Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Điều kiện cấp GCN hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trong đó sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.
Cụ thể, tổ chức là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1- Bảo đảm thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm định cho từng đối tượng thuộc phạm vi kiểm định, theo yêu cầu tại quy trình kiểm định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.
2- Có ít nhất 2 kiểm định viên làm việc theo hợp đồng từ 12 tháng trở lên thuộc tổ chức để thực hiện kiểm định đối với mỗi đối tượng thuộc phạm vi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.
3- Người phụ trách kỹ thuật hoạt động kiểm định của tổ chức phải có thời gian làm kiểm định viên tối thiểu 2 năm (quy định cũ tối thiểu 3 năm) (bỏ quy định người phụ trách kỹ thuật hoạt động kiểm định của tổ chức phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật).
Các thiết bị, nhân lực tại (1), (2), (3) nêu trên chỉ được sử dụng để làm điều kiện đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với tổ chức.
Cụ thể, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bị thu hồi một trong các trường hợp: Hết thời hạn đình chỉ hoạt động kiểm định mà không khắc phục được các nguyên nhân bị đình chỉ hoạt động kiểm định; hoạt động kiểm định trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động; sau 6 tháng kể từ khi có thay đổi điều kiện hoạt động làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, nếu tổ chức không đáp ứng các điều kiện quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; hoạt động kiểm định trong thời gian không bảo đảm các điều kiện được quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; giả mạo hoặc khai man các tài liệu trong hồ sơ cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận; bị giải thể, phá sản.
Sửa đổi điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cụ thể, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao...
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a- Là công dân Việt Nam có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; b- Có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; c- Có cửa hàng đủ diện tích phù hợp để trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; d- Có đủ phương tiện trưng bày, bảo quản và bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Nay Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi điều kiện c trên thành "có cửa hàng để trưng bày"; đồng thời bãi bỏ điều kiện d.
Có trình độ đại học chuyên ngành trở lên mới được hành nghề mua bán di vật, cổ vật
Cũng theo Nghị định số 142/2018/NĐ-CP, chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chỉ được cấp cho người có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất; hoặc là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên và đã thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật. Trước, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP chỉ yêu cầu có trình độ chuyên môn hoặc am hiểu về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Đồng thời, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP cũng giảm bớt điều kiện kinh doanh giám định cổ vật từ 4 điều kiện xuống 2 điều kiện. Theo Nghị định mới thì cơ sở kinh doanh giám định cổ vật chỉ cần đảm bảo các điều kiện sau: 1- Có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký; 2- Có ít nhất 03 chuyên gia giám định cổ vật về các chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Giảm vốn pháp định kinh doanh sản xuất phim
Nghị định số 142/2018/NĐ-CP quy định vốn pháp định để kinh doanh sản xuất phim là 200.000.000 đồng thay vì 1.000.000.000 đồng như Nghị định số 54/2010/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao. Theo quy định mới, cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm phải có đủ nhân viên chuyên môn sau đây: a- Người hướng dẫn tập luyện thể thao theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này; b- Nhân viên cứu hộ; c- Nhân viên y tế thường trực hoặc có văn bản thỏa thuận với cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu người tham gia hoạt động thể thao mạo hiểm trong trường hợp cấp thiết.
Đối với điều kiện về người hướng dẫn tập luyện thể thao, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP quy định, người hướng dẫn tập luyện thể thao phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
1- Là huấn luyện viên hoặc vận động viên phù hợp với hoạt động thể thao đăng ký kinh doanh có đẳng cấp từ cấp 2 trở lên hoặc tương đương;
2- Có bằng cấp về chuyên ngành thể dục, thể thao từ bậc trung cấp trở lên phù hợp với hoạt động thể thao đăng ký kinh doanh;
3- Được tập huấn chuyên môn thể thao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tăng cường quản lý nhà nước đối với nhà chung cư
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Trong thời gian vừa qua, các địa phương đã chủ động triển khai công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc quản lý, sử dụng nhà chung cư từng bước đi vào nề nếp; góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; cải thiện điều kiện ở và xây dựng nếp sống văn minh cho cư dân tại các đô thị.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập chính như: Công tác quản lý chưa được thực hiện nghiêm túc; tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư; thành lập và quyết định công nhận ban quản trị nhà chung cư; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; xác định diện tích sở hữu chung - riêng; quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành; bàn giao nhà ở khi chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo quy định, công tác phòng cháy chữa cháy còn nhiều bất cập, nguy cơ cháy nổ cao... làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương và tạo dư luận không tốt trong cư dân.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư và khắc phục kịp thời các hạn chế, bất cập, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư và chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư; chế tài xử phạt các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng có liên quan; đôn đốc, hướng dẫn chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là pháp luật quy định về quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư.
