• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/8

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/8.

25/08/2023 09:08

Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Trong đó, Nghị định quy định rõ về căn cứ, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Cụ thể, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn đăng ký các đối tượng đó theo quy định tại Chương VII, Chương VIII và Chương IX của Luật Sở hữu trí tuệ và Phụ lục I của Nghị định này.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid được xác lập trên cơ sở chấp nhận bảo hộ của cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp đối với đăng ký quốc tế đó.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế theo Thỏa ước La Hay được xác lập trên cơ sở chấp nhận bảo hộ của cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp đối với đăng ký quốc tế đó.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu đó theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ theo quy định.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. 

Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở thực tiễn của hoạt động cạnh tranh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Khi sử dụng quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, chủ thể phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ thể hiện đối tượng, lĩnh vực, lãnh thổ, thời gian kinh doanh liên quan đến hoạt động cạnh tranh. 

Quyền sở hữu công nghiệp theo điều ước quốc tế 

Về quyền sở hữu công nghiệp theo điều ước quốc tế, Nghị định quy định, trong trường hợp điều ước quốc tế liên quan đến sở hữu công nghiệp mà Việt Nam là thành viên có quy định về thừa nhận, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân của các thành viên theo quy định tại Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân của các thành viên khác được thừa nhận, bảo hộ tại Việt Nam. 

Quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ trong phạm vi, thời hạn phù hợp với quy định của điều ước quốc tế và không phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố mọi thông tin cần thiết liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được thừa nhận, bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 66/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 4 về nguyên tắc lập danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính:

1- Công dân có quyền bầu cử theo quy định tại Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đông nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để được phát phiếu lấy ý kiến việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.

2- Cử tri được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú.

Trường hợp cấp có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đối với cùng 1 đơn vị hành chính ở cả nơi cử tri đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú thì cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đăng ký thường trú.

3- Cử tri nếu ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri do UBND cấp xã nơi đó lập đến trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tổ chức lấy ý kiến cử tri 24 giờ thì đến UBND cấp xã xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam tại UBND cấp xã nơi mình đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú để được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát phiếu lấy ý kiến cử tri. 

4- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. 

5- Cử tri bị xóa đăng ký thường trú hoặc xóa đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính sau khi danh sách đã được niêm yết, cử tri đã có tên trong danh sách mà đến thời điểm phát phiếu lấy ý kiến bị tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì xóa tên khỏi danh sách cử tri. Danh sách cử tri được niêm yết trong thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ ngày bắt đầu niêm yết danh sách đến ngày tổ chức phát phiếu lấy ý kiến cử tri.

Đối với đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đã được Bộ Nội vụ thẩm định và trình Chính phủ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2023. 

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 348/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.

Năm 2023, Quốc hội đề ra mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức khoảng 4,5%. Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra trong bối cảnh dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần, các bộ, ngành theo chức năng quản lý Nhà nước cần chủ động nắm bắt tình hình, khai thác tối đa dư địa còn lại để chủ động thực hiện các phương án giá theo lộ trình quy định và phù hợp với biến động của các yếu tố hình thành giá, kịp thời đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao tại Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 5/1/2023 và Thông báo số 118/TB-VPCP ngày 10/4/2023.

Đánh giá, tính toán kỹ tác động của các chính sách tài khóa thúc đẩy phục hồi và phát triển

Trong đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. 

Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, không để đứt gãy nguồn cung, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất trong các dịp lễ, tết cuối năm, mùa du lịch khi nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao, đồng thời trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, nguồn cung lương thực, thực phẩm toàn cầu và dịch bệnh trên vật nuôi.

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng theo mục tiêu đề ra. 

Đánh giá, tính toán kỹ tác động của các chính sách tài khóa thúc đẩy phục hồi và phát triển đang triển khai thực hiện sẽ hết hiệu lực thời gian tới để kịp thời đề xuất biện pháp, giải pháp chính sách và điều hành phù hợp.

Đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường: phải có kế hoạch cụ thể về lộ trình, thời điểm điều chỉnh, mức độ điều chỉnh, tính toán tác động đến mặt bằng kinh tế xã hội và mục tiêu kiểm soát lạm phát từng giai đoạn.

Trong điều kiện dư địa lạm phát tương đối rộng để các cơ quan Nhà nước điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý trong bối cảnh mục tiêu lạm phát năm 2023 được Quốc hội phê duyệt ở mức 4,5%, các bộ ngành cần chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, cụ thể gắn với mức độ, thời điểm phù hợp điều chỉnh các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào tháng cuối năm, hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát các năm tiếp theo. 

