Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phê duyệt kết quả pháp điển 7 chủ đề và 20 đề mục
Ngày 29/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 163/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề: Bưu chính, viễn thông; dân sự; giáo dục, đào tạo; tài chính; tài nguyên; văn hóa, thể thao, du lịch; y tế, dược và 20 đề mục.
Trong đó, chủ đề bưu chính viễn thông có các đề mục: Bưu chính, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, viễn thông; chủ đề dân sự có các đề mục: Đăng ký biện pháp bảo đảm; quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; chủ đề giáo dục, đào tạo có đề mục giáo dục; chủ đề văn hóa, thể thao, du lịch có các đề mục: Hoạt động nghệ thuật biểu diễn; nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; thư viện....
Ngoài ra là 20 đề mục (thuộc 11 chủ đề khác) như: Tổ hợp tác; phòng chống tham nhũng; chăn nuôi; tổ chức Chính phủ; tổ chức Quốc hội; tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; phòng cháy và chữa cháy;...
Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan liên quan thực hiện việc sắp xếp các chủ đề bưu chính, viễn thông; dân sự; giáo dục, đào tạo; tài chính; tài nguyên; văn hóa, thể thao, du lịch; y tế, dược và 20 đề mục nêu trên vào Bộ pháp điển; đăng tải kết quả pháp điển điện tử lên Cổng Thông tin điện tử pháp điển; phổ biến, tuyên truyền về kết quả pháp điển.
Các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan liên quan trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan mình thực hiện phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu kết quả pháp điển đến đối tượng chịu sự tác động của các quy phạm pháp luật thuộc các chủ đề bưu chính, viễn thông; dân sự; giáo dục, đào tạo; tài chính; tài nguyên; văn hóa, thể thao, du lịch; y tế, dược và 20 đề mục nêu trên.
Trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới thuộc các chủ đề bưu chính, viễn thông; dân sự; giáo dục, đào tạo; tài chính; tài nguyên; văn hóa, thể thao, du lịch; y tế, dược và 20 đề mục nêu trên, cơ quan thực hiện pháp điển phối hợp với Bộ Tư pháp kịp thời cập nhật quy phạm pháp luật mới và loại bỏ những quy phạm pháp luật hết hiệu lực ra khỏi Bộ pháp điển theo quy định.
Thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực
Tại Công văn số 1827/TTg-CN ngày 29/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng ý đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tham gia là Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực.
Quy định mới về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121/2021/NĐ-CP về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
Nghị định này quy định về việc kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (doanh nghiệp) chỉ được phép tổ chức các trò chơi điện tử có thưởng tại một điểm kinh doanh duy nhất được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Điểm kinh doanh phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
1- Được bố trí cách ly ra khỏi các khu vực tổ chức hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp và có cửa ra, vào riêng.
2- Có các thiết bị điện tử và hệ thống camera để theo dõi, giám sát thường xuyên toàn bộ hoạt động trong điểm kinh doanh (24/24h). Các hình ảnh phải được lưu trữ đầy đủ trong thời hạn tối thiểu 180 ngày kể từ ngày ghi hình và bảo đảm hình ảnh rõ nét tại các vị trí sau: Khu vực cửa ra, vào điểm kinh doanh; khu vực bố trí các máy trò chơi điện tử có thưởng; khu vực thu ngân, kho quỹ kiểm đếm tiền mặt, đồng tiền quy ước và lưu giữ thiết bị đựng tiền mặt, đồng tiền quy ước.
3- Tuân thủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
4- Có niêm yết đầy đủ nội quy ra, vào bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng nước ngoài khác (nếu có) ở vị trí dễ nhận biết tại cửa ra, vào điểm kinh doanh.
Thời gian doanh nghiệp được phép tổ chức hoạt động kinh doanh là tất cả các ngày trong năm, trừ các ngày không được hoạt động theo quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu tạm ngừng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo cho người chơi biết về thời điểm ngừng kinh doanh ngay sau khi cơ quan quản lý Nhà nước công bố quyết định yêu cầu tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
Số lượng máy trò chơi điện tử có thưởng được quy định cụ thể trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh căn cứ vào tổng số buồng lưu trú đã đưa vào kinh doanh tại cơ sở lưu trú với tỉ lệ 5 buồng lưu trú thì doanh nghiệp được phép kinh doanh tối đa không quá 1 máy trò chơi điện tử có thưởng.
Tất cả các trò chơi điện tử có thưởng khi đưa vào kinh doanh, doanh nghiệp phải xây dựng thể lệ trò chơi phù hợp với cách thức chơi, tỉ lệ trả thưởng, thiết kế riêng của từng loại máy và gửi Bộ Tài chính, Sở Tài chính, Cục Thuế địa phương để theo dõi.