Công khai dự án nhà chung cư không bảm bảo về PCCC
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với các địa phương tăng cường phổ biến tuyên truyền các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành; các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại các chung cư.
Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng thẩm định dự án, thực hiện công tác nghiệm thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy cũng như việc thực hiện thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; bảo đảm thanh tra, kiểm tra đủ số lần, số lượt theo đúng quy định của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư; đôn đốc cơ sở bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy, tổ chức, duy trì lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an danh mục các dự án nhà chung cư không đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy, không mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá, kiến nghị những bất cập, vướng mắc của pháp luật về đất đai liên quan đến chế độ sử dụng, quản lý đất xây dựng khu chung cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với nhà chung cư.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức phổ biến tuyên truyền các quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư trên địa bàn; ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư để triển khai áp dụng trên địa bàn.
Đồng thời công bố quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch đô thị, dự án đầu tư xây dựng chung cư, trong đó xác định rõ phạm vi, ranh giới phần diện tích xây dựng chung cư, phần diện tích đất sử dụng chung trong khu đô thị; ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Xử lý nghiêm Ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiên quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư đã ban hành; xử lý nghiêm các trường hợp thành viên Ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định của pháp luật. Yêu cầu các chủ đầu tư và các chủ sở hữu căn hộ mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và pháp luật kinh doanh bảo hiểm.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các quận, huyện trên phạm vi địa bàn ban hành quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở; Ủy ban nhân dân cấp phường theo dõi, kiểm tra, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác phòng chống cháy, nổ; tổ chức tập huấn, diễn tập nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho cư dân; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, đặc biệt là các chung cư cao tầng có đông dân cư sinh sống, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm.
Các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và pháp luật khác có liên quan.
Xử lý nghiêm vi phạm về đất đai, xây dựng dọc đường Nguyễn Hoàng (Hà Nội)
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng dọc tuyến đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến về kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng dọc theo tuyến đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm theo phản ánh của báo chí và của bà Đỗ Thị Thanh Nga đại diện một số hộ dân khu vực.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng dọc tuyến đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm theo đúng quy định của pháp luật, thông tin công khai kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đến các báo liên quan và bà Đỗ Thị Thanh Nga.
Làm rõ nội dung về dự án đầu tư tuyến đường H2 (Bắc Ninh)
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về các nội dung liên quan đến việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2, thành phố Bắc Ninh.
Trước đó, trên một số báo, trang tin điện tử có nhiều bài phản ánh việc UBND tỉnh Bắc Ninh sử dụng gần 100 ha đất đối ứng tạo vốn thanh toán cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2 (dài 1,39 km) tại thành phố Bắc Ninh theo hình thức hợp đồng BT, gây dư luận bức xúc.
Về việc này, ngày 30/7/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí và các trang điện tử về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2, thành phố Bắc Ninh theo hình thức hợp đồng BT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2018.
Xét báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các nội dung trong việc UBND tỉnh Bắc Ninh thực hiện dự án đầu tư tuyến đường H2, thành phố Bắc Ninh, nhất là về sự cần thiết, tổng mức đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư, quỹ đất dự kiến thanh toán; đề xuất biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc ngang giá, không thất thoát tài sản nhà nước, đảm bảo quyền lợi của các hộ dân có đất bị thu hồi và quyền lợi của nhà đầu tư; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 15/11/2018.
