Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước.
Nghị định trên quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước về lập dự toán ngân sách; thu nộp ngân sách; kiểm soát, thanh toán chi ngân sách; quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; quyết toán ngân sách; nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, sử dụng dự phòng ngân sách; sử dụng quỹ dự trữ tài chính; công khai ngân sách nhà nước, giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng và một số nội dung khác theo quy định của Luật Ngân sách Nà nước.
Nghị định cũng quy định các nội dung về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm; quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước; quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
Nghị định quy định rõ cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và thanh toán đầy đủ, kịp thời theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán. Thủ trưởng cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước có quyền từ chối các khoản chi không đủ điều kiện chi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Ngân sách Nhà nước, chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật và phải thông báo kịp thời cho cơ quan, tổ chức, đơn vị biết. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị bị từ chối chi không thống nhất với quyết định của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền báo cáo với cơ quan giao dự toán trực tiếp và cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước cấp trên để xem xét xử lý.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị dự toán ngân sách không chấp hành đầy đủ kịp thời chế độ báo cáo kế toán, quyết toán, báo cáo tài chính khác theo quy định, cơ quan tài chính có quyền yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm đình chỉ chi ngân sách, trừ các khoản chi lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội, học bổng và một số khoản chi cấp thiết theo quy định của Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Khi quyết định tạm đình chỉ chi ngân sách, cơ quan tài chính đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý cấp trên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị bị tạm đình chỉ chi biết.
Chi ngân sách Nhà nước thực hiện theo nguyên tắc thanh toán trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp một số khoản chi chưa có đủ điều kiện thực hiện việc thanh toán trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách được tạm ứng kinh phí để chủ động chi theo dự toán được giao, sau đó đơn vị thanh toán với Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định của Bộ Tài chính.
Riêng đối với các khoản chi từ nguồn vốn vay ngoài nước của Chính phủ, viện trợ không hoàn lại theo hiệp định hoặc thỏa thuận tài trợ có quy định giải ngân qua ngân hàng phục vụ để chuyển tiền trực tiếp cho chương trình, dự án, thì phải thực hiện kiểm soát chi theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và định kỳ phải hạch toán vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 và Khoản 1 Điều 33 của Nghị định này.
Gia hạn thỏa thuận về thương mại gạo với Philippines
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết gia hạn Bản thỏa thuận về thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Philippines bằng hình thức công hàm trao đổi.
Cụ thể, Chính phủ đồng ý gia hạn bản thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Philippines về việc Việt Nam cung cấp gạo cho Philippines bằng hình thức công hàm trao đổi và phê duyệt nội dung của các công hàm trao đổi.
Chính phủ ủy quyền cho Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thiện, gửi công hàm trao đổi cho phía Philippines để gia hạn Bản Thỏa thuận nêu trên và thực hiện các thủ tục đối ngoại liên quan.
Phương thức giao dịch điện tử trong BHXH
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, Nghị định quy định rõ điều kiện, phương thức và nguyên tắc thực hiện giao dịch.
Theo quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội phải bảo đảm các điều kiện sau: 1- Có chứng thư số còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp theo quy định của pháp luật. Trường hợp cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội nhưng chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp; 2- Có khả năng truy cập, sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử liên lạc ổn định và đăng ký với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc thông qua Tổ chức I-VAN theo quy định.
Chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử có giá trị pháp lý như hồ sơ, chứng từ, thông báo và các văn bản bằng giấy theo quy định của pháp luật. Chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử bao gồm: Hồ sơ bảo hiểm xã hội điện tử; chứng từ kế toán theo quy định về chế độ kế toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam bằng phương tiện điện tử; các văn bản, thông báo khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch bảo hiểm xã hội bằng phương tiện điện tử.
Các chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử trên phải có đủ chữ ký số của những người có trách nhiệm ký chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử được thực hiện các giao dịch điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
Nguyên tắc giao dịch
Nghị định quy định rõ các đơn vị sử dụng giao dịch điện tử phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật có liên quan.
