Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.
Nghị định này quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên; trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục khác theo quy định của pháp luật (quản lý Nhà nước về giáo dục).
Yêu cầu đối với việc quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục là bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về giáo dục; bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm với nguồn lực tài chính, nhân sự, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan.
Trong đó, trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo là ban hành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và quy định chuẩn chương trình đào tạo đối với giáo dục đại học; danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy chế đào tạo và liên kết đào tạo.
Bên cạnh đó, quy định việc tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt được phép sử dụng và hướng dẫn lựa chọn tài liệu học tập, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo đối với trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học.
Ban hành quy chế thi cử; quy định việc kiểm tra và đánh giá người học; quy định văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân và việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam. Chủ trì xây dựng hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng với các nước, tổ chức quốc tế....
Các bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhân lực của ngành, lĩnh vực; thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành, lĩnh vực được giao quản lý; chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động và chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục trực thuộc bộ trong phạm vi quyền hạn được giao...
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 2 buổi/ngày ở giáo dục phổ thông; chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và người học thuộc phạm vi quản lý.
Bố trí đúng, đủ ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục tại địa phương theo quy định; quản lý, kiểm tra việc sử dụng ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và phân cấp quản lý ngân sách hiện hành nhằm đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; thực hiện thu, sử dụng học phí và các khoản thu hợp pháp khác đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc tỉnh; thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp để phát triển giáo dục tại địa phương...
Nghị định cũng quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND cấp huyện, cấp xã, chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã; trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo.
Nghị định có hiệu lực từ 15/11/2018.
Phê duyệt Khung chính sách hỗ trợ tái định cư dự án cầu Mỹ Thuận 2
Thủ tướng chính phủ phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
Ban Quản lý dự án 7 đã trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu, tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.
Phương án hướng tuyến được đề xuất lựa chọn là xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 tại vị trí cách cầu Mỹ Thuận hiện tại về phía thượng lưu 350m. Điểm đầu khớp nối với dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung, điểm cuối tiếp nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ tại vị trí nút giao đầu tuyến QL80. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 6,6km.
Về lộ trình thực hiện, trong quý III và quý IV/2018, dự án sẽ hoàn thành công tác lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự kiến khởi công xây dựng vào quý III/2019 và hoàn thành cầu chính trong khoảng 42 tháng.
Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2017
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2017.
Theo đó, thành phố Hà Nội có 288 cơ sở, Thành phố Hồ Chí Minh có 302 cơ sở, thành phố Hải Phòng có 77 cơ sở, tỉnh Bình Dương 253 cơ sở, tỉnh Vĩnh Phúc có 47 cơ sở, tỉnh Bắc Ninh có 86 cơ sở... sử dụng năng lượng trong điểm năm 2017
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức quản lý hoạt động sử dụng năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương thông báo cho các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn và tổ chức quản lý, theo dõi thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương kiểm tra, rà soát, lập danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn; tổng hợp gửi Bộ Công Thương trước ngày 1/2 hàng năm.
Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là thành viên thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình thực hiện các nhiệm vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, thực hiện báo cáo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở đặt trụ sở, đồng thời báo cáo tập đoàn, tổng công ty để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương.
Thay đổi thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thay đổi thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Thủ tướng quyết định ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thôi không tham gia Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (do đã nghỉ hưu).
Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm thành viên Tổ công tác thay ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ theo phân công công tác của Thanh tra Chính phủ.
Giải quyết một số kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ xem xét, xử lý theo quy định đối với một số kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn tại Thông báo số 77-TB/VPTW.
Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Bộ Ngoại giao xử lý kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn về việc phân cấp cho UBND các tỉnh biên giới được linh hoạt, chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh về xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất; tổ chức hội đàm cấp Trung ương để mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Trung Quốc và công tác kiểm dịch để tăng khả năng thông quan.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý việc đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến điều tiết các khoản thu của các chi nhánh doanh nghiệp Trung ương và doanh nghiệp ngoài tỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh tại Lạng Sơn (theo Nghị định số 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Ngân sách năm 2015).
Về cơ chế, chính sách cho dân quân tự vệ, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xử lý.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý kiến nghị về cơ chế chung để triển khai thực hiện việc thống nhất quản lý lao động qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, xử lý kiến nghị về cơ chế chính sách riêng hỗ trợ các xã an toàn khu (phát triển kết cấu hạ tầng, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử và nâng cao đời sống nhân dân vùng căn cứ cách mạng; quan tâm bố trí vốn để đầu tư, tôn tạo khu di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn và phát triển kinh tế-xã hội vùng An toàn khu Bắc Sơn; đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Chi Lăng, huyện Chi Lăng).
Về nghiên cứu, bổ sung quy định việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với thân nhân người nhiễm chất độc da cam; điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí di chuyển hài cốt liệt sĩ, Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xử lý.
Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị về sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản có liên quan đến tổ chức bộ máy các cơ quan cụ thể như HĐND các cấp chỉ cần 1 phó chủ tịch.
Cần sớm điều chỉnh Quy hoạch phát triển Khu bến cảng Lạch Huyện
Việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển Khu bến cảng Lạch Huyện cần sớm được thực hiện để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế của khu vực và của cả nước.
Đây là nội dung tại Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc đầu tư các dự án tại khu vực Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Thông báo nêu rõ, để phục vụ cho việc đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Khu bến cảng Lạch Huyện) và khu dịch vụ hậu cần sau cảng-dịch vụ logistics, điều chỉnh Quy hoạch Khu bến cảng Lạch Huyện phải đảm bảo các yêu cầu: Tạo sức thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để đầu tư phát triển các bến cảng và khu dịch vụ logistics; đảm bảo và nâng cao tính cạnh tranh quốc gia trong việc thu hút lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu và hàng hóa trung chuyển thông qua cảng.
