Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cầu Vàm Cống chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 19/5. Ảnh: Huy Hùng/TTX. |
Ngày 19/5, Bộ GTVT chính thức đưa cầu Vàm Cống và đường dẫn thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê kông vào sử dụng.
Theo Bộ GTVT, cầu Vàm Cống được khởi công từ năm 2013, trong quá trình thi công, dù gặp phải một số điều kiện không thuận lợi, tuy nhiên nhờ có nỗ lực khắc phục từ phía các đơn vị tư vấn, nhà thầu cũng như sự trợ giúp nhiệt tình từ các nhà tài trợ và địa phương, đến nay dự án đã hoàn thành và được các đơn vị tư vấn kiểm định trong nước, tư vấn độc lập quốc tế đánh giá đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn kết cấu. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cũng đánh giá và kết luận công trình đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng.
Dự án cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu là dự án thành phần 3 thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án gồm cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu dài 2,97km, đường dẫn dài 5,88km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ).
Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5m. Trụ tháp cao 143,9 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe ôtô và hai làn xe thô sơ. Đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80km/h.
Trước đó, vào tháng 5/2018 cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, nối TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp đã được thông xe. Như vậy, sau khi thông xe cả hai cây cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống sẽ giúp rút ngắn hơn 20km và tiết kiệm gần 2 tiếng di chuyển cho người dân từ An Giang, Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười, rồi lên TPHCM. Thay vì trước đây, người dân phải chạy vòng theo Quốc lộ 80 về cầu Mỹ Thuận rồi theo Quốc lộ 1 về TP.HCM như cũ, thì sau khi cầu Vàm Cống hoàn thành, thì người dân sẽ đi qua cầu Vàm Cống, thì phương tiện vào đường nối qua cầu Cao Lãnh chạy thẳng về đường N2 (vành đai) TPHCM.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng thì phà Vàm Cống sẽ ngưng hoạt động như cầu Cần Thơ và phà cần Thơ trước đây.
“Tuy nhiên, vẫn còn 1 bộ phận người dân có nhu cầu đi phà như: Người đi bộ, các phương tiện thô sơ, những người làm việc ở các tổ chức 2 bên bờ gần đó, bộ phận này không phải là ít... Nên rút kinh nghiệm khi đưa cầu Vàm Cống sử dụng, Cần Thơ sẽ kiến nghị Bộ GTVT giữ lại phà Vàm Cống để phục vụ cho người dân có nhu cầu”, ông Thống nói.
Khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng thì phà Vàm Cống sẽ ngưng hoạt động. Ảnh: Huy Hùng/TTX. |
Được biết, Bộ GTVT đang giao cho Ban QLDA 7 nghiên cứu triển khai dự án cao tốc từ ngã ba An Hữu (Tiền Giang) và đến TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) song song với QL30.
Dự báo sau khi cầu Vàm Cống thông xe, tuyến QL30 sẽ quá tải, vì vậy cần có một tuyến cao tốc để san sẻ bớt lưu lượng. Tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư xây dựng song song với QL30 hiện hữu, điểm đầu kết nối cao tốc với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối nối QLN2 đoạn Mỹ An - Cao Lãnh. Tổng chiều dài tuyến là 28km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Tháp là 20km và đoạn qua tỉnh Tiền Giang là 8km.
Trước mắt, tuyến cao tốc sẽ được thực hiện với 4 làn xe ô tô, không có làn dừng khẩn cấp, bố trí dải phân cách giữa và hàng rào bảo vệ 2 bên, trên tuyến có 26 cầu (chiếm 15% tổng chiều dài tuyến). Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.000 tỷ đồng, gồm vốn Trung ương, ngân sách tỉnh và kêu gọi đầu tư theo hợp đồng BOT. Dự kiến, thời gian thu phí khoảng 15 năm.
Các nhà đầu tư cho rằng, cần sớm triển khai tuyến cao tốc này bởi khi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành, lượng phương tiện đổ về QL30 rất lớn, nếu không triển khai sớm thì QL30 trở nên quá tải và sẽ không phát huy được hiệu quả khai thác của các dự án cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống./.