• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2022.

01/04/2022 09:44

Phê duyệt "Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030"

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt "Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030" (Đề án).

Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody's) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP.

Đề án cũng đặt mục tiêu kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, phấn đấu bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP...

Cải thiện xếp hạng tín nhiệm: Xây dựng nền tài chính công vững mạnh 

Một trong các giải pháp chủ yếu của Đề án là xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững để cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa.

Cụ thể, tiếp tục củng cố nền tảng tài khóa lành mạnh, tập trung cải thiện điểm số về thu ngân sách thông qua hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế tốt.  

Bên cạnh đó, cải thiện các chỉ số tài khóa, giảm dần bội chi ngân sách Nhà nước, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ so với GDP.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường minh bạch chính sách tài khóa; đẩy mạnh việc quản lý, điều hành tài chính ngân sách theo trung hạn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm; thực hiện kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm theo quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế; tăng cường áp dụng các thông lệ quốc tế tốt trong quản lý rủi ro danh mục nợ Chính phủ, bảo đảm vay nợ bền vững. 

Đẩy mạnh tiến độ xử lý các tài sản có vấn đề/nợ xấu còn lại

Giải pháp khác là cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước để giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, tăng cường xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu phát sinh, tiếp tục tái cấu trúc ngành ngân hàng, giảm thiểu rủi ro nợ xấu thông qua các biện pháp tăng cường vốn hóa các ngân hàng thương mại, cải thiện chất lượng tài sản và các khoản cho vay của ngân hàng, cải thiện tỷ lệ tài sản và nợ, đẩy mạnh tiến độ xử lý các tài sản có vấn đề/nợ xấu còn lại.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng, mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ vào các lĩnh vực rủi ro cao.

Ngoài ra, theo dõi sát, bảo đảm mọi khoản vay Chính phủ bảo đảm được thanh toán đầy đủ, đúng hạn; tiếp tục thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa; tăng cường tính minh bạch, công khai dữ liệu của ngân hàng và doanh nghiệp để cải thiện khả năng dự báo về hiệu quả tài chính.   

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan có trách nhiệm chỉ đạo, tham gia thực hiện các nội dung liên quan của Đề án; chủ  động phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện các công việc liên quan đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia; chịu trách nhiệm cung cấp, giải trình đối với các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều chỉnh Đề án "Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020"

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 413/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt điều chỉnh Đề án "Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020".

Theo điều chỉnh, Đề án trên được thực hiện đến hết năm 2025 và được bổ sung Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Hà Tĩnh, Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Quảng Nam làm dự án thành phần của Đề án, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Các nội dung khác không điều chỉnh, thực hiện theo Quyết định số 763/QĐ-TTg và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án.

UBND các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Quảng Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ  đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 413/QĐ-TTg và Quyết định số 763/QĐ-TTg, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về kết quả thực hiện Đề  án tại địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Đề án tại địa phương; quản lý, sử dụng các nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả, đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan.

Trình UNESCO công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là di sản văn hóa nhân loại

Tại công văn số 1670/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý đệ trình UNESCO xem xét đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phó Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Hồ sơ theo quy định.

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3/2022.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Đồng Tháp

Tại văn bản số 288/TTg-NN, ngày 31/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chấp thuận Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp quyết định chuyển mục đích sử dụng 25 ha đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp để thực hiện Dự án vị trí đóng quân Trung đoàn BB320 trên địa bàn xã An Phước, huyện Tân Hồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định thực hiện dự án và việc tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đất đai.

Bên cạnh đó, thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện dự án bảo đảm đúng thẩm quyền, thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật đất đai cũng như quy định của pháp luật khác liên quan và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số 

Ngày 31/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Bối cảnh hiện nay là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia. 

Phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động khó dự báo trước. 

Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. 

Phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Chiến lược xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Chiến lược nêu ra 17 nhóm nhiệm vụ và 08 nhóm giải pháp để đưa công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược và định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện.

Xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Lâm Đồng 

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 1999/VPCP-NN ngày 31/3/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tỉnh Lâm Đồng. 

Trước đó, Chương trình thời sự VTV1 19 giờ ngày 30 tháng 3 năm 2022 có đưa tin: Liệu có chuyện "bắt tay" phá rừng tại Lâm Đồng?, trong đó nêu: Dư luận cho rằng, một bộ phận không nhỏ những người làm công tác bảo vệ và phát triển rừng đã không làm đúng chức trách của mình, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm. Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin tình trạng phá rừng lấy đất và lấn chiếm đất rừng diễn ra rất phức tạp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Về việc này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tỉnh Lâm Đồng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương, các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, các công ty nông, lâm nghiệp, các cá nhân trong công tác quản lý rừng và đất rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật./.