Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với TPHCM nhằm giải quyết một số vấn đề trọng tâm, cấp bách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lớn để Thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại cuộc làm việc, các ý kiến cho rằng, bên cạnh những thành tựu rất cơ bản và quyết định, Thành phố cũng đối diện nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nút thắt về hạ tầng. Để giải quyết vấn đề này, TPHCM đưa ra 15 kiến nghị, với mong muốn được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, đồng thời tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% hiện nay lên mức cao hơn.
Về cơ sở của các đề xuất này, Báo cáo của Thành phố nêu thực tế, sự quá tải về hạ tầng kinh tế-xã hội đang ngày càng gia tăng; hạ tầng giao thông lạc hậu, chậm được mở rộng và nâng cấp, hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để bảo đảm các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách Thành phố.
Qua làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các ý kiến của các bộ ngành Trung ương về cơ bản đều đồng tình với các kiến nghị này. Tuy nhiên, một nội dung được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý là Thành phố phải phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, tự lực, tự cường. Chỉ có như vậy mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là trong giải quyết nút thắt hạ tầng giao thông vận tải, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn nhưng nguồn ngân sách Nhà nước lại có hạn.
Theo ý kiến của lãnh đạo các bộ và cả của lãnh đạo TPHCM, tinh thần năng động, sáng tạo, tiên phong trong những năm qua của Thành phố chưa được phát huy mạnh mẽ. Cơ chế, chính sách tuy còn vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, nhưng Thành phố cũng chưa phát huy hết được hết những cơ chế, chính sách đặc thù mà Trung ương đã dành cho. Luật PPP đã có, các địa phương trên cả nước cũng có rất nhiều mô hình hay, cách làm tốt nhưng TPHCM chưa thực sự mạnh mẽ trong cách làm này để huy động các nguồn lực phát triển.
Thực tế, kể từ khi nhậm chức, một trong những vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở nhiều nhất chính là huy động các nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã nêu rất rõ các quan điểm chỉ đạo, định hướng với hai vấn đề lớn liên quan tới hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng, với TPHCM nói riêng và cả nước nói chung: Vấn đề kinh phí và vấn đề cơ chế, chính sách.
Về nguồn kinh phí, các dự án chủ yếu được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Quan điểm dứt khoát là dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các địa phương phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Chính phủ sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho phần xây lắp tại các dự án. Nguồn vốn Nhà nước (cả Trung ương và địa phương) sẽ đóng vai trò “vốn mồi” đóng vai trò dẫn dắt các nguồn vốn khác.
Làm rõ hơn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, kinh phí giải phóng mặt bằng thường có biến động rất lớn nếu để kéo dài thời gian, do đó, việc giao trách nhiệm này cho các địa phương sẽ giúp các địa phương nâng cao trách nhiệm để rút ngắn tối đa thời gian. Một ví dụ thực tế được Bộ trưởng nêu, là với đoạn đường vành đai 3 Tân Vạn – Nhơn Trạch, chỉ trong vài năm, TPHCM đã đề nghị tăng kinh phí giải phóng mặt bằng từ 148 tỷ lên 1.800 tỷ đồng.
Theo Thủ tướng, nếu chậm trễ trong triển khai công việc, chúng ta không chỉ mất kinh phí, mất thời gian mà còn mất cả cơ hội phát triển. Thực tế cũng cho thấy, trước khi giải phóng mặt bằng, các dự án rất khó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, nhưng sau khi có mặt bằng sạch, dự án sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều và nếu làm tốt, một đồng vốn Nhà nước sẽ thu hút được 4 đến 5 đồng vốn xã hội hóa, thậm chí nhiều hơn nữa.
Giải phóng mặt bằng không chỉ là câu chuyện kinh phí. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, để giải phóng mặt bằng, trước hết phải làm tốt công tác “giải phóng tư tưởng” của người dân, tức là công tác dân vận, công tác tuyên truyền, vận động người dân với sự tham gia của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị các cấp, đi cùng với việc bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Bên cạnh đó là việc phải tổ chức công khai, minh bạch việc giải phóng mặt bằng để không ai cảm thấy bị thiệt, bị bỏ rơi. Tư tưởng người dân mà “thông” thì việc gì cũng có thể.
Cũng liên quan tới vấn đề này, trong chuyến công tác mới đây tại ĐBSCL của Thủ tướng, theo gợi mở của Thủ tướng, lãnh đạo các địa phương trong vùng đều khẳng định sẽ “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm chi tiêu để có kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng. Trong bối cảnh ngân sách có hạn, các địa phương cần cơ cấu lại việc chi tiêu, triệt để tiết kiệm, gác lại những khoản chi chưa cần thiết, chỉ như vậy mới có thể tháo gỡ được nút thắt hạ tầng đang cản trở sự phát triển. Mặt khác, nếu các địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hai bên đường khi thực hiện các dự án giao thông, sẽ có thêm nguồn kinh phí rất lớn.
Về cơ chế, chính sách, Luật PPP đã có và Thủ tướng khẳng định sẽ phân cấp tối đa cho TPHCM cũng như các địa phương khác, những việc TPHCM làm tốt hơn Chính phủ thì sẵn sàng giao cho TPHCM. Với những vướng mắc, Thủ tướng nêu rõ quan điểm sẽ kiến nghị Quốc hội tháo gỡ, xử lý những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những việc gì thuộc trách nhiệm, quyền hạn của Chính phủ, Chính phủ sẽ giải quyết ngay. Việc gì của các bộ ngành, địa phương, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động giải quyết.
Tất cả những điều này hướng đến mục tiêu để Thành phố cũng như các địa phương khác trên cả nước phát huy mạnh mẽ nhất tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động, tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước.
Ủng hộ đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, Chính phủ sẽ phối hợp với TPHCM và các cơ quan liên quan đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, song Thủ tướng cũng lưu ý rằng điều này cũng đòi hỏi Thành phố nâng cao trách nhiệm hơn trong đầu tư phát triển. Cụ thể hơn, với nguồn ngân sách tăng thêm, Thành phố cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm, theo định hướng lớn mà Thủ tướng đã chỉ ra.
Các quan điểm này hoàn toàn không có nghĩa là Đảng, Nhà nước, Chính phủ đứng ngoài cuộc hay “bỏ mặc” các địa phương, nhưng phân cấp mạnh mẽ để phát huy tính năng động, sáng tạo của cấp dưới, huy động nguồn lực toàn xã hội cho phát triển. Chính phủ, các cơ quan Nhà nước tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn kiểm tra, giám sát; thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật.
Trước thực tế những năm qua, nhiều cán bộ của TPHCM còn chưa chủ động, sáng tạo, còn lúng túng, còn trông chờ, ỷ lại, sợ vi phạm, sợ kỷ luật, Thủ tướng khẳng định, “nếu các đồng chí làm mà không có động cơ xấu, không tham nhũng tiêu cực, không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì chúng tôi phải bảo vệ các đồng chí”. Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, tăng cường kỷ luật kỷ cương nhưng phải bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo.
Muốn “thông” được các nút thắt phát triển, trước hết là nút thắt giao thông, nút thắt hạ tầng, điều kiện tiên quyết là “tư tưởng phải thông”, các cơ quan và đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu phải chấm dứt ngay tư tưởng trông chờ, ỷ lại ở Trung ương.
Một vấn đề quan trọng nữa là một số địa phương đã làm rất tốt việc huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng, trong đó có phương thức PPP. Các bộ, ngành, địa phương cần tham khảo, học hỏi và tổng kết các mô hình đó để về áp dụng ở địa phương, ở ngành mình trên tinh thần “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo…”
Hà Văn