• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 3/3/2020.

04/03/2020 10:01
Tạm dừng chính sách miễn thị thực đối với công dân Italy

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 23/NQ-CP về việc tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân Italy nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh COVID-19.

Nghị quyết nêu rõ, tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân Italy, áp dụng từ 00 giờ 00 phút ngày 03/3/2020.

Xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại".

Mục tiêu chung của Đề án nhằm xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bảo đảm mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nắm tình hình, thường xuyên cập nhật những điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam; phân tích, dự báo, sớm phát hiện những chính sách cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng vệ thương mại theo hướng bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu; tăng cường theo dõi tình hình tuân thủ các quy định quốc tế, quy định trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương của các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong các lĩnh vực đã và  đang có nguy cơ bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, phần mềm phân tích và trang thông tin điện tử để vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm và để tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cấp và phân tích thiệt hại. Hoàn thiện và nâng cấp cơ sở dữ liệu để theo dõi các mặt hàng nhập khẩu đang bị Việt Nam điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng có khả năng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng nhập khẩu có mức tăng đột biến, các mặt hàng nhập khẩu có dấu hiệu gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, nhằm phát hiện và cảnh báo dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đánh giá hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng, nâng cao khả năng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Phấn đấu đến năm 2025, bồi dưỡng đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ điều tra, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp quốc tế về phòng vệ thương mại cho 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan bộ, ngành và địa phương tham gia lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm tăng cường khả năng cảnh báo và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đề ra các nhiệm vụ và giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; xây dựng và vận hành Hệ thống cảnh báo sớm; nâng cao năng lực sử dụng Hệ thống cảnh báo sớm.

Trong đó, về xây dựng và vận hành Hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, máy chủ, đường truyền để phục vụ công tác phân tích và cảnh báo theo hướng đồng bộ, hiện đại và đáp ứng nhu cầu cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm khai thác hiệu quả lợi ích và hạn chế  đến mức thấp nhất tác động tiêu cực từ việc hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu thống kê về xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác thương mại lớn theo từng giai đoạn.

Xây dựng phần mềm phân tích, tính toán và cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; cảnh báo nguy cơ hàng hóa nước ngoài lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Việt Nam áp dụng; đánh giá hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng...

Phê duyệt danh sách thành viên BCĐ 896 

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh sách thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu có liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 8/6/2013 (Ban Chỉ đạo 896).

Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban.

Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Phó Trưởng ban Thường trực); Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng,

Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên; Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh.

Thủ tướng cũng phê duyệt danh sách Lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo 896. Cụ thể, Chánh Văn phòng là Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an.

Phó Chánh Văn phòng gồm: Đại tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (Phó Chánh Văn phòng Thường trực); Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan; Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh; Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan; Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Hoàng Ngọc Anh.

Thủ tướng yêu cầu trình phương án kinh phí bảo trì đường sắt

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 70/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2020 để thảo luận, cho ý kiến về các phương án sau:

Phương án 1: Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 theo hướng đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông qua dự toán ngân sách Nhà nước của Bộ GTVT như đã thực hiện năm 2019.

Phương án 2: Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.

Được biết, Bộ Giao thông vận tải đã giao hơn 2.800 tỷ đồng dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Cục Đường sắt Việt Nam từ cuối tháng 12/2019. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể ký hợp đồng đặt hàng, làm cơ sở triển khai kế hoạch bảo trì do vướng mắc về cơ chế, các quy định pháp luật. Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trình Chính phủ báo cáo cụ thể các vướng mắc này.

Tuy nhiên, để hoạt động đường sắt được bình thường, an toàn, hiện Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương triển khai ngay các thủ tục giải ngân; trường hợp vướng các quy định pháp luật, báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ.

Chuẩn hóa chế độ báo cáo của bộ, cơ quan, địa phương

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đôn đốc, hướng dẫn chuẩn hóa chế độ báo cáo và xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, cơ quan, địa phương.

Qua tổng hợp, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh thời gian qua, Văn phòng Chính phủ nhận thấy việc triển khai đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ báo cáo của một số bộ, địa phương còn chậm; quy định chế  độ báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, như: Ban hành chế độ báo cáo bằng Quyết định cá biệt; quy định lại một số nội dung của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, trong khi chưa quy định đầy đủ nội dung các chế độ báo cáo thuộc thẩm quyền; chế độ báo cáo thiết kế dưới dạng phương án đơn giản hóa chứ chưa quy phạm hóa; còn tình trạng chế độ báo cáo của bộ, cơ quan chưa quy định mẫu đề cương, biểu số liệu, thời hạn gửi đối với từng cấp báo cáo hoặc quy định chưa rõ ràng, không hướng dẫn đầy đủ, chưa thống nhất về thời gian chốt số liệu, thời hạn gửi; văn bản quy định chế độ báo cáo của địa phương quy định những chế độ báo cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương;… Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của đa số bộ, cơ quan, địa phương còn lúng túng, thiếu chủ động, chậm tiến độ.

Để bảo đảm tiến độ, chất lượng triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước, Quyết định số 451/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 09/2019/NĐ-CP và Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2020 ban hành Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ.

