• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

25/10/2019 18:17

Hỗ trợ gạo cho tỉnh Bình Phước

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Bình Phước để cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2019.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 258,675 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Bình Phước để cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

UBND tỉnh Bình Phước tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện vẫn còn khó khăn, tỉnh Bình Phước báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ theo quy định.

Bình Thuận tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tỉnh Bình Thuận cần tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 trong triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019 và xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, ưu tiên tập trung đột phá vào những lĩnh vực trọng tâm, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển trong giai đoạn tới.

Đồng thời làm tốt công tác quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng phù hợp với quy hoạch quốc gia, tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc hoạch định các định hướng và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, gắn với liên kết vùng và quy hoạch phát triển tích hợp, mang tính hiện đại của vùng... Xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên với trọng tâm phát triển 3 lĩnh vực trụ cột là du lịch, năng lượng sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn kết với phát triển kinh tế biển, quy hoạch khu vực ven biển lấy hạt nhân là thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi là trọng điểm thu hút các nhà đầu tư. Phấn đấu đưa khu du lịch Quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực Đông Nam Á. Tiếp tục xây dựng phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics nhằm phát huy tối đa hiệu quả Cảng biển quốc tế Vĩnh Tân.

Bên cạnh đó phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng phát triển hạ tầng Khu công nghiệp - dịch vụ – đô thị hiện đại. Tiếp tục thực hiện đề án trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia, mở rộng phát triển năng lượng sạch, nhất là năng lượng tái tạo ngoài khơi, năng lượng điện gió, mặt trời... Xây dựng Bình Thuận là một trong những trung tâm sản xuất điện gió, điện mặt trời lớn của cả nước. Triển khai tốt Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân; chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, du lịch.

Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống quản lý hiện đại, quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến đảm bảo an toàn vệ sinh và đạt các tiêu chuẩn đăng ký chất lượng trong nước và quốc tế. Trong thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phải chú trọng phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu quốc gia, chỉ dẫn địa lý, mở rộng nhiều thị trường xuất khẩu.

Bình Thuận cần tập trung huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, bền vững; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, không trông chờ hỗ trợ từ Trung ương. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút được những nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn có uy tín, có tiềm lực mạnh đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để tạo động lực phát triển với mục đích đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Tăng cường quản lý trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, môi trường và quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững; quan tâm xử lý tốt vấn đề rác thải đô thị, rác thải nông nghiệp, chất thải rắn từ các nhà máy điện; đặc biệt giám sát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, kết hợp đào tạo với thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến công tác xúc tiến hỗ trợ đầu tư phát triển doanh nghiệp. Có chính sách hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp, du lịch, phát triển kinh tế biển, khai thác và chế biến khoáng sản. Tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm; đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo kịp thời cho các đối tượng chính sách xã hội.

Chính quyền phải thường xuyên đối thoại, đồng hành với doanh nghiệp, với người dân; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp tham nhũng, lợi ích nhóm, nhũng nhiễu, quan liêu. Phấn đấu nâng cao vị trí trên bảng xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh. Thực hiện hài hòa các lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Xử lý nghiêm hành vi ép lái xe làm việc quá sức, quá thời gian quy định

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo toàn ngành Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch vận tải dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân 2020; tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là hành vi ép lái xe làm việc quá sức, quá thời gian quy định (đây chính là nguyên nhân dẫn đến vi phạm về ma tuý và ngủ gật của lái xe), gây ra tai nạn giao thông.

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý III, nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2019.

Thông báo nêu rõ, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, nhằm duy trì đà kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) và khắc phục ùn tắc giao thông trong Quý IV năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ.

Cụ thể, Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch Năm ATGT 2019; tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương về việc thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 02/8/2019 và tại các địa phương có TNGT tăng trong 9 tháng đầu năm. Yêu cầu tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành có thành phần là các cơ quan có chức năng xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt đối với các vi phạm quy định pháp luật về TTATGT của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công cũng như các đơn vị kinh doanh về giao thông vận tải, báo cáo kết quả kiểm tra tại kỳ họp tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2019.

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân TNGT năm 2019 của Liên hiệp quốc, phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2019 vào Chủ nhật, ngày 17/11/2019.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, truyền thông; chủ động nghiên cứu, khai thác, sử dụng có hiệu quả mạng xã hội để tuyên truyền, xây dựng văn hoá giao thông đúng quy định pháp luật; đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội, đấu tranh, ngăn chặn tin giả, tin xấu có mục đích tiêu cực trên mạng xã hội; phối hợp với các Bộ, ngành thành viên xây dựng kế hoạch Năm ATGT 2020 với chủ đề "Đã uống rượu, bia - không lái xe".

Xử lý dứt điểm các điểm đen

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về bảo đảm TTATGT năm 2019; khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; khẩn trương trình Chính phủ Đề cương xây dựng Dự thảo Luật thay thế Luật giao thông đường bộ 2008 để khắc phục các vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và xử lý dứt điểm các điểm đen đã xác định trên mạng lưới quốc lộ năm 2019; tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý điểm đen trên các tuyến đường địa phương; phê duyệt và triển khai thực hiện phương án cải thiện ATGT trên tuyến Quốc lộ 5; xây dựng Đề án cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên Quốc lộ 1A và các tuyến Quốc lộ trọng điểm; đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, mở rộng các cầu hẹp trên Quốc lộ 1A và các quốc lộ khác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; đối với những vị trí có nguy cơ cao về tai nạn giao thông (điểm mở dải phân cách, điểm giao giữa đường phụ và đường chính) phải triển khai ngay biện pháp cảnh báo nguy hiểm, hạn chế tốc độ để bảo đảm ATGT.

