• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 22/9

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

23/09/2022 09:32

Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

Về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất đất đai trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra việc điều tra khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; việc lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc lập và quản lý hồ sơ địa chính; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Chủ trì lập, điều chỉnh, công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia sau khi Quốc hội quyết định; trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh cấp quốc gia; thẩm định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.

Thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Hướng dẫn việc bố trí quỹ đất cho phát triển thị trường bất động sản trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất trình Chính phủ ban hành hoặc để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; hướng dẫn việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai; lập bản đồ giá đất.

Hướng dẫn, kiểm tra việc thu hồi đất, phát triển quỹ đất, quản lý quỹ đất đã thu hồi; việc đấu giá quyền sử dụng đất và quản lý sử dụng đất trong đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật;...

Về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông trong phạm vi cả nước để bảo đảm an ninh nguồn nước.

Tổ chức xây dựng mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phổ biến, tuyên truyền mô hình, công nghệ, thiết bị tiết kiệm nước; hướng dẫn việc thực hiện các quy định về ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi, cấp lại giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất; chấp thuận việc chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

Giải quyết vướng mắc, bất đồng phát sinh trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép, vướng mắc khác về tài nguyên nước giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;…

Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; quyết định phê duyệt, điều chỉnh, thông báo việc truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc thẩm quyền.

Về môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm đối với cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Thực hiện quản lý nhà nước về chất thải rắn theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, hoạt động tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra đối với cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện: công tác quản lý chất lượng môi trường, cải tạo và phục hồi môi trường, công tác bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy;…

Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị gồm: 1- Vụ Hợp tác quốc tế; 2- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 3- Vụ Khoa học và Công nghệ; 4- Vụ Pháp chế; 5- Vụ Tổ chức cán bộ; 6- Vụ Đất đai; 7- Vụ Môi trường; 8- Thanh tra Bộ; 9- Văn phòng Bộ; 10- Tổng cục Khí tượng Thủy văn; 11- Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; 12- Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; 13- Cục Biến đổi khí hậu; 14- Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường; 15- Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai; 16- Cục Địa chất Việt Nam; 17- Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; 18- Cục Khoáng sản Việt Nam; 19- Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; 20- Cục Quản lý tài nguyên nước; 21- Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; 22- Cục Viễn thám quốc gia; 23- Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; 24- Báo Tài nguyên và Môi trường; 25- Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; 26- Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; 27- Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường.

Các đơn vị quy định từ (1) đến (22) là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các đơn vị quy định từ (23) đến (27) là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn; ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc bộ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc bộ, không bao gồm Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Vụ Kế hoạch - Tài chính có 3 phòng; Vụ Tổ chức cán bộ có 3 phòng.

Chính phủ thống nhất Báo cáo về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 22/9/2022 của Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tại Nghị quyết trên, Chính phủ đã thống nhất dự thảo Báo cáo của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan về các thông tin, số liệu báo cáo.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.

Bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1118/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, bổ sung đại diện Phòng Thương mại Anh quốc tại Việt Nam, thành viên;

Đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam thay thế Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, thành viên.

Thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); nghiên cứu Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); nghiên cứu Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu.

Theo Quyết định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Tổ trưởng Tổ công tác.

Tổ phó Tổ công tác gồm: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể (Thường trực); Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng.

Các thành viên Tổ công tác là đại diện lãnh đạo Bộ Công an; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Sơn La; UBND tỉnh Nghệ An; UBND Quảng Nam; UBND tỉnh Ninh Thuận; UBND tỉnh Đồng Nai; UBND thành phố Cần Thơ.

Đối với các sân bay quân sự Thành Sơn, Biên Hòa, Tổ công tác có nhiệm vụ: Tổ chức khảo sát, đánh giá vị trí, vai trò, hiện trạng hạ tầng, đất đai của các sân bay quân sự; đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, vùng trời khu vực xung quanh các sân bay; đánh giá điều kiện, khả năng tổ chức khai thác hàng không dân dụng tại các sân bay; ảnh hưởng tới tổ chức, khai thác, nhu cầu vận tải các cảng hàng không lân cận.

Nghiên cứu, đề xuất sơ bộ phương án đầu tư, phương án tổ chức khai thác trong trường hợp bổ sung quy hoạch các sân bay trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo Thường trực Chính phủ việc nghiên cứu, xem xét chuyển các sân bay quân sự thành các sân bay lưỡng dụng trong quý IV/2022.

Đối với các cảng hàng không Nà Sản, Vinh, Chu Lai, Cần Thơ, Tổ công tác có nhiệm vụ đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không thuộc địa phận của địa phương; khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, tài sản quản lý bởi các cơ quan, đơn vị tại các cảng hàng không.

Đồng thời, nghiên cứu, xem xét Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không do UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, trong đó tập trung các nội dung: phạm vi, hình thức xã hội hóa đầu tư; trình tự thực hiện; lộ trình thực hiện; rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung (nếu có); phương án tổ chức thực hiện; báo cáo Thường trực Chính phủ kết quả nghiên cứu Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không trong quý IV/2022.

Ngoài ra, Tổ công tác còn có nhiệm vụ rà soát các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị về bổ sung quy hoạch các sân bay giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Xem xét điều chỉnh tên gọi Hồ sơ khoa học của di sản trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6244/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tên gọi Hồ sơ khoa học của di sản trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp ngày 16/9/2022 tại Trụ sở Chính phủ về việc bổ sung, điều chỉnh tên gọi Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) là Di sản thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các địa phương để quyết định việc bổ sung, điều chỉnh tên gọi của hồ sơ khoa học đề cử di sản thế giới phù hợp với phạm vi, ranh giới và tiêu chí đề cử; chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các cơ quan liên quan kịp thời thông báo việc điều chỉnh này tới UNESCO theo quy định.

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương tổ chức thực hiện các bước xây dựng hồ sơ khoa học đề cử di sản thế giới bảo đảm chất lượng, đúng Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới và quy định của pháp luật về di sản văn hóa./.