Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký các quyết định phê chuẩn nhân sự 2 tỉnh: Bạc Liêu và Quảng Ngãi.
Cụ thể, tại Quyết định số 1968/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Đồng thời, tại Quyết định số 1971/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với bà Cao Xuân Thu Vân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Lần lượt tại các Quyết định số 1967/QĐ-TTg, 1970/QĐ-TTg và 1969/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Dương Thành Trung và chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Lê Minh Chiến để nghỉ chế độ hưu theo quy định và bà Lâm Thị Sang để nhận nhiệm vụ mới.
Thủ tướng cũng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Đặng Ngọc Dũng để nhận nhiệm vụ mới (Quyết định số 1972/QĐ-TTg) và ông Nguyễn Tăng Bính để nghỉ hưu trước tuổi và hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015 (Quyết định số 1973/QĐ-TTg).
Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030
Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”.
Kế hoạch nêu rõ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước được giao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 81-KL/TW; trong đó tập trung các nhiệm vụ chủ yếu sau.
1- Quán triệt, nâng cao nhận thức về an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới, xem bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác bảo đảm an ninh lương thực cho người dân, các địa phương và trên toàn quốc.
2- Tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất tập trung, quy mô lớn, quản lý chặt chẽ theo chuỗi giá trị nông sản. Giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, thường xuyên đánh giá nhu cầu lương thực, thực phẩm cả trong nước và trên thế giới để có định hướng, chiến lược phù hợp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Thương hiệu gạo Việt Nam và Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo; tổ chức sản xuất lúa gạo theo vùng chuyên canh, phát triển các vùng trọng điểm lúa gạo ổn định ở các địa bàn có lợi thế sản xuất tập trung để đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ.
3- Nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng. Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, trọng tâm là: Hệ thống giao thông, nhằm phát triển dịch vụ vận tải và logistics, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiện nghi, hiện đại, thân thiện với môi trường; các công trình thủy lợi đa mục tiêu, hệ thống kho dự trữ quốc gia và hạ tầng phòng chống thiên tai đồng bộ, hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh, dự trữ lương thực, thực phẩm. Tiếp tục phát triển hệ thống lưu thông lương thực, thực phẩm tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận trong mọi tình huống. Phát triển hệ thống thông tin an ninh lương thực, dự báo về sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm để khi cần thiết có giải pháp phân phối, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
4- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng, thương mại hỗ trợ thỏa đáng cho nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo; ưu tiên hỗ trợ phát triển hộ trồng lúa thành hộ sản xuất chuyên nghiệp, hợp tác, liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Xây dựng cơ chế phối hợp, quản lý điều hành hoạt động dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia, đáp ứng yêu cầu lương thực, thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp. Hoàn thiện cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu lương thực, thực phẩm linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
5- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, thông minh. Mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc, giám sát an toàn thực phẩm. Nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng, chống chịu dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
6- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh lương thực. Hoàn thiện hệ thống và mối liên hệ về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong các cơ quan quản lý về an ninh lương thực. Tăng cường hệ thống thú y, bảo vệ thực vật, an ninh lương thực đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thủy sản trước tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp.
7- Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, nước; chấm dứt tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Gắn kết chặt chẽ giữa đảm bảo an ninh lương thực với quy hoạch phát triển cả nước, các vùng, địa phương và với quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt đất trồng lúa. Bảo tồn quốc gia về nguồn gen quý cây trồng, vật nuôi. Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động nông nghiệp phát sinh chất thải, nước thải, khí thải và các chất gây ô nhiễm môi trường khác. Sử dụng hợp lý phân bón hóa học, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường đất và nước ngầm.
8- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực. Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt đối với các lĩnh vực mang tính khu vực và toàn cầu, xuyên quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Hài hòa hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn với khu vực và quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực.
Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Phú Tân
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Phú Tân.
