Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% thông tin thiết yếu từ hệ thống thông tin cơ sở được phổ biến đến người dân; 100% ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống thông tin cơ sở; phấn đấu 100% nội dung thông tin thiết yếu từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để tuyên truyền, phổ biến đến người dân được cung cấp trên hệ thống thông tin nguồn; phấn đấu 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở các cấp được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng CNTT để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật phù hợp với vị trí việc làm.
Tầm nhìn đến năm 2030, người dân tiếp nhận đầy đủ thông tin thiết yếu và phản ánh thông tin về hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật ở cơ sở trên hệ thống thông tin cơ sở; hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở để góp phần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về thông tin cơ sở.
Một trong những nhiệm vụ của Đề án là xây dựng, hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-viễn thông. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-viễn thông phù hợp với điều kiện của địa phương, bảo đảm tránh lãng phí trong đầu tư.
Đồng thời, xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng...) để người dân tiếp nhận thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở; các thông tin khẩn cấp về thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trên địa bàn; kiến thức về khoa học, kỹ thuật...; gửi phản ánh, kiến nghị và đóng góp ý kiến; có thể tích hợp các dịch vụ tiện ích thanh toán giúp người dân thực hiện các giao dịch trực tuyến thuận lợi.
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thông tin nguồn và thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở. Hệ thống có chức năng cơ bản như cung cấp thông tin nguồn từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã cho hệ thống thông tin cơ sở theo cơ chế phân quyền cung cấp thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa, đáp ứng nhu cầu lưu trữ, cung cấp thông tin cho các loại hình thông tin cơ sở; thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở để phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ phụ trách về CNTT và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở; tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng CNTT trong hoạt động thông tin cơ sở.
Để đạt mục tiêu trên, Đề án đề ra các giải pháp thực hiện như giải pháp về công nghệ, an toàn bảo mật thông tin, tổ chức bộ máy nhân sự, giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách về CNTT và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở...
Lập Hội đồng Nhà nước xét tặng danh hiệu ‘Thầy thuốc Nhân dân’, ‘Thầy thuốc Ưu tú’
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 105/QĐ-TTg thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc Ưu tú" lần thứ 13-năm 2020.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch Hội đồng.
Phó Chủ tịch Hội đồng là bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương và ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Các Ủy viên Hội đồng gồm: Ông Trần Đơn, Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Văn Sơn, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; bà Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế; bà Hoàng Thị Ngân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế; ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế; ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam; ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế; ông Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Bộ Y tế; ông Hà Anh Đức, Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế.
Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng Danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc Ưu tú" trong lĩnh vực y tế lần thứ 13-năm 2020.
Các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất 75% tổng số thành viên của Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền; các cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu phải được ít nhất 90% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng.
Cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc Ưu tú" không tham gia Hội đồng.
Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; Quy chế làm việc của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định; Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ Thư ký do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập.
Thay đổi thành viên UBQG phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm
Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Lê Ngọc Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam làm thành viên Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn, ma túy, mại dâm, thay ông Lâm Kiết Tường.
Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm là tổ chức liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.
Ủy ban quốc gia giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng chiến lược và kế hoạch, đôn đốc triển khai thực hiện, lồng ghép, phối hợp các chương trình và nguồn lực, đánh giá hoạt động của các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; tổng hợp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm...
Công nhận 27 bảo vật quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia.
Cụ thể, công nhận bảo vật quốc gia (đợt 8, đợt xét duyệt năm 2019) cho các hiện vật, nhóm hiện vật sau:
1. Sưu tập nha chương (Niên đại: Văn hóa Phùng Nguyên, khoảng 3.500 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ).
2. Trống đồng Quảng Chính (Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, khoảng Thế kỷ III-II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).
3. Trống đồng Trà Lộc (Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 năm; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, thuộc Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị).
4. Linga-Yoni gỗ Nhơn Thành (Niên đại: Văn hóa Óc Eo, Thế kỷ V; hiện lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ).
5. Tượng Phật gỗ Giồng Xoài (Niên đại: Văn hóa Óc Eo, Thế kỷ IV-VI; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang).
6. Tượng Phật đá Khánh Bình (Niên đại: Văn hóa Óc Eo, Thế kỷ VI-VII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang).
7. Tượng sư tử đá chùa Hương Lãng (Niên đại: cuối Thế kỷ XI-đầu Thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
8. Tượng đôi sư tử đá đền-chùa Bà Tấm (Niên đại: Thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại đền-chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).
9. Hai tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn (Niên đại: Thế kỷ XII-XIII; hiện lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).
10. Tượng Mẫu Âu Cơ (Niên đại: Thế kỷ XIX, hiện thờ tại Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ).
11. Chuông Nhật Tảo (Niên đại: Thế kỷ X; hiện lưu giữ tại đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội).
12. Bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh” (Niên đại: thời Lý-Trần; hiện lưu giữ tại chùa Cảnh Lâm, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
13. Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ (Niên đại: năm 1431; trên vách núi Phia Tém, xã Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng).
14. Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi-Bia Lăng Vua Lê Túc Tông (Niên đại: Thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại Di tích lịch sử Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa).
15. Bia “Sùng chỉ bi ký” (Niên đại: năm 1696; hiện lưu giữ tại đền thờ Hà Tông Mục, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
16. Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” (Niên đại: năm 1715; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).
17. 12 Bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh (Niên đại: năm Kỷ Sửu, niên hiệu Thành Thái-1889; hiện lưu giữ tại di tích Văn Miếu Bắc Ninh, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
18. Bộ chóp tháp Champa Linh Thái (Niên đại: Thế kỷ XII-XIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế).
19. Thống đồng thời Trần (Niên đại: Thế kỷ XIII-XIV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).
20. Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu (Niên đại: thời Lê sơ-Thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).
21. Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng (Niên đại: Thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại Di tích đền-chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
22. Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình).
23. Cửa võng đình Diềm (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại đình Diềm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
24. Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện thờ tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
25. Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện thờ tại đền thờ Vua Lê Đại Hành, Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
26. Long đao (Niên đại: Thế kỷ XVII-XVIII; hiện lưu giữ tại Khu di tích tưởng niệm Vương triều Mạc, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).
27. Ấn “Lương Tài Hầu chi ấn” (Niên đại: Thế kỷ XIX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có bảo vật quốc gia; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận tại Điều 1 của Quyết định này trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Kỷ luật ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 134/QĐ-TTg về việc thi hành kỷ luật ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Cụ thể, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thời gian giữ các chức vụ: Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 24/7/2019./.