Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kiến nghị cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là dự án trọng điểm quốc gia, việc triển khai dự án không chỉ tạo động lực, sức lan tỏa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên mà còn góp phần hoàn thiện mạng lưới cao tốc theo quy hoạch liên kết vùng.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, khai khoáng… góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có điểm đầu giao đường Hồ Chí Minh (QL14) tại Km1915+900, thuộc địa phận huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Tổng chiều dài khoảng 128,8km, trong đó đoạn qua địa phận Bình Phước khoảng 101km, đoạn qua địa phận Đắk Nông khảng 27,8km; chiều dài đường cao tốc khoảng 126,8km, chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa khoảng 2km.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỉ đồng bao gồm 12.770 tỉ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỉ đồng vốn do nhà đầu tư huy động.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và thực tiễn triển khai một số dự án cao tốc quan trọng quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian qua, Chính phủ đề xuất phân chia Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) thành 5 dự án thành phần (gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).
Về tiến độ dự kiến, chuẩn bị dự án năm 2023 - 2024; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư năm 2024 - 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.
Về một số đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Dự án áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Cụ thể, về nguồn vốn: Chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của NSTW năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 để đầu tư Dự án; cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của NSTW năm 2022 để thực hiện Dự án (8.770 tỷ đồng).
Về cơ chế chỉ định thầu: Cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm kể từ ngày Dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án: Cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch
Thẩm tra về nội dung Chính phủ trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế (TTUBKT) nhận thấy Dự án đáp ứng các tiêu chí thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Đồng thời, TTUBKT nhất trí sự cần thiết đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ về khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu, để bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư. Một số ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá tác động của Dự án đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để làm rõ hơn sự cần thiết, cấp thiết của Dự án...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự án được lập phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với các quy hoạch có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự phù hợp của Dự án với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch có liên quan.
Về phương thức đầu tư, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn tính hấp dẫn của Dự án đối với các nhà đầu tư khi các chỉ số về hiệu quả tài chính của Dự án là không cao.
Về sơ bộ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho cho biết, thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án...
TTUBKT nhận thấy Dự án có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thời gian thực hiện ngắn. Do đó, đề nghị bổ sung các giải pháp để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho Dự án. Đồng thời, Chính phủ, các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho Dự án và bổ sung vai trò của Bộ Giao thông vận tải, cơ quan chủ quan đầu mối/chủ trì có trách nhiệm điều phối chung các dự án thành phần trong triển khai thực hiện.
Về kiến nghị các cơ chế tổ chức thực hiện, TTUBKT nhận thấy các cơ chế, chính sách này đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, do đó đề xuất của Chính phủ là có cơ sở.
Thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lưu ý cần tiếp tục rà soát để đảm bảo đầu tư dự án phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai, đặc biệt là việc thu hồi đất, đền bù hỗ trợ tái định cư, việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, khả năng bố trí nguồn lực và khả năng hấp thụ vốn và giải ngân vốn...
Đồng thời, có giải pháp xử lý các khó khăn vướng mắc, không để thiếu nguyên vật liệu, bãi đổ thải, các điều kiện đảm bảo khác để hoàn thành dự án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Về các cơ chế đặc thù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất trình Quốc hội cho phép dự án áp dụng các cơ chế về tổ chức thực hiện, chỉ định thầu, khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường,…
Nguyễn Hoàng