Việc thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội phải bảo đảm rõ ràng, bình đẳng, trung thực, an toàn, hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo mật và toàn vẹn thông tin.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử hoặc giao dịch bằng phương thức truyền thống trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
BHXH là chính sách quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm chỉ đạo, được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã từng bước được hoàn thiện, góp phần ổn định việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Nhiều kết quả quan trọng đã đạt được như số người tham gia BHXH hàng năm đều tăng; các chế độ BHXH được bổ sung, hoàn thiện theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động...
Tuy nhiên, công tác BHXH cũng bộc lộ một số hạn chế như đối tượng tham gia BHXH có tăng nhưng tỷ lệ bao phủ còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 23% lực lượng lao động, đối tượng tham gia BHTN chỉ đạt gần 20%; nhận thức của một số người sử dụng lao động, người lao động về lĩnh vực BHXH còn hạn chế...
Phấn đấu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH
Để khắc phục những hạn chế trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW; nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN vào năm 2020 theo yêu cầu Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chấn chỉnh công tác khai trình lao động của các doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện khai trình việc sử dụng lao động theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, xây dựng phần mềm quản lý lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc khai trình, cập nhật tình hình biến động lao động trong doanh nghiệp và kết nối với cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHTN.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH, hạn chế nhận BHXH một lần; tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Các bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện chi sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu liên quan cần thiết với cơ quan BHXH để quản lý lao động, đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Thanh tra đơn vị cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam chỉ đạo cơ quan BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ cho người lao động.
Kết nối thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành liên quan để quản lý được đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, thành lập mới; người lao động đang làm việc, thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông trên phạm vi cả nước, tiến tới thực hiện giao dịch điện tử đối với tất cả các hoạt động trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN.
BHXH Việt Nam thực hiện thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.
BHXH Việt Nam cũng cần đổi mới cơ chế tổ chức thực hiện, chuyển đổi tác phong phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ đảm bảo việc giải quyết các chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện; có giải pháp khuyến khích các địa phương vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện.
Tăng cường tuyên truyền, vận động tham gia BHXH
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, trình HĐND quyết định; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm đạt được chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH đã đặt ra.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng và dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, nhất là về trách nhiệm và quyền lợi của người sử dụng lao động, người lao động khi tham gia BHXH.
Thủ tướng làm Trưởng BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế
Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định danh sách Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế.
Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
3 Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Các Ủy viên khác gồm: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng.
Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra các định hướng, chiến lược, các giải pháp lớn liên quan đến hội nhập quốc tế; đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về hội nhập quốc tế cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong từng giai đoạn.
Cơ chế đặc thù Dự án Sân bay Long Thành
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế đặc thù của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thẩm định Khung chính sách theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, tỉnh Sơn La.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, để di tích trở thành điểm giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 31,6 ha thuộc phường Tô Hiệu và phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La.
Nhiệm vụ quy hoạch chủ yếu là nghiên cứu, đánh giá hiện trạng các di tích hiện còn, dấu vết của các công trình trước đây; tập hợp, xác định các tài liệu đã có, đề xuất nhu cầu tài liệu bổ sung; đánh giá mối liên hệ giữa các di tích, vai trò di tích trong mối quan hệ vùng, tình trạng kỹ thuật, quản lý và phát huy giá trị di tích. Nghiên cứu lịch sử truyền thống cách mạng ở địa phương và lịch sử di tích Nhà tù Sơn La; các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến khu vực.
Bên cạnh đó, khảo sát, đánh giá hiện trạng quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan gồm: Vị trí, cấu trúc địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng; mối quan hệ giữa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo; hạ tầng xã hội, xác định cấu trúc quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan khu vực; hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật khu vực quy hoạch.
