Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung danh mục các nhiệm vụ triển khai thực hiện Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải năm 1979 (Công ước SAR 79) theo Quyết định số 06/2009/QĐ-TTg ngày 15/1/2009 giai đoạn 2019-2025.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan trong năm 2019-2022 rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm phù hợp với quy định của Công ước SAR 79.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương liên quan thường xuyên phổ biến kiến thức, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo đảm an toàn, tìm kiếm cứu nạn trên biển theo quy định Công ước SAR 79 cho tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối với các Bộ Giao thông vận tải, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy ban quản lý vốn nhà nước và các địa phương liên quan nghiên cứu phát triển dịch vụ khắc phục sự cố môi trường biển theo yêu cầu Công ước SAR 79.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch cấp quốc gia về ứng phó tai nạn tàu thuyền trên biển và sự cố tai nạn tàu bay dân dụng theo Kế hoạch cấp quốc gia đã được phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn, tham dự diễn tập với các quốc gia liên quan để triển khai Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn đã được ký kết.
Vận dụng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển
Vừa qua, báo Bnews điện tử đưa tin: Theo số liệu của Standards & Poor's, Mỹ là quốc gia có nhiều công ty đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển) nhất thế giới với 196 công ty, và tổng mức chi lên tới 372 tỷ USD trong năm 2018. Tiếp theo là Nhật với 85 công ty và tổng đầu tư 103 tỷ USD; Trung Quốc xếp thứ ba với 33 công ty và tổng đầu tư 49 tỷ USD.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu vận dụng vào Việt Nam.
Tiếp tục kéo giảm TNGT và khắc phục ùn tắc giao thông
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I, phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2019.
Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) và khắc phục ùn tắc giao thông trong quý II/2019 và thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Năm ATGT 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy” và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 25/TB-VPCP ngày 19/01/2019 về triển khai giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong thời gian tới.
Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác kiểm tra phương án bảo đảm TTATGT tại các địa phương có các Lễ hội quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách tham dự lễ hội; công tác quản lý vận tải và ATGT; kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT theo chuyên đề tại các địa phương có TNGT tăng trong quý I; kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, các cơ sở đăng kiểm.
Tổ chức hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ lần thứ 5 năm 2019 của Liên Hợp Quốc phát động, với chủ đề "Quản lý và thực thi pháp luật về ATGT" từ ngày 06-12/5/2019 (hoàn thiện và thực thi một số quy định pháp luật liên quan tới thắt dây an toàn, không sử dụng điện thoại khi lái xe).
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt, vận hành các Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tại các trạm thu phí BOT trên đường bộ; phối hợp với các bộ, ngành để ban hành quy định về bắt buộc kiểm tra tải trọng tại các đầu mối hàng hóa, kho, bãi, bến cảng trên toàn quốc; chia sẻ dữ liệu cho lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông vận tải để xử lý vi phạm; chỉ đạo Thanh tra Bộ và các Sở Giao thông vận tải sử dụng thông tin về bằng lái xe vi phạm bị tạm giữ tại cơ quan Công an để kiểm tra nhằm phát hiện những trường hợp xin cấp lại giấy phép lái xe trong thời gian bị tạm giữ do vi phạm để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; xử lý và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động cấp giấy phép lái xe.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực: Kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ; điều kiện kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải; đăng kiểm phương tiện; đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, hàng không.
Xử lý việc làm giả giấy khám sức khoẻ cho người học lái xe
Bộ Công an xây dựng Quy chế phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm TTATGT. Rà soát, sửa đổi, ký kết và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy chế, kế hoạch phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an trong công tác bảo đảm TTATGT.
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường các hoạt động bảo đảm TTATGT, đặc biệt là nâng cao hiệu quả tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT (nhất là vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ...); tăng cường công tác quản lý nghiệp vụ; kiểm tra phòng ngừa sai phạm trong hoạt động tuần tra kiểm soát và một số lĩnh vực của lực lượng Cảnh sát giao thông. Triển khai giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực trong tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm.
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương kịp thời thông báo danh sách lái xe ô tô bị thu giữ giấy phép lái xe cho các cơ quan, đơn vị của ngành Giao thông vận tải để phục vụ công tác cấp lại giấy phép lái xe; lập chuyên án điều tra và xử lý các tổ chức, cá nhân làm giả giấy khám sức khoẻ cho người học lái xe, làm giả giấy phép lái xe hoặc có hành vi gian lận, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và khám sức khoẻ cho người học lái xe.
Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị của Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với lực lượng của ngành Công an và Thanh tra giao thông vận tải địa phương thực hiện công tác xét nghiệm ma tuý, chất kích thích thần kinh và nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải; tổ chức tổng kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khoẻ cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm; phối hợp với ngành Giao thông vận tải tổ chức thực hiện nghiêm công tác khám sức khoẻ định kỳ đối với lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, xét nghiệm ma tuý đối với toàn bộ lái xe được khám sức khoẻ.
Yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc thực hiện kiểm tra chất ma tuý và nồng độ cồn đối với toàn bộ nạn nhân cấp cứu do TNGT, hàng tháng báo cáo số lượng và danh sách nạn nhân vào cấp cứu do TNGT và tình hình vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý của nạn nhân về Sở Y tế tỉnh, thành phố để tổng hợp, báo cáo Ban ATGT cùng cấp.
Kiểm tra, xử lý người vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý khi lái xe
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấp phép lái xe; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa; sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để xử lý điểm đen về TNGT, chú trọng sơn vạch tim đường, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ trước điểm giao cắt với đường sắt.
Chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, kế hoạch Năm ATGT 2019 của địa phương và các kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự và ATGT trên địa bàn; ưu tiên kiểm tra, xử lý người có hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý khi lái xe và vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm TTATGT, kết nối, khai thác dữ liệu từ các hệ thống camera giám sát của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT; khai thác dữ liệu giám sát hành trình từ Tổng cục đường bộ Việt Nam để giám sát và quản lý hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải.
UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc trung ương tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông; tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ để khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải và kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện đối với xe mô tô, xe gắn máy; quản lý nghiêm việc thực hiện quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị, đánh giá tác động giao thông trước khi phê duyệt dự án đầu tư công trình xây dựng lớn trong khu vực nội đô; tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông, xây dựng phương án phân luồng và bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các tuyến trọng điểm, đầu mối giao thông chính, đoạn tuyến có công trình đang thi công trên đường hiện hữu; thiết lập lại và duy trì trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị, ưu tiên sử dụng vỉa hè cho người đi bộ, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động đường thông, hè thoáng đến cấp phường, thị trấn; xử lý nghiêm vi phạm về quy hoạch và xây dựng đô thị gây mất TTATGT, ùn tắc giao thông.
Tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa có ý kiến về đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện ngày 20/3/2019 đến sản xuất và đời sống nhân dân theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 364/TB-BCĐĐHG ngày 19/4/2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá; chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí để có thông tin chính thức, ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp, không để các đối tượng xấu lợi dụng gây mất trật tự an ninh xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tiếp tục tổ chức triển khai tốt công tác tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin về công tác điều hành giá nhất là các mặt hàng có tính chất nhạy cảm đến người dân; thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 364/TB-BCĐĐHG ngày 19/4/2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện VRG sau cổ phần hóa
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (VRG) về những vấn đề sau cổ phần hóa và tình hình sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp.
Phó Thủ tướng biểu dương các thành tích đã đạt được trong thời gian qua, VRG đã thực hiện IPO thành công, đúng pháp luật, đúng đề án đã được phê duyệt, đảm bảo công khai, minh bạch...
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu VRG khẩn trương xây dựng Báo cáo chuyên đề tổng kết việc triển khai dự án trồng cao su trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, trong đó đánh giá những kết quả đạt được, những mô hình trong tích tụ, tập trung ruộng đất và định hướng phát triển doanh nghiệp trên địa bàn này; làm rõ các cơ sở lý luận, thực tiễn của đề xuất chuyển đổi mô hình các doanh nghiệp này thành doanh nghiệp xã hội, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện VRG sau cổ phần hóa, định hướng đến năm 2025, trong đó gồm các kiến nghị tại báo cáo của VRG theo quy định pháp luật, trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để lấy ý kiến các cơ quan liên quan; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các cơ quan, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Đồng thời, làm việc với các địa phương để chuyển giao dứt điểm những diện tích đất đai đã được phê duyệt mà không có nhu cầu sử dụng về các địa phương quản lý; rà soát, hoàn tất thủ tục niêm yết cổ phiếu của VRG tại Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện việc thoái vốn cả lô 5 công ty thủy điện thuộc VRG, xác định những bất cập, vướng mắc, nguyên nhân, đề xuất phương án xử lý, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường phối hợp truyền thông phòng, chống ma túy, mại dâm
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về thực hiện Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020” trong năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.
Xét báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020” trong năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền, phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm.
Tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình hình buôn bán, sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng tăng nhanh, kinh phí và hình thức, nội dung tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, để tăng cường thực hiện Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020”, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế tăng cường phối hợp, kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông; quan tâm chỉ đạo, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tăng thời lượng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng chương trình, tin bài theo chỉ tiêu củaĐề án; ưu tiên kinh phí thực hiện các sản phẩm truyền thông có hiệu quả, phát sóng vào các khung giờ có nhiều người theo dõi; chú trọng tuyên truyền về tác hại của các chất gây nghiện, chất hướng thần mới và giáo dục kỹ năng phòng ngừa ma túy trong giới trẻ.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam trong triển khai Đề án “Truyền thông về phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng” để lồng ghép có hiệu quả các nội dung và tiết kiệm kinh phí./.