Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ ban hành Nghị định 104/2021/NĐ-CP ngày 4/12/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 và tháng 11 năm 2021 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cụ thể như sau:
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 năm 2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021.
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11 năm 2021 chậm nhất là ngày 30/12/2021.
Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.
Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật hiện hành thì chưa phải nộp số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt đã kê khai.
Trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 4/12/2021. Sau thời gian gia hạn theo Nghị định này, việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành.
Ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam
Ngày 6/12/2021, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị định số 106/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam.
Nghị định này quy định chi tiết về hệ thống tổ chức; chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng; phối hợp giữa bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.
Chính sách ưu đãi, chế độ đặc thù
Nghị định nêu rõ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo có thời gian từ 5 năm trở lên nếu có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo được chính quyền địa phương nơi chuyển đến ưu tiên giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ về chỗ ở, nhà ở cho gia đình, việc làm cho vợ hoặc chồng của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng và được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ngoài được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác trong Quân đội còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo.
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng đang có thời gian công tác liên tục từ đủ 5 năm trở lên ở khu vực biên giới đất liền, đảo, quần đảo, hằng tháng được hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo. Trường hợp chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo được quy định tại nhiều văn bản thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chế độ, chính sách đó.
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Bộ đội Biên phòng khi làm cán bộ tăng cường xã biên giới nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, hằng tháng được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm và chế độ bồi dưỡng sức khỏe hằng năm tăng thêm theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc phối hợp
Nghị định cũng quy định cụ thể về phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Theo đó, phạm vi, nguyên tắc phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 Luật Biên phòng Việt Nam.
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định từ Điều 7 đến Điều 27 Nghị định này.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung phối hợp tại khoản 3 Điều 10 Luật Biên phòng Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương các cấp xác định hình thức, phương pháp để phối hợp thực thi hiệu quả nhiệm vụ biên phòng; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh và phổ biến, giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới.
Đồng thời, căn cứ chức năng, yêu cầu nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng chủ trì xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam và Nghị định này.
Khẩn trương hoàn thiện thủ tục giao kế hoạch vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia
Ngày 6/12/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 8894/VPCP-KTTH gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc khẩn trương hoàn thiện thủ tục để giao kế hoạch vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).
Để kịp thời giao kế hoạch vốn năm 2021 cho các chương trình MTQG: Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan để hoàn thiện các thủ tục liên quan của các chương trình MTQG do bộ, cơ quan làm chủ chương trình, bảo đảm giao kế hoạch vốn cho các chương trình MTQG trước ngày 15/12/2021.
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy
Ngày 4/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, trong đó quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Cụ thể, đối tượng bị quản lý là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy.
Một người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy khi có một trong các căn cứ sau đây: Tin báo, tố giác của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh, làm rõ; thông tin, tài liệu trong các vụ vi phạm pháp luật; người có biểu hiện mất năng lực nhận thức hoặc kiểm soát hành vi nghi do sử dụng ma túy; trên người, phương tiện, nơi ở của người đó có dấu vết của chất ma túy hoặc dụng cụ, phương tiện sử dụng trái phép chất ma túy; người điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng chất kích thích nghi là ma túy; người có mặt tại các địa điểm có hành vi tổ chức, chứa chấp hoặc sử dụng trái phép chất ma túy nhưng không có lý do chính đáng; người tự khai báo hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; người bị phát hiện quả tang sử dụng trái phép chất ma túy; những căn cứ khác theo quy định của pháp luật.
Khi có căn cứ cho rằng người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy quy định nêu trên thì cơ quan, người có thẩm quyền xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật Phòng, chống ma túy tiến hành xét nghiệm.
Khi có kết quả xét nghiệm dương tính thì cơ quan công an nơi phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm: Thực hiện xác minh nơi cư trú của người sử dụng trái phép chất ma túy; gửi thông báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy cho chủ tịch UBND cấp xã nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú hoặc nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định để tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và lập Hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Về quyết định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, chủ tịch UBND cấp xã nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú ổn định hoặc nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đối với người không có nơi cư trú ổn định ra quyết định và tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy.
Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 1 năm, kể từ ngày chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định quản lý.
Trong thời hạn quản lý, nếu người đang có quyết định quản lý bị phát hiện tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy thì chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định quản lý mới, trong đó xác định lại thời hạn quản lý là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định quản lý mới.
Trường hợp người đang trong thời hạn quản lý chuyển nơi cư trú thì thời hạn quản lý được tính tiếp từ ngày chuyển đi tới khi hết thời gian quản lý còn lại.
Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trong đó, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP bổ sung Điều 21a về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Theo quy định mới, ngoài việc thực hiện các quy định trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 và Điều 20 Nghị định 61/2018/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện thêm một số nhiệm vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính như sau:
1. Tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính
- Kiểm tra, xác thực tài khoản số của cá nhân, tổ chức thông qua số định danh cá nhân của công dân Việt Nam hoặc số hộ chiếu (hoặc số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế) của người nước ngoài và mã số của tổ chức theo quy định. Trường hợp tổ chức, cá nhân chưa có tài khoản số, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa hướng dẫn thực hiện hoặc tạo tài khoản cho cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh. Trường hợp ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính, tài khoản số được xác định theo số định danh của tổ chức, cá nhân ủy quyền.
- Thực hiện kiểm tra dữ liệu điện tử của các thành phần hồ sơ thủ tục hành chính. Trường hợp thông tin, dữ liệu, hồ sơ, giấy tờ điện tử có giá trị pháp lý của tổ chức, cá nhân đã được kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin, Cổng Dịch vụ công quốc gia với Hệ thống thông tin một cửa điện tử thì tổ chức, cá nhân không phải khai lại thông tin hoặc nộp lại hồ sơ, giấy tờ, tài liệu; cán bộ một cửa kiểm tra và chuyển vào hồ sơ thủ tục hành chính điện tử cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp khi tiếp nhận, phát hiện thông tin trong hồ sơ, giấy tờ chưa có sự thống nhất với thông tin, dữ liệu, hồ sơ, giấy tờ điện tử trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành thì thực hiện tiếp nhận hồ sơ giấy; việc điều chỉnh, sửa đổi thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Đối với thành phần hồ sơ là kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc phải số hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành mà chưa có dữ liệu điện tử, cán bộ một cửa thực hiện sao chụp, chuyển thành tài liệu điện tử trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, toàn vẹn, chính xác của các nội dung theo bản giấy. Ký số vào tài liệu đã được số hóa theo quy định trước khi chuyển hồ sơ đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết.
Đối với các thành phần hồ sơ chưa có dữ liệu điện tử còn lại, theo yêu cầu quản lý, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đối với trường hợp cơ quan này thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 61/2018/NĐ-CP) quyết định việc tổ chức thực hiện số hóa đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc; chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc tổ chức thực hiện số hóa đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Giải quyết thủ tục hành chính
- Kiểm tra thông tin trên tài liệu điện tử mà bộ phận một cửa chuyển đến và cập nhật thông tin, dữ liệu điện tử trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, ký số của cơ quan, tổ chức vào bản sao y đối với thành phần hồ sơ phải số hóa thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.
Dữ liệu điện tử của giấy tờ phải có tối thiểu các trường thông tin: Mã loại giấy tờ; số định danh của tổ chức, cá nhân, trường hợp cá nhân không có số định danh cá nhân thì phải bổ sung họ tên, năm sinh, ngày cấp, cơ quan cấp; tên giấy tờ; trích yếu nội dung chính của giấy tờ; thời hạn có hiệu lực; phạm vi có hiệu lực (nếu có). Các thông tin, dữ liệu khác được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Trường hợp phải thẩm tra, xác minh, lấy ý kiến các cơ quan liên quan trong quá trình xử lý hồ sơ, kết quả thẩm tra, xác minh và kết quả trả lời của cơ quan liên quan phải được số hóa theo dữ liệu điện tử để lưu vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính trình cấp có thẩm quyền ký số, phát hành theo quy định pháp luật về công tác văn thư để trả bản giấy và bản điện tử cho tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp thủ tục hành chính chỉ quy định cung cấp bản kết quả giải quyết điện tử hoặc tổ chức, cá nhân đề nghị chỉ cung cấp bản kết quả giải quyết điện tử.
Khi có kết quả giải quyết thủ tục hành chính thành công, các hồ sơ, giấy tờ được số hóa, có giá trị pháp lý trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thì được sử dụng trong thực hiện các thủ tục hành chính khác của tổ chức, cá nhân.
3. Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính
- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử được gắn mã số giấy tờ và lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc Cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc Kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính của Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh. Mã số giấy tờ gồm hai thành phần là mã số định danh của cá nhân, tổ chức và mã loại giấy tờ, trong đó mã loại giấy tờ đối với kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thống nhất sử dụng theo mã loại kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử được trả cho tổ chức, cá nhân trên cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, trừ trường hợp thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành phải có mặt để trực tiếp nhận kết quả.
- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng bản giấy được trả theo quy định tại Điều 20 Nghị định này, trừ trường hợp thủ tục hành chính chỉ quy định cung cấp bản kết quả giải quyết điện tử cho tổ chức, cá nhân.
4. Lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử
- Thời hạn bảo quản hồ sơ thủ tục hành chính điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ và pháp luật chuyên ngành.
- Hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được lưu trữ điện tử và do cơ quan có thẩm quyền giải quyết quản lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh./.