Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính sách về hưu trước tuổi mới áp dụng từ 1/1/2021
Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, trong đó sửa đổi, bổ sung chính sách về hưu trước tuổi.
Cụ thể, đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:
Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động.
Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp một phần hai tháng tiền lương.
Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ quy định và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động.
Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Không bỏ lọt tội phạm trong vụ cấp bằng giả tại Đại học Đông Đô
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương truy bắt đối tượng Trần Khắc Hùng; xác minh, làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, nếu có dấu hiệu của tội phạm phải khởi tố điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan mở rộng điều tra vụ án, tiếp tục làm rõ số cá nhân được Trường Đại học Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác (nếu có) không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng để thu hồi và kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật. Báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2021.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đào tạo trong việc cấp văn bằng, chứng chỉ; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân cho phép Đại học Đông Đô thông báo tuyển sinh hệ văn bằng hai; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, không để xảy ra sai phạm tương tự.
Thủ tướng đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Nghiên cứu phản ánh về giá tiền thuê đất trong các KCN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu phản ánh về giá tiền thuê đất trong các Khu công nghiệp, kịp thời xử lý các vướng mắc.
Chương trình phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) ngày 8/12/2020 có phản ánh “Chỉ mấy năm, tiền thuê đất trong các khu công nghiệp tăng gấp 3-4 lần, thậm chí có địa phương tăng cả chục lần. Cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiền thuê đất tăng nhanh đã khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ cho phép doanh nghiệp nộp tiền thuê đất hàng năm, không được cấp sổ hồng, dẫn tới không có tài sản để thế chấp vay ngân hàng”.
Về thông tin phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xử lý kịp thời các vướng mắc, phát sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp giải quyết.
Giải quyết kiến nghị của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, xem xét phản ánh, kiến nghị của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam liên quan đến việc thanh tra Dự án Khu liên hợp khoa học - đào tạo tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Trước đó, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc thanh tra Dự án Khu liên hợp khoa học - đào tạo tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, xem xét phản ánh, kiến nghị của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/2/2021.
Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là hàng năm giảm 5-10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường; người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hình thành văn hóa giao thông an toàn;...
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2030 xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ; giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các đầu mối giao thông chính, tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông; triển khai kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông; 100% chủ xe ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ và nộp phạt vi phạm;...
Thực hiện đồng bộ 5 trụ cột về an toàn giao thông đường bộ
Chiến lược đề ra nhiệm vụ chủ động ứng dụng và phát triển các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện đồng bộ 5 trụ cột về an toàn giao thông đường bộ, gồm:
1- Xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về an toàn giao thông, nhằm áp dụng kịp thời các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông các địa phương và các cơ quan, tổ chức thuộc các bộ, ngành có liên quan để quản lý và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về an toàn giao thông.
2- Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt, thân thiện. Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường địa phương trọng yếu, nhằm đạt điều kiện an toàn cao cho tất cả các đối tượng tham gia giao thông.
3- Ứng dụng các công nghệ về an toàn trong sản xuất, lắp ráp, kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, nhằm nâng cao điều kiện an toàn cho phương tiện khi tham gia giao thông.
4- Tập trung tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn kết hợp với công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong toàn dân. Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ để hoàn thiện, phát triển hệ thống đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe tương đương với các nước phát triển trên thế giới.
5- Xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông trong phạm vi cả nước; kết hợp phát triển mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại nhằm ứng phó kịp thời các tai nạn giao thông.
Chiến lược cũng đưa ra 9 nhóm giải pháp về: quản lý, thể chế, chính sách; kết cấu hạ tầng giao thông; phương tiện và vận tải; người điều khiển phương tiện; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông; thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông; phát triển nguồn nhân lực; nguồn kinh phí.
Nghiên cứu thông tin "bê tông hóa các điểm du lịch đang trở thành "hội chứng"”
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh: Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang, Khánh Hòa và các cơ quan liên quan nghiên cứu thông tin Báo Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử nêu về việc bê tông hóa các điểm du lịch đang trở thành "hội chứng".
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử ngày 3/12/2020 có bài viết "Bê tông hóa khu du lịch (Kỳ II): Rất khó để sửa sai", trong đó thông tin: Bê tông hóa các điểm du lịch đang trở thành "hội chứng" ở Sapa, Hội An, Phú Quốc, Nha Trang. Muốn phát triển du lịch bền vững, cần phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược trong quản lý quy hoạch, lấy ý kiến từ nhiều bên. Xây dựng tràn lan thì dễ, nhưng để "sửa sai", "dọn dẹp" tình trạng bê tông hóa là rất khó và tốn kém.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh: Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang và Khánh Hòa và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý.
Giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Tuyết Len
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Tuyết Len, Công ty cổ phần công nghệ phẩm Hải Phòng.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật khiếu nại của bà Nguyễn Thị Tuyết Len đối với việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 4 ngày 24/12/2018 cho Công ty cổ phần công nghệ phẩm Hải Phòng; thông báo kết quả giải quyết cho bà Nguyễn Thị Tuyết Len theo quy định; chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn các cổ đông khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án đối với các tranh chấp về tài sản.
Phó Thủ tướng lưu ý, trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu gặp khó khăn, vướng mắc về áp dụng pháp luật, UBND thành phố Hải Phòng cần chủ động xin ý kiến các Bộ, ngành chức năng của Trung ương để sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự, không để xảy ra khiếu kiện đông người, phức tạp./.