• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/5/2022.

19/05/2022 09:12

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Chỉ thị nêu rõ: Trong thời gian qua các bộ, ngành đã tích cực chỉ đạo triển khai, hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn một số tỉnh có diễn biến phức tạp, nhiều vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật với quy mô lớn đã xảy ra, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, gây bức xúc trong xã hội.

Chấn chỉnh tình trạng san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đồng thời góp phần thực hiện cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tích hợp đầy đủ thông tin về rừng, đất rừng trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để quản lý, bảo vệ chặt chẽ, hiệu quả đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh tình trạng lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng trái pháp luật.

Đồng thời, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật; khẩn trương kiểm tra hiện trường, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng trái pháp luật đã được các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ án phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, các chủ rừng tăng cường biện pháp quản lý bảo vệ rừng; chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn, nhất là tại các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được các cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là diện tích rừng do UBND cấp xã đang quản lý, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; kiên quyết thu hồi rừng đối với các chủ rừng không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng.

Bổ sung nguồn lực, nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn địa phương, trong đó tập trung ưu tiên bố trí đủ lực lượng cho kiểm lâm địa bàn cấp xã, kiểm lâm cơ động bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao đời sống, thu nhập người làm nghề rừng; huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp, tiêu thụ nông, lâm sản tại các tỉnh nhằm giảm áp lực lên rừng; phối hợp với cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng có quy mô lớn, phức tạp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm quản lý chặt chẽ đất đai, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái quy định của pháp luật.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, nhất là trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên; chỉ đạo hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý nghiêm các vụ án hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp đặc biệt là các hành vi hủy hoại rừng.

Phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 560/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình).

Chương trình thực hiện bố trí ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước tại các vùng: Thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng); đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; ô nhiễm môi trường; các làng chài trên sông nước, đầm phá); biên giới, hải đảo (gồm cả Khu kinh tế-quốc phòng); vùng dân di cư tự do đến đời sống quá khó khăn và khu rừng đặc dụng.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030, thực hiện bố trí ổn định 121.290 hộ, trong đó giai đoạn 2021-2025 bố trí ổn định 64.283 hộ, bao gồm: 47.159 hộ vùng thiên tai, 3.726 hộ vùng đặc biệt khó khăn, 2.872 hộ vùng biên giới, hải đảo, 10.526 hộ di cư tự do, hộ cư trú trong khu rừng đặc dụng.

Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; tại các vùng dự án bố trí ổn định dân cư: Tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; tỉ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 45% trở lên; tỉ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 98% trở lên; không còn nhà tạm, dột nát; tỉ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 90% trở lên.

Giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án bố trí ổn định dân cư

Một trong những nội dung và giải pháp thực hiện Chương trình là bố trí đất ở, nhà ở, đất sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Cụ thể, căn cứ quy định của pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật có liên quan, các địa phương có biện pháp giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án bố trí ổn định dân cư, đảm bảo đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế, tập quán ở địa phương. Thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất ở đối với các hộ gia đình, cá nhân theo quy định.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đối với vùng bố trí ổn định dân cư tập trung theo dự án được duyệt, bao gồm các hạng mục: Bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có); san lấp mặt bằng đất ở tại điểm tái định cư; khai hoang đất sản xuất (đối với khai hoang tập trung); đường giao thông (nội vùng dự án và đường nối điểm dân cư mới đến tuyến giao thông gần nhất); thuỷ lợi, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt và một số công trình thiết yếu khác.

Hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình, bao gồm: Di chuyển người và tài sản, khai hoang, nhà ở, lương thực (trong thời gian đầu tại nơi tái định cư), nước sinh hoạt (nơi không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung). Hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp trong khu rừng đặc dụng được bố trí tái định cư hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định hiện hành.

Hỗ trợ địa bàn nơi bố trí dân cư xen ghép theo chỉ tiêu UBND cấp tỉnh giao thuộc đối tượng của Chương trình để thực hiện các việc: Điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến (khai hoang, bồi thường theo quy định khi thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất), xây mới hoặc nâng cấp lớp học, trạm y tế, thủy lợi nội đồng, đường dân sinh, công trình điện sinh hoạt, công trình cấp nước cộng đồng và một số công trình hạ tầng thiết yếu khác. Các hạng mục công trình được lựa chọn để nâng cấp hoặc đầu tư mới theo thứ tự ưu tiên, có sự tham gia của cộng đồng người dân sở tại.