Khẩn trương chỉ đạo việc sửa chữa đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hoạt động hàng không.

Chỉ đạo toàn ngành Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch vận tải dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân 2020; tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là hành vi ép lái xe làm việc quá sức, quá thời gian quy định (đây chính là nguyên nhân dẫn đến vi phạm về ma tuý và ngủ gật của lái xe), gây ra TNGT.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan có phương án quản lý, khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm TTATGT trên tuyến.

Xử lý theo quy định pháp luật các tổ chức cá nhân có hành vi mua, bán giấy phép lái xe

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, đặc biệt tập trung vào các hành vi lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma tuý; vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô; sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện; mở cao điểm bảo đảm TTATGT vào cuối năm, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Điều tra, xác minh, xử lý theo quy định pháp luật các tổ chức cá nhân có hành vi mua, bán giấy phép lái xe, giấy khám sức khoẻ giả đang tồn tại trên thị trường, có báo cáo kết quả tại kỳ họp tổng kết cuối năm.

Đối với các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, ngoài các nguyên nhân trực tiếp từ người điều khiển phương tiện, cần có phân tích điều tra các nguyên nhân gián tiếp về con người, kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn kỹ thuật phương tiện; trong đó cần xác minh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm (nếu có) của cơ sở đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe, cơ sở đăng kiểm, đơn vị quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng và đơn vị thi công công trình gây mất ATGT, doanh nghiệp vận tải; kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm phòng ngừa các vụ TNGT tương tự xảy ra.

Bộ Y tế tổng kết việc thực hiện công tác xét nghiệm ma tuý, chất kích thích thần kinh và nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải; tiếp tục tổ chức kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khoẻ cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc; chuẩn bị tốt điều kiện cứu chữa nạn nhân TNGT trong dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2020.

Siết chặt kỷ cương công tác quản lý hoạt động vận tải

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Kết luận số 45-KL/TW Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW; Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ; Kế hoạch Năm ATGT 2019 tại địa phương. Trong đó lưu ý tiếp tục kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác quản lý hoạt động vận tải; đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa; tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ trước điểm giao cắt với đường sắt.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc trung ương tập trung thực hiện các giải pháp tổ chức, phân luồng giao thông, đặc biệt là khi trời mưa, triều cường gây ngập đường, các đoạn tuyến có công trình đang thi công  hoặc khi có sự cố giao thông, để giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông; tiếp tục thực hiện lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè không để xảy ra tái lấn chiếm.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và ban hành Đề án tuyên truyền vận động nhân dân phòng, chống tác hại của rượu, bia, thực hiện đã uống rượu, bia không lái xe giai đoạn 2019-2021 và Đề án tuyên truyền về ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, giai đoạn 2019-2021. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tác hại rượu, bia.

Tổng kết việc sắp xếp, đổi mới các cty nông, lâm nghiệp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức Hội nghị  sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Hội nghị trên được tổ chức vào cuối tháng 10/2019 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị và tổ chức tốt Hội nghị; dự thảo phát biểu khai mạc, phát biểu kết luận hội nghị của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 26/10/2019.

Mô hình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đang được triển khai và có những kết quả tích cực.

Được biết, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án tổng thể đối với 40 địa phương, đơn vị và 256 công ty nông, lâm nghiệp (bao gồm cả 8 công ty thuộc Bộ Quốc phòng, 4 công ty của tổ chức chính trị - xã hội) theo 6 mô hình sắp xếp.

Các công ty đã hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới là 160 công ty, đạt 62,5%. Trong đó, mô hình công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh có 19 công ty, đạt 90,48%; mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích có 59 công ty, đạt 98,33%; công ty cổ phần có 49 công ty, đạt 48,04%; công ty TNHH hai thành viên có 15 công ty, đạt 38,46%; chuyển thành Ban quản lý rừng 5 công ty, đạt 100%; giải thể 13 công ty, đạt 46,43%.

Các công ty đang thực hiện, dự kiến hoàn thành sắp xếp trong năm 2019 chuyển sang hoạt động theo quy định pháp luật theo mô hình mới là 69 công ty, bằng 29,95% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Đến 30/6/2019, cả nước còn 27 công ty chưa thực hiện hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cơ bản sắp xếp xong các công ty nông, lâm nghiệp là khả thi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả ban đầu quan trọng tạo sự chuyển biến mới về quản lý các công ty nông, lâm nghiệp theo cơ chế thị trường. Nhiều địa phương, doanh nghiệp thực hiện đạt kết quả tốt như: Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Kiên Giang, Quảng Nam, Kon Tum, Long An, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị xây dựng phương án tổng thể chưa rà soát toàn diện, nên sau khi phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục đề nghị điều chỉnh mô hình sắp xếp làm chậm tiến độ như: Quảng Ninh, Nghệ An, Cà Mau, Hà Nội, Tổng công ty Cà phê Việt Nam.

Việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, đặc biệt là đối với sắp xếp theo mô hình thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bình Thuận, Bắc Giang, Tổng công ty Cà phê Việt Nam và giải thể như: Yên Bái, Quảng Ngãi, Tổng công ty Cà phê Việt Nam…/.