Cụ thể, quy mô sử dụng đất của dự án là 106,539 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án 653,198 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 338 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương tổ chức rà soát và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật. Làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc dự án bị chậm tiến độ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có liên quan, nhà đầu tư; rà soát tư cách pháp lý, quyền và nghĩa vụ của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Công nghiệp Nam Kim trong việc làm nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư và điều kiện để nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư, xây dựng, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, rà soát việc bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật trong việc cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư của Dự án, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước thời điểm gửi hồ sơ đề nghị thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Trường hợp kết quả kiểm tra, rà soát không đảm bảo quy định của pháp luật thì phải xem xét theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Bình Dương quản lý, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư tại diện tích điều chỉnh đưa ra khỏi khu công nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, đấu thầu, xây dựng, nhà ở, đô thị, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan; bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản nhà nước.
Nghiên cứu thông tin “Thiếu nguồn cung đất công nghiệp tại các KCN”
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu thông tin phản ánh tình trạng thiếu nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao tại các khu công nghiệp đăng trên Báo điện tử Vneconomy.
Báo điện tử Vneconomy ngày 18 tháng 11 năm 2020 có nêu: "Theo các chuyên gia của CBRE, nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp đang khan hiếm, điểm bất lợi cần phải khắc phục để đón dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam. Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, nguồn lực hiện tại chỉ đủ phục vụ các doanh nghiệp FDI trong điều kiện bình thường, nếu có làn sóng đầu tư vào Việt Nam thời gian tới sẽ không đủ đáp ứng".
Về thông tin phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương nghiên cứu, rà soát có điều hành phù hợp.
Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải ngân vốn đầu tư công
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tại Kỳ họp Quốc hội thứ 10 chất vấn Thủ tướng: Cử tri vẫn còn lo lắng về nhiều dự án đầu tư công, trong đó có những dự án rất lớn, tiến độ triển khai rất chậm, chất lượng thấp gây lãng phí nguồn lực quốc gia, chưa tạo ra các giá trị thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Cử tri cho rằng có nhiều yếu tố lỗi trong hệ thống của cơ chế giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ có những giải pháp nào hữu hiệu, thực chất hơn, là liều thuốc "đặc trị" để giải quyết căn bệnh này, đừng để trở thành bệnh "mãn tính".
Về nội dung chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ trả lời như sau:
Chính phủ đã xác định rất rõ, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, việc làm; việc các dự án bị chậm tiến độ cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.
Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hành động quyết liệt, thể hiện trong các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1053/QĐ-TTg ngày 17/7/2020 thành lập 7 Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức các Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đôn đốc thúc đẩy đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 để nhận diện, đánh giá những vướng mắc, nút thắt, chỉ ra một số nguyên nhân cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan liên quan về thể chế, chính sách, quy trình, thủ tục về đầu tư công, quản lý tài chính, công tác tổ chức thực hiện ở các cấp,… Trên cơ sở đó, đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây: 8 tháng đạt 49,95% kế hoạch, 9 tháng đạt 52,74% kế hoạch và ước 10 tháng đạt 60,14% kế hoạch.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt là vốn ODA. Về khách quan, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tiến độ thực hiện nhiều dự án ODA không tránh khỏi bị chậm trễ, cả từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Một nguyên nhân khách quan nữa là do sự khác biệt về quy trình, thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ, đặc biệt trong công tác đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các chủ trương chính sách mới, buộc các dự án phải có sự điều chỉnh.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không đảm bảo yêu cầu; các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa sát sao, dẫn đến các khiếm khuyết đã phát hiện không được sửa chữa kịp thời, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được khắc phục...
Tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp
Để xử lý tồn tại, hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp:
- Nâng cao công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất bố trí vốn sát với khả năng thực hiện, khả năng giải ngân.
- Tăng cường trách nhiệm của Lãnh đạo và người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc thực thi các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.
- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp rà soát, kịp thời phát hiện vướng mắc, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế, chính sách để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc xử lý theo thẩm quyền được giao.
- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung rà soát kỹ danh mục dự án đầu tư do mình quản lý, nắm bắt tình hình triển khai từng dự án để có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc điều chuyển vốn sang các dự án khác có khả năng giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
- Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công.
Những giải pháp nêu trên, cùng với việc thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các quy định pháp luật có liên quan, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tiếp theo./.