Đồng thời, khảo sát, đánh giá tình hình kinh tế, xã hội của địa phương ảnh hưởng đến việc lập và triển khai quy hoạch; thực trạng hoạt động du lịch tại khu di tích và các vùng lân cận; nghiên cứu, khảo sát cộng đồng dân cư tại địa phương, trong đó có cộng đồng các dân tộc gắn bó với di tích; phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Về định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, cần lập danh mục các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục; giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Định hướng tổ chức không gian, khu cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc xây dựng mới, độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng; định hướng cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch tổng thể di tích; định hướng phát triển đô thị, dân cư nông thôn trong vùng di tích gắn với việc bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội.
Bảo đảm an ninh, trật tự tại trạm thu phí cầu Bến Thủy
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về việc bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn giao thông tại khu vực trạm thu phí cầu Bến Thủy, tỉnh Hà Tĩnh.
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc người dân chặn cầu Bến Thủy phản đối trạm thu phí, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh và nhà đầu tư rà soát việc thực hiện các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 theo hình thức hợp đồng BOT đoạn qua địa bàn hai Tỉnh; tính toán, điều chỉnh có mức thu phí phù hợp đối với người dân có hộ khẩu thường trú tại huyện Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh khi có phương tiện ô tô đi qua trạm thu phí cầu Bến Thủy.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nội dung kiến nghị của người dân về vị trí đặt trạm thu phí không phù hợp (người dân không tham gia trên các tuyến đường BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư); có hay không có dấu hiệu lợi ích nhóm giành ưu tiên cho nhà đầu tư không đúng quy định, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân (nếu có phải có biện pháp giải quyết khắc phục ngay), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/01/2017.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư tiếp nhận phản ánh của người dân, giải thích rõ việc thực hiện quy định của pháp luật về phí và lệ phí cũng như việc bổ sung công tác quản lý, khai thác, bảo tồn cầu Bến Thủy cũ vào hợp đồng BOT xây tuyến tránh thành phố Vinh và nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn cầu Bến Thủy 2; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp cố tình gây rối làm mất an ninh, trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn.
Hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc ban hành Kế hoạch là thể hiện việc triển khai đầy đủ, toàn diện các cam kết quốc tế của Việt Nam vì sự phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó tập trung đề cập đầy đủ các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của Chương trình nghị sự 2030, kể cả các mục tiêu có tính đương nhiên, thể hiện việc Việt Nam tham gia toàn diện các mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp quốc đã đề ra.
Có mục tiêu, chủ trương, chính sách và giải pháp phát triển cho từng giai đoạn gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội định kỳ 5 năm, có đánh giá định kỳ hàng năm, kết hợp với đánh giá kết quả thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035.
Về các giải pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm rõ thêm các yêu cầu về công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nhấn mạnh nhận thức về sự phát triển bền vững phải được thể hiện thành các giải pháp cụ thể và đặc biệt là trong phân bổ nguồn lực (gồm nguồn lực là tài nguyên thiên nhiên, tài chính và cả chỉ đạo, điều hành). Đồng thời, nghiên cứu xây dựng việc đánh giá có tính định lượng để đánh giá kết quả thực hiện đối với tối đa các mục tiêu cụ thể.
Hội đồng quốc gia phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phải đảm nhiệm vai trò trung tâm trong tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia này.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết 19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao các bộ, ngành khẩn trương có ý kiến về Dự thảo Nghị quyết 19 năm 2017, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn chỉnh, trình Chính phủ, trong đó xác định rõ và tăng cường trách nhiệm của từng bộ, cơ quan, địa phương trong việc cải thiện từng chỉ tiêu cụ thể trong các bộ chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và chỉ số năng lực sáng tạo theo công bố của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Cùng với việc chuẩn bị Nghị quyết 19 năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ biên soạn sổ tay với các nội dung cụ thể như cách thức thu thập, cung cấp số liệu, đánh giá đối với từng chỉ tiêu cụ thể để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Phó Thủ tướng giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì cùng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nghiên cứu việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu nhận, xử lý thông tin, phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp theo hướng có sự phối hợp, huy động sự tham gia của một số cơ quan truyền thông, báo chí./.