Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng yêu cầu sớm giảm giá thịt lợn
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản tuyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình giá thịt lợn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông nghiên cứu nội dung báo cáo và kiến nghị của Tổng cục Thống kê để phục vụ hoạt động tham mưu, chỉ đạo điều hành; bảo đảm sớm giảm giá thịt lợn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Công Thương và các cơ quan chỉ đạo cung cấp đầy đủ số lượng, chất lượng đảm bảo giá cả cho người dân không được để tăng giá, trong khi giá thành sản xuất thịt lợn thấp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng cục Thống kê chủ động cung cấp thông tin, đề xuất các giải pháp để bảo đảm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và gửi Bộ Tài chính (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá) để tổng hợp báo cáo chung và gửi các Bộ, cơ quan liên quan.
Điều chỉnh kế hoạch vốn DA cải tạo QL1A và đường HCM qua Tây Nguyên
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về việc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ và bổ sung danh mục, mức vốn các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư giai đoạn 2014 - 2016 của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Cụ thể, Thủ tướng quyết định điều chỉnh giảm 170,333 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư và kế hoạch các năm: 2017 kéo dài sang năm 2018, 2018 kéo dài sang năm 2019 và năm 2019 tương ứng của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Điều chỉnh giảm 817,968 tỷ đồng trong số 1.349 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho 4 dự án sử dụng vốn dư tại Quyết định số 738/QĐ-TTg ngày 29/5/2017.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 871,968 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 cho 5 dự án. Trong đó, 170,019 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 từ nguồn vốn tiếp tục còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; 701,949 tỷ đồng trong số 1.602,918 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 đã điều chỉnh giảm của các dự án dư vốn tại Điều 1 Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 5/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn bổ sung cho các dự án trên đến hết ngày 31/12/2020.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thông báo cho các đơn vị liên quan danh mục dự án và mức vốn trái phiếu Chính phủ điều chỉnh giảm kế hoạch giai đoạn 2014 - 2016 và kế hoạch các năm: 2017, 2018 và 2019 theo quy định và danh mục dự án và mức vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 bổ sung theo quy định trên; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 20/3/2020; đồng thời, khẩn trương rà soát quy mô, thiết kế của các dự án bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các dự án theo quy định hiện hành; tổ chức triển khai, theo dõi tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư đã được giao cho các dự án.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư.
Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư sau khi các dự án này được giao vốn theo quy định.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế
Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; đồng thời nghiên cứu, rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính và công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Thuế qua gần 75 năm xây dựng và trưởng thành; đã có nhiều đóng góp thiết thực trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Cùng với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, ngành Thuế đã đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá, đổi mới cơ chế quản lý theo tinh thần hợp tác, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tổng cục Thuế đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đã cắt giảm 2.189 đầu mối trung gian; hợp nhất 565 chi cục thuế để thành lập 269 chi cục thuế khu vực, đưa số Chi cục Thuế từ 711 xuống còn 415 Chi cục Thuế; số cán bộ thuế phục vụ gián tiếp giảm trên 850 người.
Với vai trò là cơ quan thực hiện nhiệm vụ thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, bằng sự quyết tâm cao, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu về thu và tăng thu ngân sách nhà nước.
Năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 1,277 triệu tỷ đồng, vượt 9,3% dự toán (trên 109 ngàn tỷ đồng). Xếp hạng chỉ số nộp thuế của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới tăng từ 131 lên 109 trong tổng số 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mức độ hài lòng của người nộp thuế theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tăng từ 74,98% năm 2016 lên 77,94% năm 2019. Các hoạt động hợp tác quốc tế về thuế được đẩy mạnh; đã ký kết 80 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế về thuế với các tổ chức quốc tế như: WB, IMF, OECD, JICA, IFC…
Tuy nhiên, ngành Thuế vẫn còn hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới. Thủ tục hành chính thuế có lĩnh vực, có nơi vẫn còn phức tạp, gây khó khăn cho người nộp thuế và hoạt động kinh doanh; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; vẫn còn có tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý. Tình trạng nợ đọng thuế, chây ỳ nộp thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn còn diễn ra; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm; xếp hạng quốc tế về chỉ số nộp thuế tuy đã được cải thiện nhưng còn thấp...
Rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế
Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; đồng thời nghiên cứu, rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ trong thực thi nhiệm vụ. Triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý thuế, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán nhiệm vụ thu năm 2020 và nâng hạng chỉ số nộp thuế trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2021 của Ngân hàng Thế giới.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Thuế theo tinh thần của các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; tăng cường năng lực cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục, trong đó lưu ý thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, công ty đa quốc gia và công tác kiểm tra nội bộ.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu theo từng chức năng quản lý thuế. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, đưa ra khỏi Ngành những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc tổ chức hoạt động của các đơn vị sau sáp nhập, nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng, quan tâm giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư.
Tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn, chưa kiểm soát được nguồn tiền và thu nhập. Nghiên cứu việc thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra chuyển giá, thương mại điện tử… Đẩy mạnh công tác kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử. Tổ chức đối thoại thường xuyên, đồng hành với người nộp thuế; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp về thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; chống thất thu, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chống chuyển giá, gian lận thuế, trốn thuế..., tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Thuế.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế trong việc chống thất thu, quản lý thuế và sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ của cơ quan thuế.
Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất quy định số lượng cấp phó của các Cục Thuế cấp tỉnh theo hướng bình quân, bảo đảm phù hợp với đặc điểm của đơn vị và yêu cầu quản lý theo địa bàn; áp dụng kinh nghiệm sắp xếp, tổ chức của ngành Thuế với các ngành, lĩnh vực khác cần tổ chức theo mô hình khu vực như hải quan, kho bạc nhà nước...
Thành lập BCĐ quốc gia tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) năm 2021 tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) gồm: Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam (Phó Trưởng ban thường trực); ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Các thành viên BCĐ gồm: Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao; ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
BCĐ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31, ASEAN Para Games 11; đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; quyết định cụ thể quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 (ngoài thành phố Hà Nội là địa điểm tổ chức chính); quyết định thành lập Ban Tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 ở trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Trưởng ban.
BCĐ cũng có nhiệm vụ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan, Ban Tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 triển khai tổ chức các đại hội theo đúng quy định của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, Liên đoàn Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á và quy định pháp luật của Việt Nam.
Các thành viên BCĐ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trưởng BCĐ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trưởng BCĐ ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực của BCĐ, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của BCĐ; chủ trì hoàn thiện, phê duyệt Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 trên cơ sở ý kiến của BCĐ.
BCĐ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.
Bạc Liêu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp phù hợp biến đổi khí hậu
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, tỉnh Bạc Liêu phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp, phát triển các loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu, các mô hình tôm, lúa được coi là lợi thế so sánh của địa phương.
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu.
Năm 2019, Bạc Liêu đã hoàn thành 20/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 10,61%; so với đầu nhiệm kỳ thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần. Văn hóa, xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,38%; giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; tai nạn giao thông giảm trên cả 03 tiêu chí; cải cách hành chính có tiến bộ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong tốp khá của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Thời gian qua, Bạc Liêu đã phát triển toàn diện các lĩnh vực, đóng góp vào thành tích chung của đất nước nhưng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thu ngân sách nhà nước tuy có tăng hàng năm nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu chi. Thu nhập bình quân đầu người thấp so mức bình quân cả nước; cải cách thủ tục hành chính và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tuy đã được nâng lên nhưng chưa đồng đều ở các cấp, các ngành.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đưa Bạc Liêu sớm trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, Bạc Liêu phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp, phát triển các loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu, các mô hình tôm, lúa được coi là lợi thế so sánh của địa phương; rà soát các xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thúc đẩy hoàn thành nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân, hướng tới mục tiêu Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của vùng Tây Nam Bộ. Bạc Liêu phấn đấu thành trung tâm sản xuất tôm lớn nhất của cả nước và xuất khẩu đi các thị trường lớn trên thế giới.
Tỉnh cần phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút các loại hình sản xuất và dịch vụ giá trị gia tăng cao; phát huy thế mạnh tự nhiên của tỉnh để phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời, triển khai nhanh các dự án năng lượng điện trên địa bàn; đối với dự án nhiệt điện khí quy mô lớn trên địa bàn thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường; thường xuyên bám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để triển khai nhanh dự án, nhất là các dự án phục vụ nhân dân.
Huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp, thoát nước. Phát triển du lịch theo hướng khai thác bền vững những yếu tố văn hóa độc đáo, truyền thống của địa phương, phát động người dân trồng cây xanh để khách tới Bạc Liêu có thể thấy “lúa xanh, biển xanh và nhiều cây xanh”, gìn giữ một Bạc Liêu xanh, sạch, đẹp. Huy động nguồn lực đầu tư các dự án khu du lịch quy mô lớn, chất lượng cao, phấn đấu năm 2020 thu hút 3-4 triệu lượt khách du lịch, phấn đấu gia tăng tỷ trọng khách du lịch quốc tế (hiện nay đạt trên 1,7 triệu nghìn lượt).
Bạc Liêu cũng cần tiếp tục cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao (chuyên gia, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề,…). Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số Hoa, Chăm và Khmer. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân.
Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Hà Giang
Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Hà Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 61,48 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp như ý kiến thẩm định và trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015, số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định./.