) – Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thông cáo báo chí về một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2012. >> Báo cáo tình hình KT-XH  

27/05/2012 17:11

Ngày 27 tháng 5 năm 2012, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5 năm 2012, thảo luận và quyết nghị về một số nội dung chủ yếu sau:

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2012, Chính phủ thống nhất đánh giá: Các bộ ngành, địa phương tích cực, chủ động triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và Nghị quyết 13/ NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2012 có bước chuyển biến tích cực theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và đạt được một số kết quả tích cực.

Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh. CPI tháng 5/2012 chỉ tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,78% so với cuối năm 2011. Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhanh hơn lộ trình giảm mặt bằng lãi suất góp phần tạo niềm tin của thị trường. So với 31/12/2011 , tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 4,47%  và tổng dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 5,42% cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngày càng tốt lên; tỷ giá ổn định; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện; dự trữ ngoại tệ tăng.

Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 24,1% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của 3 tháng gần đây đều tăng khá so với cùng kỳ (tháng 3 tăng 6,5%, tháng 4 tăng 7,5% và tháng 5 tăng 6,8%). Hàng tồn kho đang có xu hướng giảm dần. Thị trường trong nước bắt đầu có chuyển biến với tốc độ tăng cao hơn so với hai tháng đầu năm. Hoạt đông du lịch diễn ra sôi động, lượng khách quốc tế tăng mạnh. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển. Tai nạn giao thông, trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định. Công tác đối ngoại tiếp tục đạt kết quả tích cực. Cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm chỉ đạo. Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm là tái  cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tái cơ cấu DNNN đang được chú trọng triển khai.

An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm. Trong 5 tháng đầu năm 2012, cả nước tạo việc làm cho khoảng 612.138 người, trong đó xuất khẩu lao động ước đạt trên 32.138 người. Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như: hỗ trợ người có công; hỗ trợ cho các hộ thiếu đói[1]; hỗ trợ giá điện, hỗ trợ về nhà ở, xóa nhà dột nát; hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ các huyện nghèo; đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn; triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; điều chỉnh lương tối thiểu;...Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, an toàn thực phẩm được chú trọng; tích cực thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ...

Nhìn chung kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm 2012 đã và đang có chuyển biến tích cực qua từng tháng. Từng ngành, từng lĩnh vực đều có xu hướng phục hồi, vượt qua khó khăn, thể hiện rõ nhất là lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành sản xuất, dịch vụ đều tăng dần, tuy còn chậm.

Tuy nhiên kinh tế trong nước nổi lên một số khó khăn cần giải quyết như: Tăng trưởng kinh tế thấp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,2% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm qua), hàng tồn kho giảm chậm. Mặt bằng lãi suất tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Trong đầu tư phát triển, cả khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều phát triển chưa mạnh. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng. Thu NSNN 5 tháng ước đạt 39,3%, khá thấp so với cùng kỳ năm trước.

Với những kết quả bước đầu đạt được trong 5 tháng đầu năm, Chính phủ nhất trí cho rằng phải kiên trì giữ vững các mục tiêu  đã đề ra cho năm 2012: chủ động điều hành kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 7 - 8%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 6% và bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội theo kế hoạch đề ra từ đầu năm. Đồng thời, phải triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt và có hiệu quả các giải pháp, chính sách đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để từng bước hạ lãi suất tín dụng, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế, tạo sự lưu thông nhịp nhàng tiền – hàng trong nền kinh tế, đồng thời luôn nhất quán thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp, chỉ đạo quyết liệt để xử lý nợ xấu, trước hết là nợ xấu giữa các ngân hàng và có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ,… cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng đang khó khăn tạm thời nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế. Thực hiện điều hành lãi suất theo hướng mặt bằng lãi suất hạ dần phù hợp với mức giảm của lạm phát đồng thời điều hành theo lạm phát mục tiêu (từ 7-8%). Chỉ đạo kiên quyết việc đưa vốn tín dụng vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên theo Nghị quyết 13/NQ-CP. Điều hành mức cung ứng tiền (M2) và mức tăng trưởng tín dụng hợp lý trong các tháng từ nay đến cuối năm, bảo đảm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhưng không để lạm phát cao quay trở lại. Ổn định tỷ giá ngoại tệ và tăng dần dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bất động sản,...; miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh...,  trông giữ trẻ và cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011...

Đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA. Coi đây là biện pháp hiệu quả để tăng tổng cầu giúp tháo gỡ một phần hàng tồn kho của các doanh nghiệp. Triển khai thực hiện các biện pháp để huy động bổ sung nguồn vốn đầu tư hạ tầng, kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn  (góp phần tiêu thụ hàng xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng tồn kho).

Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với những mặt hàng có thế mạnh. Trước hết là duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tạo nhiều việc làm: gạo, cà phê, hải sản (tôm, cá tra), cao su; dệt may, giầy dép, hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện, đồ gỗ,… Bằng nhiều biện pháp linh hoạt tranh thủ sự phục hồi từng bước của các thị trường chính: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU để tăng kim ngạch xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế và khả năng cạnh tranh; tăng cường kiểm định chất lượng hàng xuất khẩu, đồng thời kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.

Kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu gắn với chống gian lận hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, nhất là trong các lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ. Tiếp tục có các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón, giá nguyên vật liệu là đầu vào cho hoạt động sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm.

Thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đặc biệt chú trọng đến lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, nhất là ở khu vực công nghiệp tập trung, hộ gia đình thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất sản xuất. Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai; hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để nâng cao hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham ô, trục lợi, lãng phí, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh quốc phòng, nhất là trên biển, hải đảo, biên giới đất liền. Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm một cách thường xuyên và liên tục.

Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, khiếu kiện đông người kéo dài; tăng cường đối thoại tại chỗ, giải quyết dứt điểm các vụ việc tại địa phương; khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn giao thông. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng chống bão, chủ động đối phó với mùa bão lụt sắp tới.

Làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền về tình hình, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước để doanh nghiệp, người dân hiểu, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Các cơ quan thông tin, truyền thông cần phản ánh trung thực, khách quan, vì lợi ích chung, tạo nhận thức đúng, đồng thuận trong nhân dân.

Trước tình hình doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cần chủ động tăng cường tiếp xúc, lắng nghe các phản hồi về chính sách từ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn kho, phát triển thị trường trong nước, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong 2-3 tháng tới để giúp các doanh nghiệp sớm trở lại trạng thái kinh doanh bình thường./.


[1] Tính chung 5 tháng đầu năm đã hỗ trợ cứu đói 34.394 tấn lương thực và khoảng 23,2 tỷ đồng.