• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

07/01/2019 20:00
Quy định khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về hoạt động viễn thám. Trong đó, Nghị định quy định rõ việc cung cấp, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám.

Nghị định quy định thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám, sản phẩm viễn thám là tài sản công được cung cấp, khai thác, sử dụng dưới dạng bản sao hoặc dưới dạng xuất bản phần mềm điện tử. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám có trách nhiệm về nguồn gốc của bản sao.

Thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám, sản phẩm viễn thám được ưu tiên cung cấp theo yêu cầu trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoặc trong tình trạng khẩn cấp, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tìm kiếm cứu nạn.

Việc cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám, sản phẩm viễn thám thuộc phạm vi bí mật Nhà nước phải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Tổ chức cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc, tính chính xác, đầy đủ của thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám do mình cung cấp.

3 hình thức khai thác

Nghị định nêu rõ việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám thực hiện theo 3 hình thức: 1 - Khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám qua Trang thông tin hoặc Cổng thông tin điện tử hoặc kết nối, truy nhập, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu viễn thám của cơ quan quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám; 2- Khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám thông qua phiếu yêu cầu; 3- Khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám bằng hình thức hợp đồng giữa đơn vị quản lý thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám và bên khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám theo quy định của pháp luật.

Về hình thức khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám qua Trang thông tin hoặc Cổng thông tin điện tử, Nghị định quy định tổ chức, cá nhân khi khai thác thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám trên Trang thông tin hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám phải đăng ký và được cấp quyền truy cập, khai thác thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám từ cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám.

Tổ chức, cá nhân được cấp quyền truy cập có trách nhiệm truy cập đúng địa chỉ, mã khóa; không được làm lộ địa chỉ, mã khóa truy cập đã được cấp.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám. Theo đó, tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng không được chuyển thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám cho bên thứ ba sử dụng trừ trường hợp được thỏa thuận trong hợp đồng với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, dữ liệu hoặc cấp có thẩm quyền cho phép; tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám về những sai sót của thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám đã cung cấp; được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật khi bị vi phạm quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám của mình.

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám thuộc sở hữu Nhà nước phải trả phí theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.

Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước của Bộ Tư pháp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp.

Theo đó, ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí thực hiện dịch vụ cho các dịch vụ sự nghiệp công sau: 1- Dịch vụ thuộc lĩnh vực trợ giúp pháp lý gồm: Cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; tiếp nhận, cung cấp thông tin về trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

2- Nhóm dịch vụ cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp luật gồm: Tiếp nhận, cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật; tiếp nhận, cung cấp thông tin thi hành án dân sự, thi hành án hành chính cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật; hỗ trợ người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện quyền và nghĩa vụ trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường và các dịch vụ hỗ trợ pháp luật thuộc lĩnh vực khác do Bộ Tư pháp quản lý Nhà nước. 

3- Nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực lý lịch tư pháp do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sơ Tư pháp thực hiện gồm: Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định; cung cấp lý lịch tư pháp và thông tin bổ sung giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước bảo đảm một phần chi phí thực hiện dịch vụ đối với các dịch vụ sự nghiệp công sau: 1- Dịch vụ Lập lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp đối với công dân Việt nam, người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam, cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức khác theo quy định (thuộc nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực lý lịch tư pháp do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sơ Tư pháp thực hiện) 2- Nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực đăng ký giao dịch, tài sản gồm: Dịch vụ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản trừ tàu bay, tàu biển; dịch vụ đăng ký hợp đồng (hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ); dịch vụ cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm; cấp tài khoản đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm.

3- Nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực đấu giá tài sản: Cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.

4- Nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực công chứng, chứng thực (do Phòng Công chứng trực thuộc Sở Tư pháp thực hiện) gồm: Dịch vụ công chứng hợp đồng, giao dịch; dịch vụ công chứng di chúc, nhận lưu giữ di chúc; dịch vụ công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản; dịch công chứng bản dịch; dịch vụ chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận; dịch vụ chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trực việc chứng thực chữ ký người dịch.