Chuẩn hóa chế độ báo cáo

Về chuẩn hóa chế độ báo cáo, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện việc rà soát các chế độ báo cáo hiện hành thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan, địa phương để tiến hành chuẩn hóa, ban hành Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Quyết định của UBND cấp tỉnh quy định chế độ báo cáo đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP. Thời hạn hoàn thành trong tháng 3/2020 (đối với bộ, cơ quan ngang bộ), trong tháng 4/2020 (đối với UBND cấp tỉnh).

Trong đó, lưu ý về phạm vi quy định chế độ báo cáo, Bộ, cơ quan quy định chế độ báo cáo thực hiện thống nhất trong phạm vi toàn quốc, nếu báo cáo yêu cầu tổng hợp số liệu từ cấp nào thì quy định đầy đủ các nội dung chế độ báo cáo cho cấp đó thực hiện (Ví dụ: Nếu chế độ báo cáo lấy số liệu từ cấp xã, thì quy định thời gian chốt số liệu, thời hạn gửi, mẫu đề cương, biểu số liệu, quy trình thực hiện báo cáo… cho cấp xã để tất cả 63 địa phương thực hiện thống nhất, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không cần quy định lại chế độ báo cáo này). Chế độ báo cáo định kỳ do các cơ quan Trung ương đã quy định và áp dụng cho các cấp chính quyền thì UBND các cấp thực hiện thống nhất theo quy định.

Sau khi ban hành Thông tư quy định chế độ báo cáo, các bộ, cơ quan công bố danh mục chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý trước ngày 15/4/2020.

Căn cứ danh mục chế độ báo cáo do các bộ, cơ quan công bố, UBND cấp tỉnh quy định các chế độ báo cáo ngoài báo cáo do Trung ương quy định để phục vụ mục tiêu quản lý, chỉ đạo điều hành của địa phương (nếu có). Trường hợp địa phương chỉ thực hiện các chế độ báo cáo do cơ quan Trung ương quy định, không quy định thêm chế độ báo cáo khác, đề nghị có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các chế độ báo cáo trong nội bộ bộ, cơ quan, địa phương để phục vụ các cuộc họp, làm việc,… không bắt buộc quy định tại Thông tư, Quyết định quy định chế độ báo cáo của bộ, cơ quan, địa phương mà có thể quy định bằng Quyết định cá biệt hoặc Quy chế làm việc của bộ, cơ quan, địa phương.

Văn phòng Chính phủ cũng lưu ý thời gian chốt số liệu báo cáo áp dụng chung cho tất cả các đối tượng thực hiện; kỳ báo cáo cần được quy định rõ để phù hợp với đặc thù của từng loại báo cáo, thống nhất cách hiểu và thực hiện, tránh việc phải báo cáo nhiều lần.

Hết năm 2020 ít nhất 30% báo cáo được triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo

Về xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, cơ quan, địa phương, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương trên cơ sở lựa chọn một số chế độ báo cáo đã được chuẩn hóa, trong Quý II/2020 hoàn thành việc xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, cơ quan, địa phương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia theo hướng dẫn tại Công văn số 598/VPCP-KSTT ngày 21/01/2020 của Văn phòng Chính phủ và Quyết định số 2337/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, bảo đảm đến hết năm 2020 ít nhất 30% chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý được triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương.

Phạm vi xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm theo nguyên tắc:

- Bộ, cơ quan căn cứ Thông tư quy định chế độ báo cáo của bộ, cơ quan mình xây dựng, triển khai Hệ thống thông tin báo cáo đối với tất cả các cấp, các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng báo cáo và chia sẻ dữ liệu với các bộ, cơ quan khác, địa phương thực hiện chế độ báo cáo đó; bộ, cơ quan cấp tài khoản để các bộ, cơ quan khác, các địa phương thực hiện.

- Địa phương chỉ xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo đối với các chế độ báo cáo thuộc thẩm quyền quy định của địa phương mình, kết nối với Hệ thống thông tin các bộ, cơ quan để tạo thành kho thông tin, dữ liệu chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành tại địa phương; không xây dựng các chế độ báo cáo không thuộc thẩm quyền.

- Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, cơ quan, Hệ thống thông tin báo cáo của địa phương bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo hướng dẫn tại Quyết định số 2337/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cập nhật tình hình biến động các chỉ tiêu

Về cập nhật tình hình biến động các chỉ tiêu trong Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng tại Quyết định số 293/QĐ-TTg, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn hóa biểu số liệu đối với các chỉ tiêu thuộc phạm vi quản lý; triển khai số hóa, điện tử hóa để cung cấp tình hình biến động các chỉ tiêu trên Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, cơ quan, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành trong quý II năm 2020 (đối với bộ, cơ quan đã thực hiện báo cáo trên Hệ thống điện tử), trong quý III năm 2020 (đối với bộ, cơ quan chưa thực hiện báo cáo trên Hệ thống điện tử).

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có phương án sẵn sàng cung cấp thông tin trên Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, cơ quan về tình hình biến động các chỉ tiêu trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương tham khảo Quyết định số 293/QĐ-TTg để xây dựng các chỉ tiêu đặc thù, phục vụ công tác quản lý, chỉ  đạo điều hành của địa phương./.