Không được sử dụng kết quả của các trò chơi điện tử có thưởng để cá cược trực tiếp với nhau
Nghị định quy định rõ đối tượng được phép chơi tại các điểm kinh doanh là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và còn thời hạn cư trú tại Việt Nam.
Các đối tượng nêu trên phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và tự nguyện chấp hành thể lệ trò chơi và các quy định tại Nghị định này.
Người chơi có các quyền sau: Được doanh nghiệp xác nhận và trả thưởng đầy đủ khi trúng thưởng; được nhận tiền trả thưởng và chuyển hoặc mang tiền trả thưởng bằng ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định về quản lý ngoại hối của pháp luật Việt Nam và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; được yêu cầu doanh nghiệp giữ bí mật về thông tin trúng thưởng và nhận thưởng; được quyền khiếu nại, khiếu kiện đối với doanh nghiệp về kết quả trả thưởng; tố cáo các hành vi gian lận, vi phạm quy định của Nghị định này và quy định pháp luật; được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác theo quy định trong thể lệ trò chơi do doanh nghiệp công bố.
Người chơi có các nghĩa vụ: Phải mang theo các giấy tờ để chứng minh thuộc đối tượng được phép chơi; có trách nhiệm tuân thủ thể lệ trò chơi, nội quy, quy định quản lý nội bộ có liên quan của doanh nghiệp, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước theo quy định của pháp luật; không được sử dụng kết quả của các trò chơi điện tử có thưởng tại điểm kinh doanh để cá cược trực tiếp với nhau; không được gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại điểm kinh doanh; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 12/2/2022.
Giao cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài
Tại văn bản 1823/TTg-CN ngày 28/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng ý UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài như đề nghị của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Tây Ninh và sự thống nhất của Bộ Giao thông vận tải.
Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Dự án theo đúng quy định pháp luật.
Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2021-2026
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2214/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026.
Mục tiêu chung của Chương trình nhằm tiếp tục phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026 có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo đảm sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc.
Gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.
100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 thiết chế văn hóa
Đối với vùng đồng bằng, Chương trình phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 thiết chế văn hóa: Trung tâm văn hóa, hoặc trung tâm văn hóa-nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; 80% gia đình giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc.
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, biên giới, Chương trình phấn đấu 70% người dân được nâng cao mức hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 thiết chế văn hóa: Trung tâm văn hóa, hoặc trung tâm văn hóa-nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 70% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa-thể thao; 50% thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương giữ vững danh hiệu văn hóa, tiêu biểu; 60% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 60% gia đình giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc.
Xây dựng các môi trường văn hóa
Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình sẽ triển khai xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công sở, văn hóa công vụ và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên để văn hóa thực sự là động lực, đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phát huy tính gương mẫu, tự giác, tuân thủ pháp luật của cá nhân, cơ quan, đơn vị và trong cộng đồng xã hội; có biện pháp ngăn chặn các hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường văn hóa.
Xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, an toàn ở địa bàn dân cư; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường.
Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ
Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về văn hóa, thể thao cơ sở; duy trì, phát triển và đổi mới nội dung các liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ các dân tộc, phong trào thể dục, thể thao quần chúng, góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái giàu bản sắc dân tộc, có môi trường xanh, sạch đẹp, an toàn theo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Chương trình tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu; khu dân cư văn hóa, tiêu biểu; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào hiện có gắn với thực hiện các nhiệm vụ, kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ…
Phê duyệt Chương trình Sách quốc gia giai đoạn 2022-2026
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 2219/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sSách quốc gia giai đoạn 2022-2026.
Mục tiêu của Chương trình là ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xuất bản nhằm tăng cường cung cấp, phổ biến tri thức, phục vụ nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, thực hiện các định hướng phát triển đất nước.
Xuất bản mới và tái bản 500 đầu sách dưới dạng xuất bản phẩm điện tử theo các thể loại: Sách chính trị-xã hội và văn hóa: 300 đầu sách; sách thông tin đối ngoại: 100 đầu sách song ngữ Việt-Anh; sách thiếu niên, nhi đồng: 100 đầu sách.
Xây dựng trang tin điện tử (website) và phần mềm ứng dụng trên thiết bị máy tính, điện thoại di động (App) để lưu trữ và phát hành sách điện tử của Chương trình Sách quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình Sách quốc gia đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình Sách quốc gia; định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Sách quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình Sách quốc gia theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước./.