Giải quyết khiếu nại của 9 hộ dân quận Nam Từ Liêm
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo giải quyết khiếu nại của 9 hộ dân Tổ 4 Hòe Thị, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
9 hộ dân Tổ 4 Hòe Thị, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ khiếu nại UBND thành phố Hà Nội từ năm 2009 đến nay tiến hành nhiều thủ tục thu hồi đất của các hộ để giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng nhà ở bán và hiện nay Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đưa dự án nêu trên vào Danh mục các dự án vốn ngoài ngân sách thu hồi đất năm 2018 theo nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 5/12/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội là không đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, các hộ phản ánh có nhiều vi phạm trong việc phê duyệt, điều chỉnh dự án, cho phép chuyển nhượng dự án nhiều lần, dự án xây dựng không đúng quy hoạch chi tiết được phê duyệt ban đầu.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với kiếu nại của 9 hộ dân Tổ 4 Hòe Thị, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm liên quan đến việc đưa Dự án "Khu văn phòng, nhà ở và dịch vụ công cộng Xuân Phương Garden" vào Danh mục các dự án vốn ngoài ngân sách thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018 theo Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 5/12/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố, thông báo công khai kết quả giải quyết đến các hộ dân.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với khiếu nại của 9 hộ dân Tổ 4 Hòe Thị, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm liên quan đến việc thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp thực hiện Dự án "Khu văn phòng, nhà ở và dịch vụ công cộng Xuân Phương Garden", báo cáo kết quả giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12/2018.
Hoàn thiện Đề án di dời Bến cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về Đề án di dời Bến cảng Hoàng Diệu thuộc Cảng biển Hải Phòng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, UBND thành phố Hải Phòng và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, bao gồm cả việc làm rõ cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục và thẩm quyền phê duyệt Đề án di dời bến cảng Hoàng Diệu thuộc Cảng biển Hải Phòng; trên cơ sở đó, rà soát, hoàn thiện lại nội dung Đề án, trong tháng 10/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Xây dựng Trung tâm hỗ trợ điều trị nhiễm chất độc hóa học/dioxin
Theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, trong giai đoạn 2018 - 2020 sẽ xây dựng thí điểm 1 Trung tâm xét nghiệm, hỗ trợ điều trị y tế cho nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin.
Mục tiêu Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo là thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, hoàn thành cơ bản các mục tiêu trong Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025; Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Cụ thể, sẽ tổ chức xử lý bom, mìn, phấn đấu xử lý được 50.000 ha đất/năm để giảm tỷ lệ ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc xuống dưới 15%, nhất là các tỉnh bị ô nhiễm nặng; xử lý triệt để 35% khối lượng đất nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa; tăng cường năng lực làm chủ thiết kế, chế tạo thiết bị, công nghệ rà phá, xử lý bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh.
Đồng thời, tổ chức rà soát 100% số người tham gia kháng chiến và con cháu của họ có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin để lập hồ sơ xác định nạn nhân được hưởng chính sách của Nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế, vận động tài trợ để thu hút tối đa các nguồn nhân lực, trang thiết bị, công nghệ phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
Về nhiệm vụ cụ thể, Ban chỉ đạo sẽ chỉ đạo triển khai các dự án thử nghiệm công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin nhằm tìm kiếm công nghệ hiện đại, hiệu quả và phù hợp ở Việt Nam, tiến tới làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin, chất thải công nghiệp nguy hại đối với môi trường; xây dựng và thực hiện dự án xử lý môi trường bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ và các nguồn vốn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Hỗ trợ địa phương thực hiện dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường năng lực cho địa phương trong công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn; củng cố, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và quy mô trợ giúp và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn tại bệnh viện hoặc trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng; xây dựng hệ thống và quản lý thông tin về nạn nhân bom mìn và người khuyết tật; phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho nạn nhân bom mìn, nhất là tuyến huyện và tuyến xã; cải thiện cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị y tế cho tuyến huyện, xã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho nạn nhân./.