5- Nhóm dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật gồm: Dịch vụ giáo dục đại học (đào tạo đại học, sau đại học, liên thông cao đẳng - đại học chuyên ngành luật); dịch vụ giáo dục nghề nghiệp (đào tạo cao đẳng luật, trung cấp luật, liên thông trung cấp - cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác chuyên ngành luật); dịch vụ đào tạo các chức danh tư pháp (đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự, nghề luật sư, nghề công chứng, nghề đấu giá và các chức danh tư pháp, bổ trợ tư  pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp); dịch vụ bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp cụ cho các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và công chức, viên chức ngành tư pháp.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước nêu trên; đồng thời, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành khung giá và giá các loại hình dịch vụ để áp dụng cho các đối tượng thụ hưởng dịch vụ sử dụng ngân sách Nhà nước.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Danh mục dịch vụ sự nghiệp công quyết định hoặc phân cấp cho cơ quan trực thuộc lựa chọn đơn vị sự nghiệp công để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Thủ tướng lưu ý ngoài Danh mục dịch vụ sự nghiệp công nêu trên, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đối tượng hưởng dịch vụ trên sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bảo đảm đủ ngân sách để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công nêu trên theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

13 tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (Quy định). Theo đó, tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em gồm 13 tiêu chí với tổng số điểm tối đa là 1.000 điểm.

Cụ thể, 13 tiêu chí đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em bao gồm: 1- Nguồn lực thực hiện quyền trẻ em; 2- Trẻ em được khai sinh đúng quy định; 3- Trẻ em bị xâm hại; 4- Trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy; 5- Trẻ em bị tai nạn, thương tích; 6- Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; 7- Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các lại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; 8- Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi; 9- Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ; 10- Trẻ em đến trường, lớp mầm non; 11- Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em; 12- Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao dành cho trẻ em; 13- Mức độ hài lòng của trẻ em và người dân về việc thực hiện quyền trẻ em.

Theo Quy định, 125 điểm là điểm số tối đa dành cho xã, phường, thị trấn có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp. Cụ thể, xã, phường, thị trấn có tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp từ 95% trở lên sẽ được tính 50 điểm; tỷ lệ các vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục, bỏ rơi, mua bán được Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt kế hoạch can thiệp, hỗ trợ kịp thời 100% sẽ được tính 75 điểm.

Xã, phường, thị trấn có tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các lại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng từ 98% trở lên sẽ được tính điểm tối đa 50 điểm cho tiêu chí này.

Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em phải đạt đủ 13 tiêu chí nêu trên, không có tiêu chí nào bị 0 điểm và đạt số điểm theo quy định sau: 1- 900 điểm trở lên đối với phường thuộc quận, thị xã, thành phố của thành phố trực thuộc Trung ương; 2- 800 điểm trở lên đối với xã, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo; xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; 3- 850 điểm trở lên đối với xã, phường thị trấn không thuộc trường 2 hợp quy định trên.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030’’.

Mục tiêu của Đề án nhằm định hướng chính sách hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ nền tảng nhằm nhanh chóng đổi mới công nghệ, rút ngắn khoảng cách về trình độ, năng lực công nghệ so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần cơ cấu lại các ngành kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó một số ngành, lĩnh vực có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và tăng cường bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Đề án phấn đấu hoàn thiện cơ chế chính sách, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; tập trung phát triển một số ngành ưu tiên: Thông tin và truyền thông, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, tài nguyên và môi trường. Trong đó chú trọng một số lĩnh vực: Công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng; công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; dược phẩm, chẩn đoán và điều trị bệnh.

Đồng thời, nâng cao năng lực công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Giải pháp đặt ra trong thời gian tới là xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; đầu tư hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xác định định hướng ưu tiên chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu đổi mới, trình độ sản xuất và năng lực làm chủ, tự thiết kế, sáng tạo công nghệ trong nước; triển khai hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Trong đó, Đề án sẽ thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, phát triển thị trường, tạo lập thị trường ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, đặc biệt là các chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong nước tạo ra đạt tiêu chuẩn kỹ thuật so với nước ngoài trong các dự án đầu tư; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp tìm kiếm thông tin công nghệ, tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia...

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND 4 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu bổ sung, miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Cụ thể, tại Quyết định 1875/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Đinh Quang Tuyên, Chủ tịch UBND thành phố Bắc  Kạn.

Đồng thời, tại Quyết định 1874/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nông Văn Chí, để nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Quyết định 1877/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Đồng thời, tại Quyết định 1857/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Văn Thành, để nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Quyết định 1878/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Đình Chuyến, Thành ủy viên, Chánh Văn phòng Thành ủy Hải Phòng.

Tại Quyết định 1876/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Lê Thanh Sơn, để nghỉ hưu trước tuổi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Tại Quyết định 1892/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Lý Vinh Quang, để nghỉ hưu theo chế độ.

Bổ sung mỏ đá gabro tại Thừa Thiên Huế vào Quy hoạch

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh, bổ sung khu vực mỏ đá gabro làm ốp lát tại xã Hương Giang và Hương Hữu, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 9/1/2012.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tích hợp khu vực mỏ đá gabro làm ốp lát nêu trên vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch.

Đồng thời, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm giám sát quá trình đầu tư, khai thác khu vực mỏ đá trên theo đúng quy định về đầu tư, xây dựng, môi trường và các quy định có liên quan.