Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vấn đề môi trường được lồng ghép vào hoạt động của Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, trong đó nổi bật là việc xử lý chất thải y tế (rác y tế, rác phủ tạng, chất thải lỏng…). Theo số liệu báo cáo 6 tháng, toàn Bệnh viện đã thu gom và xử lý hơn 8.500 kg rác y tế và phủ tạng, 78 nghìn m3 chất thải lỏng. Lượng rác thải trên được thu gom hàng ngày (sau khi phân loại nguồn rác có thể tái sử dụng) và xử lý bằng hình thức đốt trong lò Incicon (công suất 70-80 kg rác/giờ đốt, theo công nghệ Anh Quốc). Tùy theo lượng rác thải y tế, bình quân 2 ngày, lò đốt hoạt động 1 lần/3,5 giờ.
Ngoài rác thải y tế, nguồn rác sinh hoạt trong bệnh viện cũng khá lớn. Trung bình 60 m3/tháng được thu gom ra khu vực riêng và 2 ngày sẽ có xe của Công ty TNHH một thành viên Môi trường và công trình đô thị vào chuyển ra bãi rác tập trung. Riêng đối với nguồn chất thải lỏng cũng đã được thu gom, chảy về hệ thống xử lý với công suất 450m3/ngày đêm.
Không chỉ đáp ứng vấn đề xử lý an toàn, hiệu quả nguồn rác thải y tế của đơn vị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn xử lý hàng trăm kg rác của các cơ sở y tế khác như: Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng, Chống AIDS, các phòng khám tư nhân.
Anh Lê Tiến Tú, Phó Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn khẳng định: Công tác chống nhiễm khuẩn nói chung và hoạt động bảo vệ môi trường nói riêng tại bệnh viện được triển khai thường xuyên, hiệu quả. Hàng năm, đơn vị đều được Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường đến kiểm tra, đánh giá chất lượng việc xử lý rác, nước thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Hoạt động vệ sinh buồng bệnh, ngoại cảnh được Bệnh viện thuê một công ty thực hiện với hơn 40 lao động thường xuyên lau rửa, thu gom rác… Hàng tháng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn còn phối hợp với các khoa khác thực hiện: nuôi cấy vi sinh trong toàn bệnh viện, giám sát dịch bệnh, phun thuốc khử khuẩn, diệt côn trùng…
Trong hoạt động chống nhiễm khuẩn và xử lý rác thải, tồn tại lớn nhất đó là việc xử lý rác theo phương pháp đốt bằng dầu diezen. Theo tính toán, 1kg rác y tế phải cần 1,5 lít dầu còn đối với 1 kg phủ tạng phải cần 2 lít dầu. Thực tế cũng cho thấy, 1 tháng bệnh viện cần dùng tới 2.500 lít dầu để thực hiện việc xử lý rác thải. Như vậy cũng khá tốn kém và chưa hẳn đã tiết kiệm hơn nếu so với các công nghệ khác (như sử dụng điện). Chính vì vậy, trong xu hướng hiện nay, vấn đề mở rộng quy mô, nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ hiện đại vào khám chữa bệnh bảo vệ sức khỏe của nhân dân cũng cần phải song hành với việc đổi mới trang thiết bị, hệ thống xử lý rác, nước thải y tế.
Kiểm soát và xử lý hiệu quả nguồn rác thải có ý nghĩa quan trọng không chỉ bảo đảm môi trường trong sạch đối với những người dân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế mà còn ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xung quanh. Việc duy trì tốt hoạt động chống nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã trở thành một điển hình, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Hoàng An