Các bộ, ngành và UBND thành phố Hải Phòng cần quan tâm hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, như: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp quân đội và các doanh nghiệp tư nhân quan tâm đầu tư phát triển, quản lý khai thác cảng biển và dịch vụ logistics. Ưu tiên, tạo điều kiện cho các liên doanh, liên kết đầu tư phát triển cảng biển, khu dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước nhưng vẫn phải đảm bảo tính cạnh tranh giá cả theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển cảng biển cần phải kết hợp và hài hòa với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh; việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển Khu bến cảng này cần sớm được thực hiện để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế của khu vực và của cả nước.
Về điều chỉnh Quy hoạch phát triển Khu bến cảng Lạch Huyện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết phát triển các bến cảng còn lại (sau các bến số 3, 4 được quy hoạch để thực hiện di dời Khu bến cảng Hoàng Diệu của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng) của Khu bến cảng Lạch Huyện đảm bảo Quy hoạch có tầm nhìn, định hướng tốt, có tính kết nối tốt các phương thức vận tải trong khu vực; hài hòa với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng chung và đáp ứng việc tiếp nhận tàu cỡ lớn.
Về chủ trương Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đầu tư bến cảng số 3 và số 4, việc đầu tư xây dựng các bến cảng này cần phải được thực hiện nhanh, đúng pháp luật, bảo đảm phát huy truyền thống lịch sử của Cảng Hải Phòng và phát triển trong tương lai có tính cạnh tranh lâu dài của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Hải Phòng về chủ trương đầu tư các bến cảng số 3, 4 Khu bến cảng Lạch Huyện của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng để phục vụ việc di dời Khu bến cảng Hoàng Diệu; đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của thành phố Hải Phòng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, hoàn thiện lại nội dung báo cáo thẩm định và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng các bến cảng container số 3 và số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng theo đúng quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, đề xuất các mô hình ban quản lý khai thác cảng biển theo hướng không phát sinh tổ chức, bộ máy mới, trong đó có hình thức thí điểm giao Ban quản lý Khu kinh tế ven biển thực hiện chức năng quản lý đầu tư xây dựng và phát triển các khu bến cảng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, áp dụng thống nhất đối với Khu bến cảng Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng và Khu bến cảng Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trên cơ sở mô hình ban quản lý khai thác cảng biển, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc đầu tư các bến cảng còn lại thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện.
Tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc dừng thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đến năm 2020.
Cụ thể, để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ cho hoạt động giao thông vận tải trên đường thủy nội địa của các địa phương, khu vực và của cả nước, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục khẩn trương hoàn thiện nội dung điều chỉnh Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (điều chỉnh Quy hoạch) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 280/TB-VPCP ngày 7/8/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Việc điều chỉnh Quy hoạch phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tương thích với việc lập Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng ngành đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018.
Xây dựng Trung tâm logistics, cảng tổng hợp Cái Mép hạ
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép hạ và Dự án cảng tổng hợp container Cái Mép hạ tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép hạ, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hướng dẫn Công ty cổ phần xuất, nhập khẩu tổng hợp Hà Nội-Tập đoàn Geleximco về thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất và thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật để sớm triển khai một trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.
Đối với Dự án cảng tổng hợp container Cái Mép hạ, đây là dự án đã được giao chủ đầu tư-Công ty cổ phần đóng tàu và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu. Do vậy, Công ty cổ phần xuất, nhập khẩu tổng hợp Hà Nội-Tập đoàn Geleximco chủ động trao đổi, thỏa thuận với chủ đầu tư để có thể liên doanh, liên kết đầu tư, khai thác sử dụng cảng, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, bồi thường, tái định cư... và quy trình thủ tục đầu tư; đồng thời, tổ chức thẩm định, quyết định các dự án đầu tư theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.
Điều chỉnh Quy hoạch thành phố Nam Định
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Nam Định.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Nam Định phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc lập và trình phê duyệt Nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Nam Định.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định Nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị.
Trước đó, ngày 22/11/2011 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh Quy hoạch chung bao gồm: Toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Nam Định hiện hữu; huyện Mỹ Lộc; 3 xã của huyện Vụ Bản gồm Đại An, Thành Lợi và Tân Thành; 5 xã của huyện Nam Trực gồm Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá và Nghĩa An. Tổng diện tích nghiên cứu khoảng 18.445 ha.
Theo điều chỉnh Quy hoạch, đến năm 2025 dân số toàn thành phố khoảng 570.000 người.
Hướng phát triển đô thị của thành phố Nam Định sẽ tập trung phát triển đô thị phía Bắc sông Đào tới sông Vĩnh Giang; phát triển một số khu chức năng đô thị tập trung, đan xen trong không gian đô thị sinh thái nông nghiệp phía Nam sông Đào; dự trữ phát triển các khu chức năng đô thị phía Bắc sông Vĩnh Giang.
Thành phố Nam Định sẽ có các khu trung tâm như trung tâm hành chính cấp tỉnh; trung tâm hành chính cấp thành phố; trung tâm văn hóa; trung tâm thể dục thể thao; trung tâm y tế;...
Sau gần 7 năm điều chỉnh, quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến thời điểm hiện tại còn bộc lộ nhiều nội dung không còn phù hợp đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu điều chỉnh, xác định lộ trình cụ thể hơn trong giai đoạn mới./.