Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Văn bản số 3514/VPCP-NN ngày 6/6/2022 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại một số địa phương và giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao gây khó khăn cho người chăn nuôi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong nước trong việc nghiên cứu, sản xuất, quyết định lưu hành vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, nhất là tại cấp huyện, cấp xã theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm đủ năng lực để tổ chức chống dịch kịp thời, hiệu quả; tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh.
Không để bùng phát dịch cúm gia cầm
Bộ Y tế vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm (CGC) trên người và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong thời gian từ ngày 10/3 – 16/4/2022 có hàng trăm vụ bùng phát CGC mới trên gia cầm và chim hoang dã được ghi nhận tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ tập trung chủ yếu ở châu Âu. Ngoài ra còn ghi nhận rải rác trên các khu vực châu Á, Bắc Mỹ và châu Phi. Mầm bệnh của đợt dịch này chủ yếu do các chủng virus độc lực cao như H5N1 và H5N8 gây ra.
Mặc dù trên thế giới và tại Việt nam một vài năm gần đây không ghi nhận ca bệnh CGC trên người, tuy nhiên căn cứ vào tình hình dịch bệnh CGC trên thế giới và tại Việt Nam thì nguy cơ CGC lây nhiễm sang người tại Việt Nam là đáng kể. Vì tại Việt Nam, dịch CGC vẫn tiếp tục được ghi nhận trên đàn gia cầm nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên phạm vi rộng và có nguy cơ lây nhiễm sang người. Hiện nay, cả nước có 6 ổ dịch CGC/H5N1 tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kon Tum chưa qua 21 ngày…
Trước tình hình trên, tại văn bản 3495/VPCP-NN ngày 6/6/2022 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu Báo cáo của Bộ Y tế; chủ động phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh CGC; tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh CGC xâm nhập, không để bùng phát dịch bệnh CGC ở Việt Nam.
Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh CGC; tổ chức xây dựng phương án, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hạn chế nguy cơ dịch bệnh CGC lây lan sang người và không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc về Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước)
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 166/TB-VPCP ngày 6/6/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc về Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước).
Tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) thuộc quy hoạch tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây; khi đưa vào sử dụng sẽ mở ra cơ hội giúp kết nối giao thông liên vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, tạo động lực để Đắk Nông và Bình Phước phát triển nhanh, bền vững.
Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, ngân hàng, nhà đầu tư và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, việc đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) là khả quan, phù hợp với chủ trương đa dạng nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải có báo cáo chính thức về phương án đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 93/TB-VPCP ngày 31/3/2022 của Văn phòng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/6/2022; đồng thời, Bộ Giao thông vận tải kịp thời giải quyết kiến nghị và hướng dẫn các nhà đầu tư quan tâm, bảo đảm đẩy nhanh thủ tục để dự án có thể khởi công trong thời gian sớm nhất, hoàn thành trong năm 2025. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự để triển khai dự án nhanh nhất, rẻ nhất, chất lượng tốt nhất.
Về cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án, UBND các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông thực hiện xin ý kiến HĐND tỉnh về việc thực hiện dự án, trách nhiệm chi trả từ nguồn ngân sách của địa phương và thống nhất với Bộ Giao thông vận tải để trình Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án theo phương thức PPP theo đúng quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Về sơ bộ nguồn vốn triển khai dự án, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao cam kết của tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắk Nông trong việc bố trí ngân sách địa phương cho dự án. Cụ thể: Tỉnh Bình Phước cân đối 3.000 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông cân đối 1.000 tỷ đồng. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối các nguồn vốn ngân sách Trung ương để hỗ trợ, bảo đảm tổng số vốn Nhà nước tham gia dự án (gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) không quá 50% tổng mức đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (thực hiện thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật sau khi xác định được nguồn vốn ngân sách Trung ương cho dự án). Phần còn lại, nhà đầu tư và ngân hàng chịu trách nhiệm thu xếp theo quy định.
UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bình Phước sớm triển khai Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành theo đúng tiến độ để bảo đảm thông tuyến từ Đắk Nông đi Thành Phố Hồ Chí Minh tạo liên kết vùng, làm động lực cho phát triển vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ giải quyết nhanh các thủ tục triển khai Dự án theo quy định; giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án.
Kết luận của Thủ tướng chính phủ tại buổi làm việc về nghiên cứu đầu tư hai tuyến đường tại Quảng Nam, Kon Tum
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 6/6/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc về nghiên cứu đầu tư các tuyến đường: Tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam, tuyến đường cao tốc kết nối Kon Tum với Quảng Nam.
Thông báo kết luận nêu rõ: Vùng phía Tây tỉnh Quảng Nam và Kon Tum có điều kiện tốt để phát triển công nghiệp thủy điện, nông lâm nghiệp, dược liệu, khai thác khoáng sản, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái...; đặc biệt là khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang kết nối với nước bạn Lào có tiềm năng phát triển thông thương hàng hóa rất lớn. Việc kết nối giao thông tốt sẽ tạo điều kiện cho các vùng phía Tây Quảng Nam và Kon Tum phát triển kinh tế, thông thương hàng hóa với các nước Lào, Campuchia và Thái Lan, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng phía Tây Trường Sơn. Tuy nhiên, đường giao thông kết nối đến cảng biển còn nhỏ hẹp, xuống cấp, cản trở rất lớn đối với sự phát triển của Quảng Nam, Kon Tum và các tỉnh miền Trung.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Quảng Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đã có nghiên cứu bước đầu về hướng tuyến và sơ bộ phương án đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư hai tuyến đường nêu trên. Tuy nhiên, để có phương án tối ưu nhất cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ các mặt, trong đó khảo sát kỹ địa hình để lựa chọn hướng tuyến phù hợp, trên nguyên tắc thẳng nhất và ngắn nhất có thể, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng đặc dụng.
Về quy hoạch các tuyến đường, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải cùng UBND tỉnh Quảng Nam khảo sát nghiên cứu cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hướng tuyến và triển khai bảo đảm đúng quy hoạch. Trường hợp chưa có trong quy hoạch, các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt theo quy định.
Trên cơ sở quy mô và tính chất của các tuyến đường, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Quảng Nam rà soát, thống nhất về nội dung quy hoạch (thuộc quy hoạch ngành quốc gia hay quy hoạch tỉnh) đối với tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam và phối hợp với tỉnh Kon Tum để thống nhất hướng tuyến đường kết nối Kon Tum-Quảng Ngãi-Quảng Nam, từ đó thực hiện phê duyệt quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật trước khi triển khai đầu tư.
Về hình thức đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Quảng Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải so sánh các phương án (đầu tư công của tỉnh kết hợp PPP; đầu tư PPP/BOT toàn tuyến; đầu tư trực tiếp...) để lựa chọn phương án tối ưu nhất, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí; báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đầu tư hai tuyến đường nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phức tạp, nhạy cảm./.