Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quy định mới về thành lập, chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ.
Điều kiện thành lập doanh nghiệp
Nghị định quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ được xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1- Có ngành, lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
2- Đảm bảo đủ vốn điều lệ theo quy định.
3- Có Hồ sơ hợp lệ theo quy định.
4- Việc thành lập doanh nghiệp phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành quốc gia.
Vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng
Doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng.
Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.
Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.
Sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ quy định về sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo quy định, hai hoặc một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất với nhau thành một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới (công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
Một hoặc một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thể chia các tài sản, quyền, nghĩa vụ của công ty hiện có (công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị chia.
Một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ của công ty hiện có (công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.
Điều kiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được hợp nhất, sáp nhập, chia, tách khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1- Việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp phải phù hợp với văn bản về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp chưa được quy định tại các văn bản này thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2- Các doanh nghiệp mới hình thành sau khi chia, tách phải đảm bảo đủ điều kiện như đối với thành lập doanh nghiệp.
3- Việc hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh về hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 102/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao báo cáo và đề xuất, kiến nghị của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí dự họp, đặc biệt ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về vị trí, vai trò của người cao tuổi, tổ chức hội người cao tuổi và các định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trong thời gian qua. Từ ngày thành lập đến nay, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo Hội người cao tuổi các cấp phát triển ngày càng vững mạnh, tập hợp đông đảo người cao tuổi tham gia Hội; phát huy tốt vai trò là tổ chức xã hội, đại diện cho nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước ta. Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; làm tốt công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi; tham mưu đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách, pháp luật; thực hiện tốt công tác đối ngoại, nghiên cứu khoa học và tổng kết, biểu dương các điển hình tiên tiến. Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả của hội người cao tuổi các cấp đã được nhân rộng, đẩy mạnh, đặc biệt là công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế-xã hội với nhiều chương trình cụ thể, thiết thực; đặc biệt, Hội đã phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, chủ động cùng với các cơ quan của Chính phủ, chính quyền các cấp tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.
Thủ tướng đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn 2021-2026 của Trung ương Hội với định hướng chung là: "Đoàn kết, sáng tạo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Bên cạnh đó, ghi nhận những khó khăn, thách thức đối với hoạt động của các cấp Hội, như: Mô hình tổ chức Hội còn chưa đồng bộ; chính sách chăm sóc người cao tuổi còn dàn trải, còn nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh rất khó khăn, không có thu nhập; nhận thức trong một bộ phận gia đình, cộng đồng và một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự đầy đủ; việc ban hành, triển khai một số chính sách người cao tuổi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là chưa đón đầu xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng trong thời gian tới. Những bất cập, hạn chế và khó khăn, thách thức nêu trên cần phải được nghiên cứu để khắc phục, hoàn thiện.
Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi là một trong những chính sách lớn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi đã được ban hành trong những năm qua, thể hiện rất rõ quan điểm nhân văn, khoa học, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta đối với người cao tuổi. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới đây tiếp tục khẳng định: Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ những người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa; đồng thời, đánh giá "Xu hướng già hoá dân số nhanh" là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải giải quyết.
Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động
Trước yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đoàn kết, sáng tạo xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Huy động nguồn lực xã hội hóa, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; tập hợp đông đảo hơn nữa hội viên tham gia Hội và các phong trào thi đua của Hội; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cụ thể hóa và lãnh đạo triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người cao tuổi; quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu gặp mặt các đại biểu về dự Đại hội đại biểu toàn quốc người cao tuổi Việt Nam lần thứ VI.
Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò của người cao tuổi, Hội người cao tuổi và công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi.
Đồng thời, tiếp tục khuyến khích người cao tuổi phát huy những kinh nghiệm quý báu, tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động chính trị-xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự; phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam"; cuộc vận động "Toàn dân chăm sóc phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi"; đẩy mạnh phong trào "Tuổi cao-Gương sáng".
Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi để kịp thời thông tin, phản ánh đến các cấp có thẩm quyền để tập trung giải quyết, khắc phục, tháo gỡ, bảo đảm các quyền lợi của người cao tuổi được thực hiện đầy đủ.
Tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi, liên quan đến người cao tuổi; tham gia góp ý và phản biện xã hội trong quá trình các cơ quan Nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện tốt nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu, khảo sát học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ về công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong nước, khu vực và quốc tế; phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, cơ quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021; ký kết và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án liên quan đến công tác người cao tuổi.
Nghiên cứu hỗ trợ hợp lý đối với nhóm người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế
Về các kiến nghị, đề xuất của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với các kiến nghị cụ thể của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, trong đó, đối với đề nghị tham gia xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi, Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi, trong đó, tập trung nghiên cứu điều chỉnh về các vấn đề mới, cấp thiết, sát với tình hình thực tiễn.
Về đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách đối với người cao tuổi và chủ trương hỗ trợ nhóm người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế, Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; trên cơ sở đó, đề xuất hoàn thiện các chế độ, chính sách, pháp luật về người cao tuổi, trong đó có việc nghiên cứu hỗ trợ hợp lý đối với nhóm người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế.
Về đề nghị xây dựng Đề án "Trung tâm nghỉ dưỡng người cao tuổi" trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội hóa, Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, điều kiện thực tế và các quy hoạch, quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm phát huy nguồn lực của địa phương và các tổ chức, cá nhân.
Điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 6/4/2022 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai (Dự án) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 6/12/2019 và Quyết định số 2275/QĐ-TTg ngày 31/12/2020.
Cụ thể, điều chỉnh tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư Dự án như sau: Tăng tổng mức đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai lên thành 3.712,97 tỷ đồng (tại Quyết định số 2275/QĐ-TTg ngày 31/12/2020, tổng mức đầu tư Dự án là 3.112,97 tỷ đồng); trong đó, giai đoạn 1 là 3.253 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 459,97 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương; trong đó, giai đoạn 1 vốn ngân sách Trung ương là 2.100 tỷ đồng (gồm: Giai đoạn 2016-2020 là 500 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 là 1.600 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương là 1.153 tỷ đồng; giai đoạn 2: Ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác (sau năm 2025) là 459,97 tỷ đồng.
Các nội dung khác giữ nguyên như Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 06/12/2019 và Quyết định số 2275/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện đối với kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.
UBND tỉnh Tuyên Quang chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin số liệu và hồ sơ báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; chịu trách nhiệm bố trí và sử dụng vốn theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm đầy đủ, kịp thời để triển khai Dự án theo đúng tiến độ được phê duyệt; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 8855/BC-BKHĐT ngày 16/12/2021 trong quá trình triển khai Dự án theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Phú Thọ và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai Dự án./.