Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đoàn TNCS HCM tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019 - 2022”.
Đề án nhằm nâng cao nhận thức và hướng tới thay đổi hành vi cho thanh thiếu niên nói riêng và nhân dân nói chung trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hàng năm, 100% tổ chức Đoàn các cấp tổ chức ít nhất 1 hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; 100% chi đoàn trên địa bàn dân cư đăng ký đảm nhận và triển khai thực hiện “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp"; các cấp bộ Đoàn triển khai hiệu quả Chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, tổ chức trồng mới 30 triệu cây xanh.
Triển khai thực hiện 200 công trình thanh niên cấp tỉnh, 1.600 công trình thanh niên cấp huyện về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ 1.000 ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ xây dựng 250 nhà tránh lũ cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực miền Trung.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Một trong các giải pháp thực hiện Đề án là tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, tuyên truyền trực quan như sử dụng hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi; biên tập và phát hành các tài liệu sinh hoạt chi đoàn - chi hội - chi đội…
Bên cạnh đó, tuyên truyền trên báo chí, phát thanh, truyền hình: Xây dựng các chuyên mục dài kỳ, phóng sự truyền hình, viết tin, bài phản ánh về hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của thanh niên trên hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; tổ chức các chương trình truyền hình thực tế, các chương trình truyền hình tương tác về bảo vệ môi trường giữa đoàn viên, thanh niên và người dân trên truyền hình.
Về tuyên truyền trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại, xây dựng bộ sản phẩm tuyên truyền hiện đại về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai phần mềm tra cứu thông tin về môi trường, thông tin cảnh báo thiên tai, thông tin về giải pháp, công nghệ bảo vệ môi trường.
Hàng năm, phát động và triển khai chiến dịch truyền thông thông qua tổ chức các chiến dịch, diễn đàn, tọa đàm, cuộc thi, hoạt động của thanh niên để hưởng ứng các sự kiện về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thiết kế, biên tập và in các ấn phẩm truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thành lập các đội tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường của thanh niên tham gia tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân địa phương thay đổi hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt gây hại đối với môi trường.
Xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường
Giải pháp khác của Đề án là xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đoàn viên, thanh niên.
Cụ thể, tiếp tục triển khai hiệu quả và xây dựng, nhân rộng các mô hình, công trình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; vận động đoàn viên, thanh niên sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất thân thiện với môi trường, thực hiện xả thải đúng quy định, xây dựng các mô hình kinh tế xanh; hướng dẫn thành lập và duy trì các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên hoạt động trong lĩnh vực môi trường; hướng dẫn thành lập và duy trì hoạt động của các đội hình thanh niên xung kích tham gia làm sạch bờ biển; các đội hình thanh niên tình nguyện chuyên sâu phòng chống thiên tai, hỗ trợ người dân trong xử lý sự cố môi trường; các câu lạc bộ thanh niên tình nguyện về bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình về ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, triển khai chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, xây dựng các mô hình điểm về trồng trọt ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm điện, năng lượng; xây dựng nhà tránh lũ và các công trình bể chứa nước, bể lọc nước… cho đoàn viên, thanh niên và người dân tại các khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị ảnh hưởng của bão, lũ; triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân dân thích ứng với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều chỉnh và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2019 cho các dự án tại Phụ lục 1a, 1b kèm theo Nghị quyết số 71/2018/QH14.
Cụ thể, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 của các bộ, ngành.
Điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án tại Phụ lục 1a, 1b kèm theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội cho các bộ, ngành và địa phương từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% vốn nước ngoài tại bộ, ngành và địa phương.
Điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn đối ứng giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án tại Phụ lục 1a, 1b kèm theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hộ từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương trong nước tại bộ, ngành và địa phương.
Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2019 cho các dự án tại Phụ lục 1a, 1b kèm theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội cho các bộ, ngành và địa phương.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng số kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2019 và danh mục dự án quy định trên, giao cho các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi tiết danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2019 của từng dự án theo ngành, lĩnh vực, chương trình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương rà soát, xác định cụ thể những dự án của các Bộ, ngành, địa phương đã được giao kế hoạch vốn dầu tư công trung hạn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 nhưng không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không hết số vốn được giao; trên cơ sở đó, tổng hợp đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ trước 31/10/2019 điều chỉnh giảm vốn vay trong nước (vốn trái phiếu Chính phủ) tương ứng với số vốn nước ngoài đã được điều chỉnh tăng thêm cho các dự án theo đúng Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội.
Các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ danh mục dự án và kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2019 điều chỉnh và giao bổ sung nêu trên: Thông báo cho các đơn vị danh mục và kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2019 bố trí cho từng dự án theo quy định; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30/7/2019.
Thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phó Chủ tịch Hội đồng là một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các thành viên của Hội đồng gồm đại diện các Bộ: Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Chính phủ; Y tế; Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Thành viên của Hội đồng còn có các chuyên gia: GS.TS. Mai Trọng Nhuận; GS.TSKH. Đặng Trung Thuận; PGS.TS. Lê Xuân Cảnh; GS.TS. Nguyễn Thị Kim Thái và ông Thái Minh Sơn.
Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của Hội đồng.
Hội đồng có nhiệm vụ xem xét, thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định để làm căn cứ quyết định phê duyệt Nhiệm vụ.
Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Nghiên cứu thông tin báo nêu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương nghiên cứu thông tin báo nêu về chính sách kinh tế của Trung Quốc.
Trước đó, ngày 15/7/2019, theo Bản tin Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm (các hoạt động dịch vụ, kinh doanh sẽ được trợ cấp từ 20h đêm đến 6h sáng hôm sau) trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng thấp do ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.
Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế của Trung Quốc.
Huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) đạt chuẩn nông thôn mới
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 900/QĐ-TTg công nhận huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Cần Thơ có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định.
Thành phố Long Xuyên hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quyết định công nhận thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh An Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định.
Đẩy mạnh công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm những tháng cuối năm
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và địa phương đẩy mạnh công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm 6 tháng cuối năm 2019.
Công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm 6 tháng đầu năm 2019 có nhiều chuyển biến tốt, công tác xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai kịp thời. Việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia đạt kết quả, hoạt động chỉ đạo trực tiếp tại các địa phương, cơ sở được tăng cường; cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm chỉ đạo; nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với quy mô lớn, xuyên quốc gia bị bóc gỡ, triệt phá; việc đổi mới công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy, chi trả điều trị người nhiễm HIV qua bảo hiểm y tế từng bước thực hiện hiệu quả, số người nhiễm HIV mới được kiểm soát.
Tuy nhiên, người sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới có xu hướng tăng cao gây mất trật tự, an toàn xã hội; số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tính đến 30 tháng 4 năm 2019 là 230.767 người, tăng 5.668 người so với cùng kỳ; nhiều địa phương chưa nộp báo cáo theo quy định; tình trạng người tham gia điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone sử dụng đồng thời với ma túy khác, bỏ liều điều trị diễn biến phức tạp; nhận thức, quan điểm về phòng, chống mại dâm chưa thống nhất; còn tồn tại một số tụ điểm, ổ nhóm tội phạm tổ chức hoạt động mại dâm gây bức xúc dư luận; kinh phí cho công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm từ nguồn ngân sách hạn chế, từ nguồn tài trợ bị cắt giảm; phối hợp giữa các Bộ, ngành vẫn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về mục tiêu 3 giảm (giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại) của ma túy tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2019; của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tại Thông báo số 472/TB-VPCP ngày 25 tháng 12 năm 2018; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 606/TTg-KGVX ngày 24 tháng 5 năm 2019 để thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2019 của Ủy ban Quốc gia (ban hành kèm theo công văn số 50/PCAIDSMTMD ngày 21 tháng 3 năm 2019). Trong những tháng cuối năm 2019, tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS dự báo diễn biến phức tạp, đề nghị các Bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ.
Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tăng thời lượng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng chương trình, tin bài đạt mục tiêu của Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020”; ưu tiên kinh phí thực hiện các sản phẩm truyền thông có hiệu quả, phát sóng vào các khung giờ có nhiều người theo dõi; chú trọng tuyên truyền về tác hại của các chất gây nghiện, chất hướng thần mới và giáo dục kỹ năng phòng ngừa ma túy trong giới trẻ.
Bộ Công an tăng cường kiểm duyệt, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức giới thiệu, mua bán, khuyến khích sử dụng ma túy, các chất gây nghiện, chất gây ảo giác trên mạng internet, mạng xã hội. Tổ chức tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp lái xe dương tính với các chất ma túy trong quá trình tham gia giao thông.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Trong đó, Bộ Công an tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy và công tác cai nghiện ma túy, nhất là dự án sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện “Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020”; hướng dẫn triển khai Quyết định số 13/2019/QĐ-TTg ngày 27 tháng 2 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 127/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống ma túy.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu xây dựng đề xuất dự án Luật phòng, chống mại dâm; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2004, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.
Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia kết thúc đại dịch AIDS ở Việt Nam.
Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống ma túy
Để đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công an, Tài chính, Công Thương, Y tế chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện cả trong xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh, kịp thời ngăn chặn không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy trong nội địa.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, xây dựng bố trí mạng lưới nghiệp vụ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Miền Trung, Tây Nam, tuyến đường hàng không, tuyến đường biển. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, Lào, Campuchia triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy. Tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia; các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp trái phép, các điểm, tụ điểm mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Về công tác cai nghiện ma túy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy thông qua quyết định của tòa án. Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy.
Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế tiếp nhận điều trị cho người sử dụng ma túy tổng hợp có dấu hiệu loạn thần; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp tại các cơ sở cai nghiện.
Về công tác phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng nguồn kinh phí từ Bảo hiểm y tế; kịp thời hướng dẫn các địa phương, cơ sở ngăn chặn tình trạng bỏ liều, dùng đồng thời nhiều loại ma túy khác khi điều trị bằng Methadone.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ban, ngành chức năng ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán các loại chất hướng thần, tiền chất và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; không để lợi dụng các sự kiện, lễ hội, hội chợ, điểm vui chơi công cộng, các quán bar, karaoke, nhà hàng, khách sạn để tổ chức sử dụng, chứa chấp, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy, chất hướng thần trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí; đầu tư nguồn lực cho công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn; cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất; bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc; rà soát, thống kê và có hồ sơ quản lý người nghiện và người sử dụng ma túy tổng hợp; tiếp nhận, phân loại các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp để quản lý có hiệu quả tại các cơ sở cai nghiện, không để xảy ra tình trạng học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện; nộp báo cáo đầy đủ theo quy định.
Lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Chủ tịch Hội đồng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Các thành viên của Hội đồng gồm đại diện các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Y tế, Văn phòng Chính phủ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Hải dương học Nha Trang; GS.TS. Đặng Huy Huỳnh, chuyên gia; PGS.TS. Lê Xuân Cảnh, chuyên gia.
Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan thường trực của Hội đồng.
Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định để làm căn cứ quyết định phê duyệt Nhiệm vụ.
Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ./.