Hỗ trợ ổn định dân cư tại chỗ: Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai nhưng không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển phải bố trí ổn định tại chỗ được hỗ trợ để nâng cấp nhà ở và vật dụng phòng, chống thiên tai thiết yếu khác.

Ưu tiên hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ gia đình

Về phát triển sản xuất, hỗ trợ vùng dự án bố trí ổn định dân cư phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến, bảo quản, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị gắn với lợi thế vùng, miền, quốc gia; thúc đẩy phát triển các mô hình làng du lịch văn hóa cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ưu tiên hỗ trợ các hộ gia đình về tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giống, thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, vay vốn tín dụng chính sách và vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành.

Hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế khác cho người dân phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của người dân, cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tiến độ triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 147/TB-VPCP ngày 18/5/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tiến độ triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thông báo 147/TB-VPCP nêu rõ, công tác triển khai hạng mục nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh của Cảng hàng không quốc tế Long Thành cơ bản đáp ứng được tiến độ đề ra. Việc giải phóng mặt bằng, bàn giao diện tích đất giai đoạn 1 cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định Dự án hoàn thành vào năm 2025, các đơn vị phải có quyết tâm lớn, công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát phải tiến hành thường xuyên, liên tục.

Hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6/2022

Để khẩn trương triển khai Dự án đáp ứng tiến độ, chất lượng yêu cầu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo: Thời gian thực hiện Dự án còn lại không nhiều (gần 4 năm), với đòi hỏi của dự án quan trọng quốc gia về kiến trúc, chất lượng xứng tầm với vị thế quốc gia, yêu cầu công tác điều hành phải khoa học, quá trình triển khai phải nỗ lực, tích cực từ người công nhân, cán bộ kỹ thuật, đến Ban Quản lý dự án cũng như các nhà thầu, tư vấn, hệ thống chính trị của địa phương và các bộ, ngành để hoàn thành công trình đáp ứng yêu cầu đề ra.

Các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì hoạt động công trường như nhịp độ hiện nay; rà soát, xây dựng tiến độ, xác định các công việc/hạng mục công trình trên đường găng đối với tất cả các các gói thầu, hạng mục công trình của Dự án để làm cơ sở triển khai, kiểm soát; tổ chức giao ban hàng tháng để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, duy trì tiến độ theo yêu cầu.

Công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn, nhưng nếu tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông để vận động, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, hiệu quả của Dự án để nhân dân hiểu rõ, sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân và tạo thuận lợi hơn trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Yêu cầu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6/2022.

Phó Thủ tướng khẳng định đây là dự án quan trọng quốc gia, việc đầu tư các tuyến giao thông kết nối là cần thiết và phải sớm triển khai. Tuy nhiên, các tuyến giao thông phải đi trước, đón đầu, có tính đến sự phát triển sau này về gia tăng quy mô của Dự án, sự phát triển của khu vực và kết nối vùng miền. Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, đề xuất cơ quan triển khai.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất mở rộng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường song song với cao tốc này để bảo đảm nhu cầu kết nối, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Tuyệt đối không để xảy ra tư lợi cá nhân

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Quản lý dự án giám sát chặt chẽ việc triển khai thi công của các nhà thầu, bảo đảm thời gian thi công của các hạng mục trên đường găng tiến độ; chú trọng đặc biệt đến chất lượng công trình, bảo đảm tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định, quy trình, quy phạm; tuyệt đối không để xảy ra tư lợi cá nhân. Chỉ đạo các nhà thầu xây dựng phương án thi công thích ứng với mùa mưa sắp tới, không để gián đoạn, ngừng nghỉ trên công trường dẫn đến chậm tiến độ.

Đồng thời, yêu cầu tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế thực hiện đầy đủ công tác giám sát thi công, giám sát quyền tác giả theo quy định; tiến hành giám sát chéo giữa các đơn vị liên quan, tuân thủ đầy đủ các quy định, bảo đảm công trình đạt chất lượng ở mức cao nhất.

Việc triển khai thiết kế, thi công Nhà ga hành khách, Đường cất hạ cánh thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 105/TB-VPCP ngày 7/4/2022 của Văn phòng Chính phủ. Phấn đấu khởi công vào quý IV/2022./.