Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2011-2016.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Đoàn Văn Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Đặng Viết Thuần, để nghỉ hưu theo chế độ.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2011-2016 đối với: Ông Bùi Thanh Hải, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên; ông Đỗ Đại Phong, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên; ông Lê Kim Phúc, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2011-2016 đối với: Ông Cù Xuân Huấn, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên; ông Đặng Xuân Trường, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên.
Đến năm 2020 có trên 84% dân số tham gia BHYT
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2015-2020 cho Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, đến năm 2020, có 84,3% dân số tham gia BHYT.
Theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, đến cuối năm 2015 có 75,4% dân số tham gia BHYT. Tỷ lệ này sẽ tăng dần qua các năm, đến năm 2016 là 78%, 2017 là 79,8%, 2018 là 81,4%, 2019 là 82,5% và đến năm 2020 là 84,3%.
Một số địa phương được giao tỉ lệ bao phủ BHYT cao là Điện Biên 99%; Hòa Bình 99%; Tuyên Quang 98,6%; Lào Cai 98,6%; Hà Giang 98,2%; Thái Nguyên 98,2%; Sơn La 98%.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện để đạt chỉ tiêu được giao, phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT; huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; vận động và hỗ trợ để học sinh, sinh viên, hộ gia đình có mức sống trung bình mua BHYT, góp phần tăng tỉ lệ người tham gia BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT.
Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội địa phương chủ động tổ chức thực hiện phát triển đối tượng và tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương trong tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT để đạt được chỉ tiêu tham gia BHYT tại địa phương.
Theo kết quả triển khai Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân đến hết năm 2014 đã đạt tỉ lệ bao phủ 71,6% dân số. Quỹ BHYT đã thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với nhiều đối tượng như người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế và xã hội khó khăn… góp phần trực tiếp giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân khi đi khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận các dịch vụ y tế.
Thành lập ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (Ban Quản lý) trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (được thành lập theo Quyết định số 42/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ).
Ban Quản lý là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang theo quy định của pháp luật.
Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 151 Luật Đất đai; Điều 81 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; các Điều 37 và 38 Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và Khoản 21 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP; Điều 53 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Ban Quản lý có Trưởng ban và không quá 3 Phó Trưởng ban. Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý, gồm: Văn phòng, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và đơn vị sự nghiệp.
Rà soát khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành theo lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về xử lý VPHC; đề xuất cụ thể phương án sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, đặc biệt là vấn đề phân định thẩm quyền xử phạt của các lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt VPHC. Kết quả rà soát và đề xuất gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 20/10/2015 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tư pháp căn cứ vào kết quả rà soát, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất các phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các nghị định quy định chi tiết Luật Xử lý VPHC, các nghị định quy định về xử phạt VPHC; đề xuất giải thích các quy định chưa rõ trong Luật Xử lý VPHC để Chính phủ xem xét kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội. Báo cáo Chính phủ những nội dung này trước ngày 5/11/2015.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá những vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật Xử lý VPHC để tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Luật. Báo cáo Chính phủ phương án xử lý những vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật xử lý VPHC để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật vào thời điểm thích hợp.
Phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mekong
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mekong (GMS) lần thứ 2”, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Mục tiêu chính của Dự án là cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng để tạo động lực cho phát triển các đô thị: Thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), và huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai); thúc đẩy phát triển kinh doanh thương mại dịch vụ và khai thác tiềm năng du lịch nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân; cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị qua đó góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho nhân dân địa phương.
Dự án được thực hiện từ năm 2016-2020 với tổng mức đầu tư là 121,67 triệu USD gồm các hoạt động chính: Phát triển mạng lưới giao thông đô thị nhằm kết nối và nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa; xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị; cải thiện điều kiện thoát nước và vệ sinh môi trường nhằm mục đích cải thiện năng lực tiêu thoát nước của đô thị, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cho các cơ quan chính quyền địa phương trong quản lý và thực hiện Dự án.
Kiểm tra, rà soát hoạt động của các tổ chức bán hàng đa cấp
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động bán hàng đa cấp.
Thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông đưa nhiều tin bài phản ánh tình trạng lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh, gây dư luận bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự ở nhiều địa phương.
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia có ý kiến như sau:
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động của các tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp; phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản và đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, bảo đảm an ninh, trật tự.
Kiểm tra phản ánh bất cập trong hỗ trợ bò giống
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu UBND tỉnh Bình Định khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề một số báo phản ánh việc hỗ trợ bò giống theo Nghị quyết 30A có nhiều bất cập.
Trước đó, từ ngày 5-10/9/2015, một số báo phản ánh việc hỗ trợ bò giống theo Nghị quyết 30A của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo tại xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định có nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân.
Theo phản ánh, trong khi người nghèo các xã khác ở huyện miền núi An Lão (Bình Định) được cấp bò giống miễn phí theo Nghị quyết 30A của Chính phủ thì hàng chục hộ dân ở xã An Hòa muốn nhận bò giống phải nộp thêm tới... 5,5 triệu đồng.
Về việc trên, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Định khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo chí phản ánh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 27/9 tới./.