Đồng thời, cần có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.

Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý

Tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.

Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phải chủ động đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong triển khai các biện pháp quản lý, điều hành giá của các cơ quan Trung ương và địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, đảm bảo kiểm soát hiệu quả lạm phát, nhất là lạm phát kỳ vọng.

UBND các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện quản lý Nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá khi hàng hóa có biến động bất thường.

Khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân

Đối với một số mặt hàng thiết yếu, trong đó, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định; rà soát và chủ động xây dựng các kịch bản, phương án hợp lý, khả thi và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước để tránh gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. 

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023, báo cáo Chính phủ trước ngày 19/8/2023.

Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023; sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/4/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và đề xuất thời điểm điều chỉnh phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát biến động thị trường; giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nhất là các nông sản vào chính vụ để định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và đóng góp tích cực cho xuất khẩu; theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là mặt hàng thịt lợn), nhu cầu tiêu dùng của thị trường để kịp thời có chỉ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm. Tham gia, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản.

Về dịch vụ giáo dục và vật tư giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lộ trình, mức độ và thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục phù hợp, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để các địa phương chủ động quyết định các mức học phí phù hợp cho năm học 2023-2024.

Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; đánh giá, chọn thời điểm phù hợp để kết cấu các chi phí vào giá dịch vụ theo lộ trình thị trường. Khẩn trương hoàn thiện Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi ban hành Thông tư, hoàn thành trong tháng 8/2023.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán đúng giá niêm yết

Bộ Xây dựng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương trong việc công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng hàng tháng, đảm bảo sát với biến động của thị trường và đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông; thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cầu, bình ổn giá vật liệu xây dựng; phối hợp với các bộ, ngành kiểm soát nguồn cung đảm bảo nhu cầu vật liệu xây dựng cho việc triển khai các tuyến đường cao tốc để không ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, nguồn vốn thi công của các công trình trọng điểm. Các bộ quản lý ngành thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước.

Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là giai đoạn cuối năm khi nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao.

Đối với một số hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện lộ trình giá thị trường, các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai theo chức năng nhiệm vụ và mục tiêu kiểm soát lạm phát hàng năm do Quốc hội và Chính phủ đề ra; kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề vướng mắc phát sinh.

Đối với công tác điều hành giá mặt hàng quan trọng, thiết yếu khác, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, đáp ứng nhu cầu trong nước và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, xử lý các khoảng trống pháp lý. Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch, báo cáo cấp có thẩm quyền phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Văn phòng Chính phủ đã phát đi Thông báo số 347/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận: Việc bổ sung sửa đổi quy định pháp luật đối với lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam là vấn đề rất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia, chính trị đối ngoại, cần có thời gian rà soát, nghiên cứu kỹ, đánh giá toàn diện, thận trọng, đặc biệt phải lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp, nhất là các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế,... Để xử lý toàn diện các vấn đề, yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp thu, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi những nội dung liên quan đến lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam vào thời điểm phù hợp. 

Để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các bộ có liên quan, trong đó, lưu ý rà soát bảo đảm đơn giản trình tự, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chú trọng cấp phép trực tuyến và đẩy mạnh chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", đảm bảo thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi; tăng cường phân cấp, thể chế trách nhiệm, chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật; thực hiện đúng chủ trương thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam; hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/8/2023.

Thúc đẩy duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký văn bản số 759/TTg-QHQT ngày 24/8/2023 đồng ý với nội dung cơ bản của Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 (Kế hoạch) với các hoạt động cụ thể như đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch tại các cơ quan liên quan và báo cáo theo quy định.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch.

Thúc đẩy việc duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phát hiện, kiến nghị khen thưởng, động viên các nhân tố điển hình đóng góp vào công tác tiếng Việt trong cộng đồng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trong nước và ở sở tại trong tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt, hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng.

Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các tỉnh và thành phố liên quan; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện các hoạt động trong Kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình.

Bộ Công an đảm bảo công tác an ninh, chính trị cho các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách Nhà nước, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước theo quy định và các nguồn hợp pháp khác. Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho các hoạt động sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2024 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Đại tá Vũ Hữu Hanh giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Bộ Quốc phòng

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 982/QĐ-TTg bổ nhiệm đồng chí Đại tá Vũ Hữu Hanh, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Bộ Quốc phòng./.