• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Kết quả biểu quyết cho thấy, có 459/461 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có mặt tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật này, chiếm tỷ lệ 96,03%.

19/02/2025 09:46
Thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Luật được thông qua có bố cục gồm 9 chương với 72 điều quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung cơ bản về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.

Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày.

Theo đó, về tham vấn chính sách (các điều 3, 6, 30 và 68), một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về hoạt động tham vấn chính sách bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội; quy định rõ cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm chủ trì tổ chức tham vấn; nghiên cứu xác định rõ đối tượng tham vấn để bảo đảm tính khả thi.

UBTVQH cho rằng, tham vấn chính sách là quy định mới được bổ sung vào quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm bảo đảm chính sách của dự án được xây dựng có chất lượng, giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Quốc hội, UBTVQH, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành, sớm đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, việc tổ chức thực hiện cần được quy định hợp lý để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan và không làm ảnh hưởng đến tính khách quan, độc lập của cơ quan thẩm tra.

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tổ chức tham vấn chính sách; chủ thể được tham vấn là Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội và Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm mời các chủ thể, như đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, đại diện tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học… tham dự hội nghị tham vấn theo yêu cầu của cơ quan được tham vấn (điểm b khoản 1 Điều 30).

Về xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH, một số ý kiến đề nghị việc xây dựng dự án luật trong mọi trường hợp đều phải thực hiện quy trình xây dựng và đánh giá tác động chính sách...; đối với dự án không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách thì trong quá trình soạn thảo vẫn phải đánh giá tác động chính sách; đồng thời, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý nếu bổ sung chính sách mới thì phải đánh giá bổ sung tác động chính sách; đề nghị hồ sơ dự án phải có Báo cáo đánh giá tác động chính sách.

UBTVQH cho rằng, chính sách có vai trò rất quan trọng, quyết định nội dung của dự thảo VBQPPL; do đó, đối với các trường hợp không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách nhưng để soạn thảo VBQPPL thì cơ quan soạn thảo vẫn phải xác định các chính sách lớn của văn bản để quy phạm hóa, chuyển hóa thành ngôn ngữ pháp lý.

Chính sách đó cần phải được đánh giá tác động để làm căn cứ xác định tính hợp lý, hiệu quả, khả thi. Tuy nhiên, nếu quy định "cứng" trường hợp dự án không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách mà vẫn phải có "Báo cáo đánh giá tác động chính sách" thì cũng không thực sự hợp lý, vì việc xây dựng Báo cáo này đòi hỏi tuân theo quy trình chặt chẽ, thiết kế nhiều phương án chính sách, đánh giá ưu điểm, hạn chế của từng phương án để lựa chọn sẽ làm chậm tiến độ xây dựng, ban hành văn bản.

Do đó, để vừa phúc đáp được yêu cầu rút ngắn thời gian xây dựng, ban hành văn bản, đồng thời vẫn bảo đảm làm rõ tác động chính sách để có cơ sở xem xét, quyết định về dự án, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng đối với dự án không thuộc trường hợp phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách thì cơ quan trình vẫn phải đánh giá và nêu rõ tác động của chính sách trong bản thuyết minh dự kiến quy phạm hóa chính sách (khoản 2 Điều 27) và đây là tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ dự án gửi phản biện xã hội, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, trình UBTVQH, Quốc hội (các điều 33, 34, 37, 39); đồng thời, bổ sung quy định trước khi biểu quyết thông qua, nếu bổ sung chính sách mới thì cơ quan trình có trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách đó (khoản 3 Điều 29).

Thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)- Ảnh 2.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Về trách nhiệm xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL (Điều 67), một số ý kiến đề nghị quy định giao cơ quan trình có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng về các vấn đề lớn, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết để phù hợp với định hướng đổi mới là cơ quan trình chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án do mình trình. Các ý kiến khác đề nghị không quy định cụ thể trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong Luật mà thực hiện theo Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

UBTVQH nhấn mạnh, việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật là nguyên tắc xuyên suốt trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Tuy nhiên, đây là nội dung thuộc trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng nên thực hiện theo quy định của Đảng thì sẽ phù hợp hơn.

Do đó, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung này trong dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định chung trách nhiệm xin ý kiến và dẫn chiếu đến văn bản của Đảng (Điều 67).

Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 72), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định hợp lý thời gian chuyển tiếp trong việc thực hiện các quy định mới của Luật này, tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, trên cơ sở thống nhất ý kiến với Chính phủ, để bảo đảm tính khả thi trong việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đã được Quốc hội quyết định, UBTVQH đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp như sau: "Đối với dự án luật, nghị quyết đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 trước ngày Luật này được thông qua thì việc soạn thảo, trình, xem xét, cho ý kiến và thông qua được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14.

Đối với dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình lập pháp) năm 2025 kể từ ngày Luật này được thông qua thì việc xây dựng, ban hành được thực hiện theo quy định của Luật này."

Ngoài các nội dung trên đây, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp; bảo đảm bám sát, thể chế hóa đầy đủ định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị cũng như yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung của các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này.

Hải Giang