Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ phim do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), một tổ chức phi chính phủ đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực giáo dục môi trường thành lập năm 2000 sản xuất.
Nội dung phim mô tả cảnh một cậu bé bị ngã dập đầu gối trong khi đang chơi đùa. Ngay lập tức bà của em gợi ý nên sử dụng mật gấu để trị vết bầm tím. Tuy nhiên, mẹ cậu bé đã không đồng ý bởi cho rằng “mật gấu không phải là thần dược”. Người mẹ cũng gợi ý cho mọi người nên đi gặp bác sỹ chuyên môn khi có bệnh hoặc bị thương chứ không nên sử dụng mật gấu.
Đây là lần thứ 6 ENV phát hành đoạn phim tuyên truyền góp phần vào các nỗ lực nhằm làm giảm tiến tới loại bỏ nhu cầu tiêu thụ mật gấu tại Việt Nam.
Nghiên cứu gần đây của ENV cho thấy 22% người dân Việt Nam đã từng sử dụng mật gấu và 72,5% số người sử dụng mật gấu cho biết họ thường dùng mật gấu để điều trị những vấn đề sức khỏe như thâm tím, đau cơ, tiêu hóa hay viêm khớp.
Cũng theo nghiên cứu này, hơn một nửa số người đã từ bỏ việc sử dụng mật gấu nói rằng mật gấu không đem lại hiệu quả. Gần đây, một số bác sĩ còn cho rằng việc sử dụng mật gấu có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Bộ phim mang thông điệp: Sử dụng mật gấu là đe dọa tới tương lai của loài gấu, qua đó bộ phim muốn góp phần thay đổi quan niệm của công chúng về việc coi mật gấu là một loại thần dược.
Việt Nam là nơi phân bố của hai loài gấu: Gấu ngựa (Ursus thibetanus) và gấu chó (Helarctos malayanus). Cả hai loài này hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng do nạn săn bắt, buôn bán trái phép phục vụ nhu cầu khai thác mật để làm thuốc.
Theo Nghị định 32/NĐ-CP/2006 của Chính phủ, loài gấu được xếp vào nhóm 1B - nhóm động vật quý hiếm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Vì vậy, các hành động săn bắt, buôn bán … loài gấu đều trái với quy định của pháp luật.
Nguyệt Hà