Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 23/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chỉ thị nêu rõ, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ với chủ trương chuyển đổi tư duy sản xuất hàng hóa đa dạng, quy mô lớn, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ nhằm phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Sau hai năm triển khai thực hiện, các bộ, ngành và địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, dự án cấp bách; từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn lực, tăng cường kết nối liên vùng về hạ tầng và kinh tế; tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho toàn vùng.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP vẫn còn chậm do nhiều hạn chế, thách thức như: các cấp, các ngành, các địa phương trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của mình còn thiếu chủ động trong nghiên cứu, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đáp ứng đòi hỏi phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương; quy định về điều phối, liên kết hợp tác nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa hiệu quả...
Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường, tác động nhanh và mạnh hơn với các dự báo trước đây; đồng thời, các hoạt động khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn và nội vùng tiếp tục gia tăng; tình trạng sụt lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng.
Tạo cơ chế phát triển bền vững ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương trong vùng theo chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó khẩn trương xây dựng thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh vai trò liên kết vùng trong việc hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất thể chế điều phối vùng (nhằm tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương phát triển liên vùng, các dự án hạ tầng, phát triển kết nối nội vùng, liên vùng; tham gia góp ý về cơ chế chính sách đặc thù và nguồn lực thực hiện), trong đó thành lập Hội đồng điều phối vùng do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch; trình cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2019; hoàn thiện các cơ chế liên kết, hợp tác bao gồm liên kết các tiểu vùng, các địa phương trong vùng thông qua các mô hình liên kết hợp tác xã, hộ gia đình, doanh nghiệp, người dân...
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; khẩn trương hoàn thành các chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản đang triển khai tại đồng bằng sông Cửu Long (mạng lưới độ cao quốc gia; điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất...), đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung đầu tư nguồn lực để hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án giao thông trọng điểm kết nối đồng bộ giao thông đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ và nước bạn Campuchia.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2019; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy phát triển các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp ít phát thải, hỗ trợ chế biến nông, thủy sản; ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường phát huy vai trò động lực thúc đẩy liên kết với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt trong kết nối hạ tầng, kinh tế, hỗ trợ đầu tư, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị khép kín.
Tăng cường nguồn lực, thu hút các nguồn vốn đầu tư
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường nguồn lực và thu hút các nguồn vốn hợp pháp (gồm cả nguồn vốn xã hội hóa) trong đầu tư, đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng khung và cơ chế tài chính thu hút nguồn lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ một phần phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, tìm kiếm các cơ hội khai thác dòng vốn nước ngoài đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt và giao vốn đầu tư công cho các công trình, dự án đầu tư trọng điểm, có quy mô vùng, liên vùng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững toàn vùng; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện các dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy tập trung, chuyển đổi đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn; tạo nguồn lực từ đất đai để thu hút, phát triển các dự án có tính chất động lực, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, hoàn thành, trình Chính phủ, Quốc hội trong quý I năm 2020; sớm đề xuất hoàn thiện và bổ sung chức năng, tăng vốn điều lệ và nguồn lực cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo hướng bổ sung thêm nhiệm vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019.
Bộ Tài chính bố trí kịp thời kinh phí chi thường xuyên cho các hoạt động triển khai Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế để điều tiết, chia sẻ lợi ích và phân bổ nguồn thu từ các dự án liên kết vùng, đa mục tiêu.
UBND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long ưu tiên huy động, bố trí nguồn lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chủ động chuẩn bị hạ tầng cho các dự án sản xuất hiện đại, quy mô lớn.
Các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, nhà đầu tư tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi, tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính, công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trong vùng, đổi mới hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã thành viên đầu tư vào các dự án sản xuất hiện đại, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, quy mô lớn, ứng phó với những thách thức từ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đánh giá nhu cầu, xây dựng đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các xu hướng dịch chuyển sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thủ tướng chỉ đạo hoàn thiện một số dự thảo luật
Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36, Thủ tướng Chính phủ vừa giao một số bộ hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi); Bộ Luật Lao động (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện.
Giao Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37 (tháng 9/2019).
Cụ thể, về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội và các cơ quan có liên quan hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Bộ luật; khẩn trương bổ sung làm rõ về những vấn đề tại mục 3 của Thông báo số 3024/TB-TTKQH ngày 21/8/2019 của Tổng Thư ký Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37 (tháng 9/2019).
Bộ Quốc phòng phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Về dự án Luật Thư viện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định của pháp luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp hoàn thiện Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, làm rõ trách nhiệm trong việc chậm ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 và Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017; phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết (có thể đưa vào Nghị quyết kỳ họp) theo hướng lùi thời gian thi hành điều, khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tài nguyên nước của Luật phù hợp với thời điểm Nghị định có hiệu lực; gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 6 và tháng 12 hằng năm.
Một số cán bộ nghỉ hưu từ ngày 1/9
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký các quyết định nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2019 đối với một số cán bộ.
Cán bộ nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2019 gồm: Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; ông Nguyễn Xuân Huy và ông Vũ Hải, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Triển khai thu phí tự động tại các đường cao tốc do VEC quản lý
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo triển khai thu phí điện tử tự động không dừng tại các dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.
Theo ý kiến của Phó Thủ tướng, việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017; Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ đạo tại Quyết định số 7/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017, Chỉ thị số 6/CT-TTg ngày 27/2/2018, Công điện số 849/CĐ-TTg ngày 15/7/2019, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu ý kiến của Bộ Giao thông vận tải; chỉ đạo VEC có kế hoạch sớm chuyển các trạm thu phí trên các tuyến đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý sang thu theo hình thức điện tử tự động không dừng theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản trên.
Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Để sớm chuyển sang thực hiện thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng theo quy định./.