Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030.
Mục tiêu của Đề án ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng. Đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên.
Đề án được đầu tư với tổng nguồn vốn là 28.554 tỷ đồng để thực hiện bảo vệ 2.246.068 ha rừng tự nhiên hiện có; ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật và mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật, chống người thi hành công vụ.
Đồng thời, xử lý dứt điểm đối với 282.896 ha rừng và đất lâm nghiệp đang có chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm; không để phát sinh tranh chấp, xâm lấn rừng; đẩy mạnh quản lý rừng cộng đồng, thực hiện canh tác nương rẫy bền vững theo hướng nông lâm kết hợp; sắp xếp, đổi mới 55 công ty lâm nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó là khôi phục và phát triển rừng. Cụ thể, trồng 7.100 ha rừng đặc dụng, phòng hộ; trồng 136.600 ha rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh rừng bình quân 36.600 ha/năm, trồng 48,4 triệu cây phân tán...
Trong giai đoạn 2021-2030, Đề án xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân, góp phần ổn định đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài; xã hội hóa đầu tư hình thành vùng lâm sản ngoài gỗ (sâm Ngọc Linh, Song Mây,....).
Tạo đột phá mới về cải cách hành chính
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Để tạo đột phá mới về cải cách hành chính nhằm thực hiện phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường, tổ chức bộ máy, quản lý công chức, viên chức; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng thời với các luật, pháp lệnh, không để phát sinh nợ đọng mới; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; khắc phục, chấm dứt tình trạng giấy phép mẹ, giấy phép con; khẩn trương rà soát, công bố nhóm thủ tục hành chính liên thông thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao.
Đồng thời đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế trên cơ sở tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Khẩn trương hoàn thiện việc rà soát, đề xuất cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế theo quy định. Sớm hoàn thiện các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 10/2019.
Tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, trong đó, công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức phải đúng với năng lực, tiêu chuẩn của vị trí việc làm đã được phê duyệt. Thực hiện nghiêm quy định về cơ cấu, số lượng cấp phó tại các cơ quan, tổ chức hành chính trực thuộc. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Sớm ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, trong đó sớm ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; hoàn thiện khung khổ pháp luật cho xây dựng Chính phủ điện tử, nền tảng công nghệ và các cơ sở dữ liệu quốc gia...; vận hành có hiệu quả Cổng dịch vụ công quốc gia. Tăng cường xây dựng, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm quản lý thống nhất, đồng bộ và kết nối thông suốt giữa Trung ương và địa phương.
Tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ giữa bộ, ngành với các địa phương để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính của từng ngành, lĩnh vực. Tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ: về đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, về kiểm tra công vụ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm sự quyết liệt, nhất quán, kiên trì, liên tục trong triển khai công tác cải cách hành chính.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Đề án cơ cấu Chính phủ mới cho nhiệm kỳ tiếp theo, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để đề xuất cơ cấu tổ chức Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tháng 5/2019, phát động phong trào thi đua về cải cách hành chính sâu rộng trên phạm vi cả nước, trong các cấp, các ngành, trọng tâm vào các vấn đề như: giải pháp về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; văn hóa công sở...
Trình UNESCO hồ sơ "Nghệ thuận Xòe Thái" và "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm"
Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký hồ sơ "Nghệ thuận Xòe Thái" và "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di dản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3/2019.
Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc Việt Nam (đặc biệt là tại các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái) trong các lễ hội cộng đồng, tang ma, các cuộc liên hoan văn nghệ, kết bạn, giao lưu… Xòe Thái đã được trao truyền và bảo tồn khá nguyên vẹn qua hàng trăm năm với nhiều hình thái khác nhau: Xòe dùng trong sinh hoạt cộng đồng để biểu cảm và kết giao bạn bè; xòe để diễn đạt các ý tưởng về cội nguồn tâm linh…
Ngoài các điệu múa như: Xòe quạt, xòe khăn, xòe nón, xòe quả nhạc, người Thái còn rất nhiều điệu xòe mang tên những sự việc, nội dung, đạo cụ như: Xòe chan khon, xòe kếp phắc, xòe kếp bók… Với những nét đặc trưng độc đáo, lại được các thế hệ người Thái bảo tồn và phát triển, xòe Thái đã thực sự trở thành tài sản văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng. Nghệ thuật Xoè Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm có một vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Sản phẩm gốm không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, nhưng gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, giữ được hồn tinh túy và giữ được vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm, xứng đáng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.